Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ:

Để sân khấu thành nhu cầu của khán giả

Sáng đèn trở lại sau đại dịch Covid-19 là mong ước của các đơn vị sân khấu. Trong những điểm sáng thời gian qua thì Nhà hát Tuổi trẻ gây được nhiều ấn tượng với khán giả thông qua nhiều hoạt động sôi nổi, kịch mục phong phú, đặc biệt là trong dịp hè. Thời Nay đã có cuộc trao đổi với NSƯT Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát.
0:00 / 0:00
0:00
Một vở kịch dành cho thiếu nhi của Nhà hát Tuổi trẻ.
Một vở kịch dành cho thiếu nhi của Nhà hát Tuổi trẻ.
Để sân khấu thành nhu cầu của khán giả ảnh 1

Phóng viên (PV): Thời điểm anh nhận nhiệm vụ Giám đốc Nhà hát từ tháng 6/2022 cũng là quãng thời gian sân khấu trở lại hoạt động bình thường. Anh đã có “chiến lược” gì cho các hoạt động của Nhà hát để thu hút khán giả?

NSƯT Sĩ Tiến: Nhà hát chúng tôi có truyền thống dàn dựng các vở diễn phong phú ở nhiều loại hình như hài kịch, chính kịch, kịch thiếu nhi, nhạc kịch. Dĩ nhiên, mỗi thời điểm sẽ có những thuận lợi và khó khăn riêng cần sự điều hành khéo léo, phù hợp. Khi đại dịch tạm lắng, tôi nhận ra sau một thời gian dài ở nhà, phụ huynh và các em sẽ có nhu cầu ra ngoài nhiều hơn, đi du lịch hay thưởng thức các chương trình nghệ thuật, giải trí, trong đó có sân khấu. Nhà hát đã “tăng tốc” hoàn thiện vở cũ, dựng thêm vở mới để sẵn sàng đón khán giả, nhất là khán giả nhỏ tuổi trong mùa hè. Chúng tôi giữ khung giờ tối thứ 7 vốn là thói quen lâu nay trong lòng khán giả yêu sân khấu Hà Nội, rằng muốn đi xem kịch tối thứ 7 thì đến Nhà hát Tuổi trẻ. Kịch mục rất phong phú phục vụ cả người lớn, trẻ em, dịch vụ bán vé online lúc nào cũng sẵn sàng, có thể bán vé trước đêm diễn hằng tháng, giá vé chỉ từ 120-150 nghìn đồng/vé. Chúng tôi hiểu rằng sau đại dịch, còn nhiều nỗi lo, nhiều khó khăn. Quan trọng nhất là kéo được khán giả đến rạp. Thù lao cho mỗi đêm diễn chẳng đáng là bao, nhưng mọi người đều rất hân hoan vì được quay trở lại làm nghề.

PV: Cho đến nay, hình như Nhà hát Tuổi trẻ không chỉ sáng đèn vào mỗi tối thứ 7 hằng tuần, thưa anh?

NSƯT Sĩ Tiến: Mặc dù chưa được như mong muốn nhưng rất mừng là xu hướng đến rạp xem vở diễn của khán giả đang tăng lên. Gần đây mỗi tuần, Nhà hát chúng tôi có ba suất diễn. Cứ so sánh với việc hai năm đại dịch Nhà hát diễn chưa đến 40 suất thì có thể thấy anh em nghệ sĩ mừng vui thế nào. Làm sao để sân khấu ngày càng trở thành món ăn hấp dẫn, không thể thiếu trong sự lựa chọn của khán giả, nhất là các bạn trẻ.

PV: Tôi nghĩ rằng phục vụ khán giả trẻ là khó nhất, vì họ thay đổi liên tục, không dễ nắm bắt tâm lý và mỗi lứa tuổi lại có một nhu cầu thưởng thức, giải trí khác nhau...

NSƯT Sĩ Tiến: Nhà hát chúng tôi rất hiểu điều này và chia đối tượng khán giả trẻ làm bốn phân khúc khác nhau để xây dựng kịch bản, vở diễn. Đó là phân khúc 5-7 tuổi, 8-13 tuổi, 14-17 tuổi và phân khúc còn lại là từ 18 tuổi. Mỗi vở diễn đều được xác định từ đầu dàn dựng cho phân khúc khán giả nào. Từ đó, việc hoàn thiện kịch bản, dàn dựng, kể chuyện, cách diễn, cách thoại sao cho phù hợp đối tượng khán giả cụ thể.

Hiện, chúng tôi nhận thấy rằng, mình mới chỉ chinh phục tốt hai đối tượng là nhi đồng, thiếu nhi, chúng tôi đang cố gắng tìm kịch bản hay, cách diễn phù hợp để chinh phục tốt hai đối tượng khán giả còn lại. Với phân khúc học sinh THPT và sinh viên, những năm gần đây, Nhà hát đã đưa một số dự án sân khấu đến với các trường học thông qua các vở diễn để nói câu chuyện chọn nghề, chẳng hạn vở nhạc kịch “Trại hoa vàng” rất được các bạn yêu mến. Sắp tới đây, Nhà hát khởi công vở diễn mới “Rồi tôi sẽ lớn” cũng dành cho đối tượng học sinh THPT. Tôi tin các bạn trẻ khi xem vở diễn sẽ tìm thấy câu trả lời về việc mình sẽ chọn gì, là ai trong tương lai.

PV: Với các bạn nhỏ, việc đến rạp hát xem kịch hay không phụ thuộc rất nhiều vào các phụ huynh. Mà phụ huynh thì đa phần quá bận, hoặc nhiều người chưa có thói quen đến Nhà hát. Nếu không có sự ủng hộ của các phụ huynh, việc đào tạo các khán giả tương lai cho sân khấu xem chừng khó khăn?

NSƯT Sĩ Tiến: Tôi rất chia sẻ điều này. Thời điểm mùa hè, Nhà hát Tuổi trẻ cố định khung giờ tối thứ 7 là các vở diễn cho thiếu nhi bởi hy vọng tối cuối tuần các phụ huynh được nghỉ ngơi, cả gia đình có thể cùng nhau mặc quần áo đẹp, đến nhà hát để cùng thưởng thức một vở diễn. Cả gia đình sẽ trải nghiệm cùng nhau những giây phút vui vẻ, gắn kết. Thật sự mà nói, khi đến rạp xem sân khấu các con sẽ được học những thứ ở nhà không có, ở trường không dạy, nó bồi đắp tâm hồn các con rất nhiều.

PV: Còn ý kiến đưa sân khấu trở thành một học phần trong các chương trình học của học sinh phổ thông anh nghĩ sao?

NSƯT Sĩ Tiến: Theo tôi thì rất nên. Không chỉ với sân khấu đâu mà mọi ngành nghệ thuật nói chung rất cần được mang vào trường học để các em được tiếp cận từ sớm, hiểu được cái hay, cái đẹp, cái giá trị, từ đó mà có được tình yêu dành cho nghệ thuật. Khi chúng ta mang sân khấu vào trường học chẳng hạn, các con có cơ hội được học các kiến thức về sân khấu, được xem nghệ sĩ diễn các vở diễn hay, được tập đóng kịch với các bạn để rèn luyện tư duy, khả năng sử dụng ngôn ngữ, cách nhả chữ, cách hóa thân vào nhân vật khác... Như người ta thường nói, phải hiểu thì mới yêu. Muốn các con yêu sân khấu phải giúp các con hiểu về sân khấu. Trẻ em ở các nước phương Tây thường được học về kịch từ rất sớm.

PV: Xin cảm ơn NSƯT Sĩ Tiến!

NSƯT Sĩ Tiến: Nhà hát Tuổi trẻ ngoài các đoàn kịch còn có một đoàn ca nhạc. Chúng tôi có những diễn viên được đào tạo về sân khấu kịch đồng thời có kỹ năng thanh nhạc tốt nên việc xây dựng nhạc kịch là ưu thế. Trong tương lai, chúng tôi sẽ dựng thêm các vở nhạc kịch và sẽ hợp tác với nước ngoài để các vở diễn quy chuẩn hơn, sắc nét, đúng chất của nhạc kịch hơn.