Đáp ứng yêu cầu thời cuộc

Sự vào cuộc quyết liệt, tích cực từ phía các cơ quan chức năng của Chính phủ trước những vấn đề nóng diễn ra trong xã hội trong thời gian qua đã cho thấy, các vấn đề đều được nhìn nhận và tìm hướng giải quyết làm sao cho nhanh chóng và hiệu quả nhất.
0:00 / 0:00
0:00

Tính từ đầu năm tới nay, đã thấy nhiều phát sinh từ thực tế cần sự điều chỉnh từ phía cơ quan chức năng đã được nhanh chóng tháo gỡ. Như những vướng mắc trong vấn đề đăng kiểm xe cơ giới, những điều chưa phù hợp trong việc cấp visa cho khách du lịch vào Việt Nam, những vấn đề cần điều chỉnh trong tín dụng, ngân hàng…

Ở một góc độ khác, ngày 27/3 vừa qua, tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhắc lại, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược. Trước đó, trong năm 2022, Chính phủ đã tổ chức 10 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật. Trong năm 2023 này, đã tổ chức ba phiên. Đây là những phiên họp nhằm đề xuất các cấp có thẩm quyền xây dựng và ban hành các chính sách mới liên quan một số luật. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, đây là việc lớn, quan trọng, có nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết, nhiều vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm, vì thế các thành viên Chính phủ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, dành thời gian góp ý vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Phiên họp hôm 27/3 vừa rồi do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì bàn tới 5 nội dung gồm: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông; Một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Có thể thấy rằng, việc thực hiện nghiêm túc, quyết liệt những chỉ đạo nêu trên, sẽ góp phần quan trọng giúp cho việc tiệm cận giữa những văn bản quy phạm pháp luật với thực tiễn sinh động trở nên nhanh chóng hơn. Từ đó sẽ giúp cơ quan chức năng giải quyết kịp thời những phát sinh, bất cập do độ vênh giữa văn bản và thực tế.

Mặt khác, nó cũng góp phần bảo đảm yêu cầu “không để tình trạng văn bản pháp luật vừa xây dựng xong đã lạc hậu”.