Đất danh hương

Nằm ở phía nam Kinh thành Thăng Long - Hà Nội, Thường Tín là đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống khoa bảng, cũng là vùng đất trăm nghề, nơi tiếp nhận, lưu giữ, lan tỏa nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Huyện đang triển khai các biện pháp phát huy giá trị văn hóa truyền thống của vùng "đất danh hương".
0:00 / 0:00
0:00
Văn Từ Thượng Phúc là nơi tôn vinh các nhà khoa bảng.
Văn Từ Thượng Phúc là nơi tôn vinh các nhà khoa bảng.

Xác định văn hóa-lịch sử vừa là nền tảng, vừa là động lực phát triển, huyện Thường Tín đã xây dựng và phát huy giá trị văn hóa-lịch sử công trình Văn Từ Thượng Phúc (nơi thờ phụng và tôn vinh các bậc hiền tài, khoa bảng), đồng thời chuẩn bị khởi công dự án xây dựng Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín. Theo sách Các nhà khoa bảng, trí thức, nghệ nhân tiêu biểu huyện Thường Tín, giai đoạn 1075-2015, mảnh đất này có 68 nhà khoa bảng được vinh danh, đứng đầu về số lượng các vị đăng khoa trong các triều đại phong kiến. Trong đó có những bậc đại khoa, tiếng thơm lừng lẫy như Danh nhân văn hóa thế giới, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Thái học sinh Nguyễn Phi Khanh, Đệ nhị giáp khoa Tiến sĩ Lý Tử Tấn, Dương Trực Nguyên, Ngô Hoan, Nguyễn Ý… Ông Ngô Văn Quynh - cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thường Tín cho biết, Văn Từ Thượng Phúc là minh chứng cho tinh thần hiếu học, cho truyền thống văn hóa-lịch sử của Thường Tín.

Theo văn bia còn lưu lại ở Văn Từ Thượng Phúc và các bản văn bia của Viện Viễn Đông Bác cổ, Viện nghiên cứu Hán Nôm thì Văn Từ Thượng Phúc do Tiến sĩ Dương Công Độ xây dựng tại xã An Duyên, tổng Tín An (nay thuộc thôn An Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín) vào năm Chính Hòa thứ 16 (năm 1695). Bên cạnh việc xây dựng Văn Từ, Tiến sĩ Dương Công Độ cho soạn văn bia, khắc tên tuổi các nhà khoa bảng (đỗ Đại khoa-Tiến sĩ) của huyện Thượng Phúc.

Đến năm 1755, Văn Từ bị hư hại xuống cấp cho nên phải trải qua nhiều lần tu tạo kỳ công. Nhiều thời điểm, Văn Từ Thượng Phúc là nơi tế lễ của cả vùng. Tuy nhiên, khuôn viên Văn Từ nhỏ hẹp, lại ở nơi thấp trũng heo hút, nên lễ hội thường vắng vẻ. Thêm nữa lại ở nơi đất thấp, cuối mùa thu hay lụt lội, nên việc tế lễ thường không đúng kỳ.

Đến năm Tân Mùi (1811), tường Văn Từ bị nước lũ cuốn trôi. Năm Nhâm Thân (1812), Hội Tư Văn của Văn Từ Thượng Phúc bàn tính, dời chuyển đồ thờ tự, văn bia… về thôn Văn Hội, xã Văn Giáp, huyện Thượng Phúc (nay là thôn Văn Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín) và xây dựng khu Văn Từ. Sau khi hoàn thành, Văn Từ trở nên tráng lệ, uy nghi. Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của công trình lịch sử này, ngày 24/11/2019, huyện Thường Tín đã khởi công Dự án xây dựng và phát huy giá trị văn hóa lịch sử công trình Văn Từ Thượng Phúc, thôn Văn Hội. Dự án có tổng diện tích 3.516m2 với kiến trúc nội công ngoại quốc, gồm các hạng mục công trình: Tiền tế, thiêu hương, hậu cung, tả vu-hữu vu, nhà bia, đồng trụ và các công trình phụ trợ... với tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Sau hơn một năm triển khai thi công, toàn bộ các hạng mục của công trình đã được hoàn thành và đưa vào hoạt động.

Văn Từ Thượng Phúc được xây dựng nhằm phát huy giá trị truyền thống khoa bảng, truyền thống hiếu học của huyện Thượng Phúc xưa (huyện Thường Tín ngày nay), khôi phục lại nơi tôn thờ và ghi danh các bậc hiền tài, các nhà khoa bảng, qua đó kế thừa các giá trị văn hóa-lịch sử; đồng thời phát huy những giá trị truyền thống từ nghìn đời của vùng "đất danh hương", "đất trăm nghề", góp phần đưa huyện Thường Tín phát triển vững mạnh, văn minh.

Từ thành công của việc phục dựng và ý nghĩa lịch sử-văn hóa của khu Văn Từ Thượng Phúc, huyện Thường Tín đang triển khai dự án xây dựng khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi ở xã Nhị Khê. Theo kế hoạch, dự án với tổng diện tích 2,7ha gồm các công trình: Bảo tồn khu trại Ổi, ao Huê; xây dựng nhà lưu niệm theo hướng trưng bày hiện vật có liên quan đến danh nhân Nguyễn Trãi; khu giới thiệu giáo dục truyền thống về lịch sử, sự nghiệp, đóng góp của danh nhân Nguyễn Trãi đối với Thủ đô, đất nước; khu các công trình phụ trợ cần xây dựng khu dịch vụ, trải nghiệm di sản, vườn hoa, cây xanh, tiểu cảnh; nơi đón tiếp khách, bãi đỗ xe… Đồng chí Tạ Hữu Thọ, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thường Tín cho biết: "Cùng với khu Văn Từ Thượng Phúc, khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi sẽ là những dấu ấn lịch sử truyền thống của huyện, là điểm nhấn quan trọng trong phát triển chuỗi du lịch văn hóa-lịch sử của Thường Tín".

Đồng chí Nguyễn Tiến Minh, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thường Tín, chia sẻ: "Truyền thống văn hóa chính là sức mạnh nội sinh, là nguồn lực phát triển của Thường Tín trong suốt chiều dài lịch sử, tạo nên thế và lực mới cho đất danh hương, đất trăm nghề bước vào cuộc kiến tạo mới, trước mắt trở thành một huyện nông thôn mới, hướng tới huyện nông thôn mới nâng cao và một quận của Thủ đô trong tương lai gần".

Là mảnh đất giàu truyền thống, Thường Tín có với 462 di tích lịch sử-văn hóa (trong đó có 61 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia, 61 di tích xếp hạng cấp thành phố). Nơi đây, lưu giữ nhiều loại hình văn hóa phi vật thể như các lễ hội truyền thống phản ánh đời sống tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp: Lễ hội chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi), lễ hội làng Đại Lộ (xã Ninh Sở), lễ hội Chử Đồng Tử-Tiên Dung (xã Tự Nhiên)…