Đa dạng mô hình trải nghiệm văn hóa

Làm mới nhiều giá trị, đặc trưng văn hóa truyền thống đã và đang là hướng đi của nhiều doanh nghiệp sáng tạo. Điều đáng chú ý là họ không chỉ chú trọng vào việc tăng trưởng của đơn vị mình mà còn thật sự quan tâm đến việc cân bằng lợi ích với cộng đồng, làng nghề, nơi sản sinh và truyền giữ các giá trị văn hóa ấy để cùng phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Các em nhỏ trải nghiệm làm gốm Bàu Trúc tại Xưởng gốm Nghệ nhân Champa dịp đầu năm 2024. Nguồn: CSSX gốm Nghệ nhân Champa
Các em nhỏ trải nghiệm làm gốm Bàu Trúc tại Xưởng gốm Nghệ nhân Champa dịp đầu năm 2024. Nguồn: CSSX gốm Nghệ nhân Champa

Thích ứng với thay đổi

Chị Đàng Phú Nữ Trà My, chủ cơ sở sản xuất gốm Nghệ nhân Champa, là người duy nhất trong gia đình tiếp nối nghề làm gốm từ người cha là cố nghệ nhân Đàng Xem, làng gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Cơ sở sản xuất gốm của gia đình chị hiện là một điểm sáng trong việc thích nghi với nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.

Gốm truyền thống Bàu Trúc vốn chỉ có sản phẩm chính là đồ gia dụng. Sinh thời, trong danh mục sản phẩm gốm của nghệ nhân Đàng Xem có nhiều sản phẩm gốm trang trí nội ngoại thất, phục vụ nhu cầu của các không gian nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn. Năm 2019, sau khi ông Xem qua đời, chị Trà My tiếp quản công việc và nỗ lực bổ sung, nối dài danh mục sản phẩm của xưởng.

Việc tạo hình sản phẩm hoàn toàn bằng tay theo truyền thống gốm Bàu Trúc vốn là nét đặc trưng, nhưng trong bối cảnh đời sống xã hội hiện đại, lợi thế này đã và đang đối diện nguy cơ trở thành bất lợi nếu cộng đồng sở hữu truyền thống không tìm được hướng đi phù hợp. Được đào tạo bài bản về mỹ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh, chị Trà My tranh thủ nhiều kết nối với nghệ sĩ và sinh viên mỹ thuật ở đây và các địa phương khác để thu thập thông tin, học hỏi mô hình phát triển sản phẩm mới. Có thể kể đến chậu trồng sen đá nhiều kích thước khác nhau, viên gốm nhỏ nhiều mầu sắc để làm vòng trang trí, dây móc chìa khóa, bình, lọ hoa nhỏ, các sản phẩm trang trí đa dạng theo yêu cầu và ý tưởng của khách hàng.

Xưởng gốm của chị Trà My có thể nói là nơi đầu tiên trong làng gốm Bàu Trúc thực hiện thành công việc tổ chức cho học sinh phổ thông trải nghiệm với gốm truyền thống Bàu Trúc. Đến đây, các em được chính nghệ nhân trong làng hướng dẫn các công đoạn khác nhau để tạo ra một sản phẩm gốm: đập đất, nhào đất, nặn đất, tạo hình sản phẩm hoàn toàn theo ý thích, sau đó chị My có thể hỗ trợ chỉnh sửa thiết kế sao cho đẹp mắt hơn rồi đưa vào công đoạn cuối là nung. Học sinh ở cấp học nào cũng rất thích thú tham gia bởi được thỏa mãn trí tò mò, sự sáng tạo và cả nhu cầu sở hữu món đồ do chính mình làm ra. Nhiều em đã hào hứng khoe sản phẩm trên mạng xã hội, góp phần khuếch trương mô hình trải nghiệm riêng có của xưởng. Xưởng cũng kết hợp với một số công ty du lịch lữ hành đưa khách đến trải nghiệm.

Một số loại sản phẩm lưu niệm, trang trí do cơ sở sản xuất gốm Nghệ nhân Champa khởi xướng đã dần được các xưởng gốm và hộ cá thể trong làng nhân rộng. Nhiều gia đình không chỉ sản xuất chậu trồng sen đá mà còn mua sen đá về, thiết kế trồng riêng vào từng mẫu chậu để bán cho du khách. Các chuỗi hạt trang trí và đeo tay, dây móc chìa khóa từ gốm Bàu Trúc cũng được sản xuất nhiều trong làng vì rất được khách du lịch ưa chuộng.

Những gợi ý từ hai phía

Gắn kết văn hóa và sáng tạo nghệ thuật đồng thời bảo tồn di sản là mục tiêu cốt lõi của dự án xây dựng Bảo tàng Không gian văn hóa Mường của họa sĩ Vũ Đức Hiếu (biệt danh Hiếu Mường). Anh Hiếu tự nhận bản thân chỉ là người kết nối cộng đồng bà con người Mường ở địa phương và cộng đồng nghệ thuật trong và ngoài nước để góp phần đem lại lợi ích cho tất cả các bên.

Từ nhiều chuyến điền dã cá nhân tại các làng bản của người Mường Hòa Bình, anh Hiếu nhận thấy bà con người Mường rất khéo léo, sở hữu nhiều kỹ thuật đặc biệt trong làm đồ mộc, dựng nhà sàn, đan lát. Những hoa văn trang trí mà nổi bật là hoa văn cạp váy Mường, những câu chuyện kể dân gian của người Mường hoàn toàn có thể là gợi ý, nguồn cảm hứng cho sáng tạo nghệ thuật đương đại. Cùng với việc kết nối cộng đồng nghệ sĩ mỹ thuật trong và ngoài nước, đưa họ đến Hòa Bình và Không gian văn hóa Mường để tìm hiểu văn hóa bản địa, anh Hiếu mời bà con địa phương tham gia những cuộc gặp gỡ, tương tác và chia sẻ với nghệ sĩ - những đại diện đến từ các nền văn hóa khác. Từ đây, sức hấp dẫn của những khác biệt văn hóa khiến bản thân các nghệ sĩ khắp nơi nhận ra rõ ràng hơn vẻ đẹp của văn hóa Mường, chắt lọc và kết tinh những giá trị ấy trong các sáng tạo nghệ thuật mới. Còn bà con địa phương, qua chuyện trò, chia sẻ với các nghệ sĩ trong và ngoài nước, dần nhận ra sâu sắc hơn giá trị trong bản sắc văn hóa của họ vốn tưởng như cũng chỉ "bình thường", phần bởi quá quen thuộc trong đời sống thường nhật. Họ cũng học hỏi thêm được nhiều ý tưởng, phương pháp tạo hình khác từ chia sẻ của nghệ sĩ để có thể làm nên những sản phẩm dân gian mới.

Có thể nói, thành công bước đầu của các mô hình kinh doanh, phát triển sản phẩm văn hóa dựa trên nền tảng truyền thống như của chị Trà My, anh Vũ Đức Hiếu là minh chứng cho hiệu quả của việc phát huy tính cá nhân trong kinh doanh sản phẩm sáng tạo, phù hợp nhu cầu và điều kiện xã hội đương đại. Đồng thời với đó là ý thức cao của các cá nhân kinh doanh sáng tạo trong việc kết nối mạnh mẽ với mọi nguồn lực xã hội, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng địa phương cũng như các cá nhân, doanh nghiệp chung ý hướng phát triển sản phẩm từ đặc trưng văn hóa truyền thống. Họ là thành viên tích cực của Câu lạc bộ Di sản Kết nối mà Hội đồng Anh tại Việt Nam đang triển khai nhằm hỗ trợ cộng đồng từ việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa.