KHÔNG phải bây giờ mà tự xa xưa, cha ông ta đã dặn: Muốn làm giàu nhanh thì nhìn ra biển; muốn làm giàu chậm thì nhìn vào lòng đất; muốn làm giàu trước mắt thì nhìn vào mặt đất. Điều này không chỉ đúng với Việt Nam mà còn có tính phổ biến toàn thế giới. Biển mang lại lợi ích to lớn như vậy, cho nên các nước may mắn giáp đại dương đều có một mong muốn: Khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của mình trên các vùng biển.
Tuy nhiên, khẳng định điều này không phải đơn giản, bởi biển và đại dương là môi trường thống nhất của không gian mở. Ở đó không có sự phân chia độc lập hoàn toàn giữa các khu vực giống như trên đất liền. Chính vì thế, cách đây hàng nghìn năm, con người đã tìm cách "đánh dấu", xác lập "vùng nước" của mình, không muốn ai xâm phạm tới. Khi nền kinh tế thương mại hình thành, người ta nhận thấy sự cần thiết phải đặt biển vào một trật tự pháp lý nhất định. Từ đây, các thương nhân-chính là các nhà luật học đầu tiên đã đóng góp những viên gạch ban đầu xây dựng hệ thống Luật Biển quốc tế.
Quy chế pháp lý đơn giản nhất cho các vùng biển được khởi thảo vào đầu thế kỷ 17. Hugo Grotius - luật gia người Hà Lan- tác giả cuốn "Mare Liberum", năm 1609 đã nói tới khái niệm "tự do biển cả". Ông cho rằng: Biển và đại dương không thể bị chiếm hữu, mà phải được mở tự do để tàu thuyền của tất cả các nước có thể qua lại. Grotius phản đối việc Bồ Đào Nha ngăn chặn tàu thuyền nước ngoài đi lại ở Ấn Độ Dương, phản đối sự thống trị trên mặt biển của một số cường quốc lúc bấy giờ. Cho đến năm 1635, John Selden, một luật gia người Anh, đưa ra quan điểm khác. Theo ông, việc chiếm hữu một vùng biển là điều bình thường, đã có từ lâu đối với các vùng biển bao quanh nước Anh.
Hai luật gia đưa ra hai quan điểm khác nhau, tưởng chừng đối lập, song lại có hạt nhân hợp lý. Phạm vi của quyền "tự do biển cả" được Hugo Grotius đưa ra là áp dụng với vùng biển quốc tế, đó là vùng biển không thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào. Còn John Selden lại đề cập đến chủ quyền quốc gia đối với những vùng biển gần bờ. Quan điểm của hai ông từ đó đã trở thành nền tảng của nguyên tắc "tự do biển cả" và nguyên tắc "chủ quyền quốc gia trên biển". Hai nguyên tắc cơ bản đó được công nhận và tồn tại mãi tới hôm nay.
Tháng 12 này, thế giới kỷ niệm 40 năm mở ký Công ước Luật Biển. Công ước được ký tại Montego Bay (Jamaica) ngày 10/12/1982, là kết quả sau chín năm đàm phán và đã giải quyết được về cơ bản những vấn đề còn bỏ ngỏ trong các hội nghị Luật Biển trước đây. Nó là văn bản luật cơ bản nhất thay thế cho các quy phạm của Luật Biển tồn tại dưới dạng tập quán quốc tế. Riêng với nước ta, đây còn là dịp kỷ niệm 10 năm ban hành Luật Biển Việt Nam-Bộ luật được xây dựng trên cơ sở các quy định của UNCLOS và pháp luật quốc tế. Đây là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, cũng như trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến biển đảo nói riêng.
UNCLOS 1982 được mở ký và có hiệu lực từ ngày 16/11/1994. Đến thời điểm này, đã có 168 thành viên (gồm các quốc gia, vùng lãnh thổ và thể chế) tham gia Công ước. Mỹ không tham gia, vì cho rằng Công ước không có lợi cho kinh tế và an ninh của nước này. Công ước Luật Biển là một hệ thống các quy định về sử dụng các đại dương của thế giới, chiếm 70% diện tích bề mặt Trái đất; thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc. Giữa các quốc gia nếu xảy ra tranh chấp thì có thể viện dẫn để giải quyết trên cơ sở pháp lý. Có thể hình dung UNCLOS giống như một "trọng tài" trên sân cỏ, và những tấm "thẻ đỏ" trong tay trọng tài có giá trị buộc các cầu thủ phạm luật phải rời sân.
Bốn thập niên qua, vị trí của UNCLOS 1982 ngày càng trở nên quan trọng. Trong thời kỳ mở cửa, giao lưu, hợp tác kinh tế ngày càng sâu rộng, biển và đại dương ngày càng đóng vai trò vô cùng to lớn đối với sự phát triển bền vững của nhân loại và mỗi quốc gia. Cho dù những tác động tiêu cực từ biển đến với các quốc gia hết sức khắc nghiệt; cho dù một số quốc gia với tham vọng bành trướng, gây ra những tranh chấp hết sức phức tạp trên biển, nhất là khu vực Biển Đông, nhưng với bộ "Luật Biển" 1982, an ninh, trật tự sẽ từng bước được lập lại.
Là một quốc gia tham gia UNCLOS 1982, Việt Nam luôn tích cực đấu tranh bảo vệ luật pháp. Khi đề cập đến các tranh chấp khu vực Biển Đông trên các diễn đàn quốc tế, chúng ta kiên trì yêu cầu "tôn trọng pháp luật quốc tế, nhất là UNCLOS 1982". Đây là một nguyên tắc bất di bất dịch để giải quyết và xử lý các tranh chấp liên quan đến biển đảo. Chúng ta cũng đã nỗ lực đưa nguyên tắc này vào các văn kiện của ASEAN, trong đó có Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); "Tuyên bố 6 điểm ngày 20/7/2012 của ASEAN về Biển Đông"; dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Chúng ta tuyên bố dứt khoát rằng, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thực tế đó cho thấy chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc hợp tác giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Nói như một nhà nghiên cứu, thời buổi này không thể chấp nhận lối tư duy "tổng bằng 0". Thuật ngữ này có nguồn gốc từ lý thuyết trò chơi (game theory), nhằm nói về tình huống trong đó lợi ích của quốc gia này sẽ là mất mát của quốc gia khác. Việc một quốc gia nào đó ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với một số thực thể trên Biển Đông, bắt nạt các nước yếu thế hơn, tiến hành bồi đắp đảo, gia tăng các hoạt động quân sự, rõ ràng là hành vi bất chấp luật pháp quốc tế, cần phải lên án, ngăn chặn.
Biển Đông có rất nhiều tài nguyên và có vị trí quan trọng với tư cách là tuyến đường giao thông huyết mạch trên biển của thế giới. Trong nhiều năm qua, khu vực này luôn là điểm nóng, tiềm ẩn nhiều bất trắc, những tranh chấp phức tạp vẫn xảy ra. Kỷ niệm 40 năm ra đời UNCLOS 1982 là dịp chúng ta tiếp tục đề nghị các quốc gia liên quan tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương, cùng xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, mang lại thịnh vượng cho tất cả các quốc gia trong khu vực.
VẬN dụng UNCLOS 1982 để đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu mạnh về biển, chúng ta kiên trì, kiên quyết bảo vệ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Sử dụng có hiệu quả các phương thức, biện pháp hòa bình để ngăn ngừa, hóa giải và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Đấy cũng là truyền thống giữ nước của cha ông ta, đúng như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1231-1300) đã viết: "Hòa ở trong nước thì ít phải dùng binh, hòa ở ngoài biên thì không sợ báo động". Và không chỉ vậy, vận dụng đúng đắn, linh hoạt UNCLOS 1982 cũng còn là nền tảng để Việt Nam cũng như mọi quốc gia khác trên thế giới hướng đến những cơ chế hợp tác, phát triển, cùng có lợi…, đồng thời "kề vai góp sức" trong nhiệm vụ chung cực kỳ nặng nề: Bảo vệ môi trường biển, bảo vệ "mái nhà chung" Trái đất, bảo vệ nhân loại trước những hệ lụy vô cùng khốc hại của tiến trình biến đổi khí hậu toàn cầu.
Trong những năm tới, các nước đang tiếp tục điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình mới. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương luôn giữ vị trí chiến lược ngày càng quan trọng. Tại Đông Nam Á, môi trường an ninh, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông sẽ còn diễn biến khó lường. Do vậy, chủ động trên mặt trận an ninh-quốc phòng, ngoại giao, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh cũng là đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, phù hợp các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, phù hợp lợi ích của hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực và trên toàn thế giới. Đó là xu thế thời đại và là con đường đúng đắn nhất.