Dấu hiệu tích cực cho tăng trưởng kinh tế

Thu hút đầu tư, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, tiêu dùng, khách quốc tế đến Việt Nam… trong hai tháng đầu năm 2024 đều tăng trưởng khá, cho thấy sự hồi phục của kinh tế Việt Nam ngày càng rõ nét.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: BẮC SƠN
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: BẮC SƠN

Các chỉ số tích cực

Theo Tổng cục Thống kê, một trong những dấu ấn của nền kinh tế trong hai tháng đầu năm 2024 là thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tăng kỷ lục, đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng vốn đăng ký mới đạt hơn 3,6 tỷ USD, gấp hơn hai lần so với cùng kỳ.

“Số lượng dự án mới tăng nhanh (405 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 55,2%); đồng thời cũng có dự án quy mô đầu tư lớn là dự án đầu tư một khu đô thị lớn ở Hà Nội, với tổng vốn đăng ký hơn 662 triệu USD”, Tổng cục Thống kê lý giải về mức tăng mạnh này.

Cùng với thu hút FDI, nhiều chỉ số khác cũng cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế. Cụ thể, trong hai tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%); xuất khẩu hàng hóa vẫn tăng 19,2% so với cùng kỳ, đạt 59,34 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.031.500 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 14,7%).

Đáng chú ý, nhờ hiệu quả từ các chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình kích cầu du lịch cũng như sự nỗ lực của chính quyền và người dân, nên khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 3 triệu lượt người, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước và bằng 98,5% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Đây là hiệu quả từ các chính sách thị thực thuận lợi, chương trình kích cầu du lịch cũng như sự nỗ lực của chính quyền, người dân trong thực hiện quảng bá, xúc tiến du lịch thời gian qua.

Ngoài ra, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tháng 2 đạt 50,4 điểm, tăng nhẹ so với 50,3 điểm của tháng 1 và cũng là tháng thứ hai liên tiếp trên ngưỡng 50 điểm. Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho rằng, hai yếu tố đặc biệt tích cực là việc làm tăng trở lại và niềm tin kinh doanh đạt mức cao nhất trong một năm.

“Các kế hoạch mở rộng sản xuất và đưa ra các sản phẩm mới đã góp phần làm tăng niềm tin kinh doanh vào thời điểm giữa quý I và tâm lý lạc quan về sản lượng cũng phản ánh kỳ vọng về tăng trưởng số lượng đơn đặt hàng mới. Niềm tin về kinh doanh đạt mức cao trong năm nay khi có gần 55% số người trả lời khảo sát thể hiện sự lạc quan”, ông Andrew Harker cho hay.

Dấu hiệu tích cực cho tăng trưởng kinh tế ảnh 1

Nhờ các chính sách thị thực thuận lợi, lượng khách quốc tế tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: NAM HẢI

Nhất quán mục tiêu ưu tiên cho tăng trưởng

Tuy nhiên, mức tăng trưởng tổng thể còn tương đối yếu, và điều này khiến các doanh nghiệp tiếp tục thận trọng trong hoạt động mua hàng và duy trì hàng tồn kho. Mặc dù giá cả đầu ra đã tăng sau khi giảm trong tháng 1, nhưng mức độ tăng giá không cao. Một số doanh nghiệp vẫn ngần ngại trong việc tăng giá trong một môi trường cạnh tranh.

“Các nhà sản xuất sẽ cần có số lượng đơn đặt hàng mới được duy trì và tăng giá mạnh hơn, sau đó mới có thể đủ tự tin mua hàng hóa đầu vào và bắt đầu tăng thêm giá bán hàng tương ứng với gánh nặng chi phí”, ông Andrew Harker nói.

Cùng với đó, hoạt động mua hàng đã giảm nhẹ tháng thứ tư liên tiếp, trong khi lần giảm kỳ này của tồn kho hàng hóa đầu vào là đáng kể nhất kể từ tháng 6/2021. Ở những nơi doanh nghiệp mua hàng hóa đầu vào, họ tiếp tục gặp phải tình trạng kéo dài thời gian giao hàng của nhà cung cấp trong tháng 2 khi các báo cáo cho thấy tình trạng chậm trễ của khâu vận chuyển.

“Tình trạng chậm trễ trong khâu vận chuyển xảy ra trùng với thời điểm chi phí vận tải tăng, mà tình trạng này thường được cho là do giá dầu tăng. Kết quả là, chi phí đầu vào tiếp tục tăng đáng kể trong tháng 2, mặc dù mức độ tăng là thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái”, ông Andrew Harker quan ngại.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024, dù khẳng định, tăng trưởng kinh tế hai tháng đầu năm đã có nhiều kết quả tích cực, chuyển biến tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023, song Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục có chuyển biến nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức; việc tiếp cận vốn còn nhiều khó khăn; một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính chậm được sửa đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Thị trường bất động sản đã chuyển biến tích cực hơn, nhưng vẫn còn khó khăn; một số bất cập, vướng mắc kéo dài nhiều năm, nhất là về pháp lý của một số doanh nghiệp, dự án bất động sản vẫn chậm được xử lý….

Ông Nguyễn Chí Dũng lưu ý: “Các yếu tố rủi ro, biến động về nguồn cung, giá xăng dầu, lương thực, chất bán dẫn... trên thế giới cần được quan tâm, theo dõi sát để chủ động ứng phó kịp thời”. Khó khăn, thách thức đặt ra cả bên trong và bên ngoài còn rất lớn, tạo sức ép lên điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn về đầu tư, tiêu dùng, an sinh xã hội... trong năm 2024. Thiên tai, biến đổi khí hậu, El Nino diễn biến khó lường, tác động ngày càng nặng nề hơn.

“Các cấp, ngành, địa phương cần nỗ lực, quyết tâm khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để triển khai hiệu quả công việc ngay từ đầu năm”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát kỹ các nhiệm vụ của tháng 3, quý I/2024 gắn với nhiệm vụ cả năm và cả nhiệm kỳ, tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả. “Định hướng điều hành đối với một số lĩnh vực trọng tâm, thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chỉ rõ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà trước hết là về chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô, Thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Bảo đảm lưu thông tiền tệ tốt hơn, cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế; giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. Tiếp tục có biện pháp giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm trình sửa đổi Nghị định của Chính phủ về quản lý thị trường vàng.

Thủ tướng cũng yêu cầu cần tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Về đầu tư, tạo thuận lợi thu hút, giải ngân đầu tư xã hội; quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư; tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI. Về xuất khẩu, củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới; thực hiện hiệu quả các FTA; thúc đẩy Trung Quốc sớm dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam. Về tiêu dùng, đẩy mạnh khuyến mãi, giảm giá, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam“; có giải pháp mạnh mẽ thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.