Chậm trễ việc cấp hộ chiếu vaccine
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu y tế, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, hộ chiếu vaccine điện tử là chứng nhận tiêm chủng Covid-19 điện tử do Bộ Y tế cấp cho người dân và sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh châu Âu (EU) ban hành. "Sau hơn một tháng tiến hành "làm sạch" dữ liệu mũi tiêm, tính đến ngày 15/5, 41 triệu mũi tiêm sai thông tin trước đây hiện còn khoảng 34 triệu mũi tiêm chưa được làm sạch dữ liệu. Mới đây, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và các bộ, ngành phải nhanh chóng làm sạch dữ liệu tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trước ngày 1/6. Việc này nhằm giúp cho việc ký xác thực hộ chiếu vaccine điện tử của công dân", ông Hùng thông tin.
Theo Cục Công nghệ thông tin, việc làm sạch dữ liệu thông tin tiêm chủng đã được Bộ Y tế đôn đốc các địa phương thực hiện nhiều lần. Về cơ bản, việc này do cán bộ y tế và cán bộ công an địa phương phối hợp rà soát, làm sạch. Cán bộ y tế sẽ cung cấp thông tin tiêm chủng sai lệch thông tin, còn đơn vị công an sẽ đối chiếu, sửa chữa thông tin sai lệch này. Quy trình làm sạch dữ liệu đã được triển khai thực hiện, không gặp khó khăn. Tuy nhiên, có thể do lực lượng cơ sở mỏng nên việc xác thực thông tin tiến hành chậm trễ. Qua kiểm tra thực tế, một số tỉnh, thành phố chưa quan tâm chỉ đạo triển khai các văn bản của Bộ Y tế tới các đơn vị tuyến dưới kịp thời. Ngành y tế một số địa phương không còn được hỗ trợ của liên ngành dưới sự chỉ đạo của chính quyền các cấp như thời gian trước đây dẫn đến chậm.
Ngoài ra, nhiều người dân cũng phản ánh về việc thông tin mũi tiêm không sai thông tin nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được hộ chiếu vaccine. Việc chậm này là do các cơ sở tiêm chủng chưa ký số. Vì vậy, khi chưa nhận được dữ liệu ký số của cơ sở tiêm chủng thì Bộ Y tế chưa thể ký số tập trung để cấp hộ chiếu vaccine cho người dân. Một nguyên nhân khác là nền tảng quản lý tiêm chủng dành cho Bộ Y tế và Sở Y tế chưa được cấp đủ quyền hạn. Do đó, họ không thể xem thực trạng chất lượng dữ liệu và kết quả kết nối, chia sẻ, xác thực thông tin tiêm chủng, không chỉnh sửa được thông tin người tiêm, gộp các dữ liệu bị trùng.
Vẫn cần thiết với mọi người dân
Hộ chiếu vaccine được Việt Nam triển khai trên toàn quốc từ ngày 15/4, nhằm tạo thuận lợi nhất cho công dân có nhu cầu ra nước ngoài trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới. Hộ chiếu gồm 11 trường thông tin, được đóng gói dưới dạng mã QR 2D, hiển thị trên ứng dụng PC-Covid hoặc Sổ sức khỏe điện tử. Bộ Ngoại giao nước ta vẫn tiếp tục ký công nhận hộ chiếu vaccine với nhiều quốc gia trên thế giới. Tính đến ngày 12/5, đã có 81 quốc gia, vùng lãnh thổ chấp nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam.
Hiện nay dịch Covid-19 đã tạm lắng, nhiều nước đã nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, do đó có một số người dân cho rằng hộ chiếu vaccine có vẻ không còn cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Song theo các chuyên gia, việc cấp hộ chiếu vaccine là cần thiết để người dân thuận tiện cho việc nhập cảnh đến một số nước. Mặc dù hiện nay dịch bệnh đã giảm, một số nước đã nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, chúng ta không thể chắc chắn dịch bệnh có còn bùng phát hay không, vì vậy hộ chiếu vaccine vẫn còn cần thiết và cần tiếp tục triển khai. Mặt khác, trong trường hợp người dân có nhu cầu ra nước ngoài nhưng chưa có hộ chiếu vaccine có thể mang theo giấy chứng nhận tiêm chủng để cung cấp khi nhập cảnh. Trước đó người dân cần tìm hiểu rõ quy định nhập cảnh từ đại sứ quán các nước để được hướng dẫn đầy đủ.
Đẩy nhanh cấp hộ chiếu vaccine cho người dân, Bộ Y tế đang tiếp tục đôn đốc các địa phương, bộ, ngành phối hợp để hoàn chỉnh dữ liệu tiêm chủng, sớm cấp hộ chiếu vaccine cho người dân. Theo quy trình, để cấp hộ chiếu vaccine, các cơ sở y tế, cơ sở tiêm chủng phải rà soát, đối chiếu với thông tin công dân, sau đó xác nhận dữ liệu tiêm chủng bằng chữ ký số, gửi Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Cơ quan này sẽ sử dụng chữ ký điện tử để xác nhận dữ liệu tiêm chủng, cấp hộ chiếu vaccine cho người dân. Do đó, xác thực thông tin tiêm chủng là khâu rất quan trọng trong quy trình cấp hộ chiếu vaccine.
Một chuyên gia cho biết, trước đây, điểm tiêm chủng ký xác nhận bằng giấy cấp cho người dân thì nay cũng với dữ liệu đó, cơ sở tiêm chủng sẽ xác nhận bằng chữ ký điện tử để cập nhật lên hệ thống. Đây là điều kiện bắt buộc để xác nhận hộ chiếu vaccine cho người dân. "Việc thực hiện chữ ký số chứng nhận tiêm chủng Covid-19 và làm sạch dữ liệu tiêm chủng không chỉ bảo đảm quyền của người dân được cấp giấy chứng nhận đã tiêm vaccine và cấp hộ chiếu vaccine, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngành y tế, từ đó giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Theo Bộ Ngoại giao, người mang hộ chiếu vaccine được Việt Nam và các nước công nhận được áp dụng các biện pháp y tế như người đã tiêm vaccine ở sở tại. Việc công nhận này bao gồm việc miễn thủ tục chứng nhận lãnh sự/ hợp pháp hóa lãnh sự khi sử dụng giấy tờ này tại nước tiếp nhận.