Những dấu ấn trên chặng đường 20 năm
Đánh giá về 20 năm triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Nghị quyết đã tạo nên nhiều thành tựu nổi bật. Công tác tham mưu, kiến nghị, xây dựng chính sách liên quan người Việt Nam ở nước ngoài được chú trọng, triển khai toàn diện. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành trong hầu hết các lĩnh vực liên quan cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài như quốc tịch, dân sự, nhà ở, đất đai, cư trú, đầu tư, kinh doanh... theo hướng các quyền của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tiệm cận hơn với công dân trong nước.
Thời gian gần đây, triển khai nhiệm vụ kịp thời thông tin về tình hình đất nước cũng như chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước theo Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị, về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Bộ Ngoại giao đã phối hợp các cơ quan, tổ chức liên quan, các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức hàng loạt hội nghị, hội thảo, tọa đàm, nhằm thu thập ý kiến đóng góp từ bà con kiều bào, phục vụ việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật - vấn đề mang tính nền tảng đối với nền pháp chế xã hội chủ nghĩa - trong nhiều lĩnh vực.
Cụ thể, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã cùng các ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành liên quan… tổ chức nhiều hoạt động phong phú - những diễn đàn "mở" - để kiều bào có cơ hội bày tỏ ý kiến, tâm tư, nguyện vọng... về cả các vấn đề "nóng" liên quan trực tiếp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, lẫn chung tay góp sức cống hiến cho sự phát triển của đất nước. Điển hình, có thể kể tới không khí sôi nổi được thể hiện rõ nét trong các buổi thảo luận về Luật Căn cước năm 2023, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, và gần đây là Luật Đất đai năm 2024.
Đảng và Nhà nước chỉ rõ: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ là đối tượng thụ hưởng các chủ trương, chính sách, mà còn là chủ thể tích cực trong lộ trình xây dựng và triển khai. Với sự chủ động đóng góp ý kiến của cộng đồng kiều bào, nhiều chính sách pháp luật đã nhanh chóng đi vào thực tế với những điểm mới, đặc biệt chú trọng việc bảo đảm các quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Thí dụ, so Luật Căn cước công dân năm 2014, chỉ thông qua quy định thông tin thể hiện trên thẻ Căn cước công dân là "nơi cư trú" thay vì "nơi thường trú", Luật Căn cước năm 2023 đã tháo gỡ được vướng mắc cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài không có đăng ký thường trú tại Việt Nam. Hoặc, điểm mới đáng chú ý trong Luật Đất đai năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/8/2024) là việc trao cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài vị thế cùng nhóm và ngang bằng với đồng bào sinh sống trong nước, về cả quyền lợi lẫn nghĩa vụ.
Ðường về ngắn lại, niềm vui nhân lên
Thí dụ trên, ở khía cạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý cần thiết, chính là điều mang lại niềm phấn khởi cho hàng triệu đồng bào đang theo xu thế chung toàn cầu hóa, hiện diện tại khắp các châu lục trên thế giới.
Như Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan, bà Nguyễn Việt Triều, thay mặt bà con thổ lộ: Trong hàng triệu người con Việt Nam xa nhà, không ít người đã về hưu sau nhiều năm sinh sống, làm ăn xa quê, và cũng còn rất nhiều người mệt mỏi với bước bôn ba, lại vững tin vào tiềm năng phát triển cũng như các cơ hội ở quê nhà, cho nên nhu cầu và nguyện vọng được trở về lại càng cháy bỏng. Trong bối cảnh đó, sự hiện hữu của các chính sách mới không chỉ đơn thuần là việc tạo thêm điều kiện thuận lợi, mà còn là sự khích lệ mọi người Việt Nam mang theo những nguồn lực quý báu trở về, cùng chung tay đưa đất nước đi lên.
Như một tiếng đồng vọng, khi tham dự Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 (được tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 8 vừa qua), Chủ tịch Hội người Việt Nam toàn Thái Lan, ông Nguyễn Ngọc Thìn, cũng chia sẻ: Mang trong mình dòng máu Việt, nhiều bà con mong muốn giữ, trở về, và có thể nhập lại quốc tịch Việt Nam. Theo ông Thìn, hiện còn một số người Việt không có quốc tịch Thái Lan, đồng thời không giữ được quốc tịch Việt Nam, bởi vậy bà con gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ông khẩn thiết kiến nghị: Pháp luật Việt Nam nên có quy định thuận lợi hơn về nhập tịch hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam cho người gốc Việt, trong đó chú trọng yếu tố huyết thống, và cả điều kiện sống khi định cư ở nước ngoài.
Ở một khía cạnh khác, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa 9, Phó Chủ tịch Hội Liên lạc Việt kiều Hải Phòng - ông Nguyễn Tài Phương- bộc bạch: Ông cũng như đông đảo kiều bào xa Tổ quốc, đánh giá rất cao nỗ lực của các cơ quan chức năng Việt Nam trong việc lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của toàn dân, nhất là công tác lấy ý kiến của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài trong quá trình xây dựng luật, đặc biệt là Luật Đất đai năm 2024. Trong những nỗ lực đó, có cả niềm trân trọng nghĩa đồng bào, lẫn sự quan tâm thiết thực đến quyền lợi hợp pháp của bất cứ ai mang dòng máu Việt, từ đó xóa nhòa những khác biệt, và thu hẹp lại không gian cách ngăn.
Mặc dù vậy, theo Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận: Do nhiều lý do khách quan và chủ quan, công tác người Việt Nam ở nước ngoài còn gặp một số khó khăn, thách thức. Việc bổ sung, hoàn thiện, triển khai một số cơ chế chính sách, quy định pháp luật liên quan người Việt Nam ở nước ngoài chưa đáp ứng được đòi hỏi của tình hình. Các chính sách, quy định liên quan người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều bước chuyển tích cực, song vẫn tồn tại những điểm thiếu đồng bộ trong xây dựng và triển khai.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, có thể khẳng định: Sau 20 năm Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài ra đời, trải qua quá trình xây dựng, rà soát - sửa đổi - bổ sung, về cơ bản, đến nay, khung chính sách, pháp lý liên quan người Việt Nam ở nước ngoài đã được định hình theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bà con về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh.
Trên tinh thần đó, để phù hợp yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của bà con, Đảng và Nhà nước vẫn luôn sẵn sàng lắng nghe, ghi nhận các đề xuất của kiều bào, nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nhằm thắt chặt thêm những mối dây liên kết, đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của hàng triệu "con cháu Lạc Hồng" luôn một lòng hướng về Tổ quốc.