Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 thể hiện bước tiến mới trong phát huy dân chủ, phát huy quyền làm chủ của người dân, trong các mặt của đời sống nhà nước và xã hội. Ðiều 3 quy định: "Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện". Và tại Ðiều 6 ghi nhận "Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp (DCTT), dân chủ đại diện (DCÐD) thông qua QH, HÐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước". Như vậy sự khẳng định hai hình thức dân chủ: DCTT và DCÐD đã rõ hơn.
Dân chủ, theo quan niệm của chúng tôi, là dân làm chủ, dân là gốc của quyền lực nhà nước (QLNN), mọi hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN) phải xuất phát từ ý chí, ý nguyện của nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu những tư tưởng dân chủ tiên tiến và đã áp dụng thành công ở Việt Nam. Người khẳng định: "Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ". (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H,2000, tr.515). Và: "Bao nhiêu quyền lực là của nhân dân"; "Chúng ta hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật". (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H,2000, tr.56).
Tư tưởng Hồ Chí Minh về mô hình bộ máy nhà nước (BMNN) của dân, do dân, vì dân được thể hiện sâu sắc trong các văn kiện pháp lý quan trọng của đất nước do chính Người chỉ đạo xây dựng và ban hành. Có thể thấy rằng hai bản Hiến pháp 1946, 1959 do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo soạn thảo và 613 sắc lệnh kể từ 1945 đến 1969, trong đó có 243 sắc lệnh liên quan đến BMNN và luật pháp do Người ký ban hành đã hình thành một thể chế BMNN vừa mang tính hiện đại vừa mang tính dân tộc, kết tinh sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.
Tư tưởng ấy của Người đã được tiếp thu và thể hiện từ Hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946 cho đến Hiến pháp 1992, khẳng định và đề cao vai trò của người dân thông qua việc cụ thể hóa các quyền con người, ghi nhận và phát triển các quyền cũng như cơ chế thực hiện các quyền của người dân. Các bản Hiến pháp cũng đều khẳng định nguyên tắc tất cả QLNN thuộc về nhân dân và xác định bản chất nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Việc nhân dân bầu ra QH và HÐND, bãi miễn các đại biểu do mình bầu ra, giám sát hoạt động của các CQNN, kiến nghị với các CQNN chính là hình thức DCTT. DCTT thể hiện ở chỗ chính quyền do dân tự điều hành, không cần thông qua đại diện để thực hiện QLNN của mình. DCTT mới nhấn mạnh quyền và năng lực của công dân trong việc quyết định những chính sách, pháp luật.
Hình thức dân chủ trực tiếp điển hình
Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã ghi nhận khá rõ nét về trưng cầu ý dân (TCYD) - hình thức dân chủ trực tiếp điển hình. Về TCYD được thể hiện trong Dự thảo sửa đổi tại 4 Ðiều: Ðiều 30: "Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức TCYD"; Ðiều 75, tại khoản 15 quy định Quốc hội "Quyết định TCYD" và tại Ðiều 79 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH), trong đó có nhiệm vụ "Tổ chức TCYD theo quyết định của QH"; Ðiều 124: "Dự thảo Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu QH biểu quyết tán thành. Việc TCYD về Hiến pháp do QH quyết định".
Như vậy chúng ta có thể hiểu, công dân có quyền tham gia các cuộc TCYD do UBTVQH tổ chức theo quyết định của QH.
Ðây không phải lần đầu Hiến pháp nước ta ghi nhận về TCYD. Ngay từ Hiến pháp đầu tiên (Hiến pháp 1946), tại Ðiều 21 có quy định: "Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia..." và Ðiều 32 quy định: "Những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba số nghị viên đồng ý...". Ðến Hiến pháp 1959, việc TCYD được quy định trong Ðiều 53 (do UBTVQH quyết định), Hiến pháp 1980 quy định trong Ðiều 100 (do Hội đồng Nhà nước quyết định), Hiến pháp 1992 quy định trong Ðiều 53 và Ðiều 84 (do QH quyết định).
Cho đến nay chúng ta chưa có cơ chế thực hiện, nên những quy định của Hiến pháp chưa được thực hiện trong thực tế. Cũng xin nhấn mạnh, cần phân biệt giữa khái niệm hỏi ý kiến nhân nhân và TCYD. Hỏi ý kiến mang tính chất đóng góp xây dựng còn TCYD là "biểu quyết toàn dân", mang tính chất quyết định.
Hiện nay QH đã đưa Dự luật TCYD vào Chương trình xây dựng luật, pháp luật khóa này. Do vậy, theo chúng tôi, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phải được thiết kế như một định hướng cho việc soạn thảo Luật TCYD. Và khi Luật TCYD được thông qua chúng ta sẽ thực hiện việc TCYD. Nếu Dự thảo sửa đổi Hiến pháp chỉ quy định thẩm quyền của QH về quyết định TCYD và việc tổ chức TCYD do UBTVQH đảm nhận là chưa đủ. Quy định này chỉ áp dụng trong trường hợp TCYD trên phạm vi toàn quốc, và có lẽ cũng chỉ được áp dụng đối với việc TCYD về Hiến pháp. Trên thực tế, TCYD được đưa ra về những vấn đề của địa phương, ở một tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư hay thậm chí là tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Trong những trường hợp như vậy, QH không cần phải quyết định mà chỉ nên quy định thuộc thẩm quyền của UBTVQH. Và khi UBTVQH quyết định việc TCYD của địa phương thì việc tổ chức TCYD sẽ do HÐND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thực hiện, dù đó là TCYD ở cấp tỉnh hay cấp huyện. Do vậy, theo chúng tôi, Hiến pháp sửa đổi cần quy định thêm về vấn đề TCYD. Cụ thể, nên bổ sung Ðiều 79 (sửa đổi, bổ sung Ðiều 91) quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của UBTVQH, trong đó có nhiệm vụ "Tổ chức TCYD theo quyết định của QH, quyết định TCYD tại các địa phương". Trong trường hợp này cần bổ sung thẩm quyền của HÐND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tại Ðiều 116: "Tổ chức TCYD ở địa phương theo quyết định của Ủy ban Thường vụ QH". Và như vậy Hiến pháp sẽ định hướng cho việc soạn thảo Luật TCYD đầu tiên của nước ta.