Kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2011)

Cuộc hành trình vì tương lai của dân tộc

NDO - Tròn một thế kỷ trước, ngày 5-6-1911, Bác Hồ, lúc đó có tên là Nguyễn Tất Thành, với tên mới là Văn Ba đã rời Sài Gòn (nay là tP Hồ Chí Minh) ra đi với một hoài bão lớn: tìm hiểu nền văn minh của thế giới, ra sức học hỏi để  sau này về cứu nước, cứu nhà.

Từ ngôi nhà tranh ở Kim Liên, Nam Ðàn ra đi, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã thực hiện một cuộc hành trình vạn dặm đi tìm chân lý kéo dài  hơn 30 năm (1911-1941). Con đường Người đã đi xuyên qua ba đại dương, bốn châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ, qua gần 30 quốc gia, qua hàng trăm thành phố lớn, nhỏ, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa. Ðiều quan trọng nhất là Người đã đến được với chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam - con đường cách mạng vô sản.  

 Hơn 30 năm bôn ba tìm đường giải phóng dân tộc, trên con đường dài dằng dặc ấy, Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, những trở ngại tưởng chừng không thể vượt qua nổi, mong ước được trở về nước trực tiếp lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc của Người đã trở thành hiện thực. Ngày 28-1-1941, Người đã trở về Tổ quốc. Mãi sau này khi nhớ lại phút giây thiêng liêng đó, Người viết: 'Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động'1. Vượt qua cột mốc biên giới 108, Nguyễn Ái Quốc và đoàn cán bộ về cùng đến xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ở lại nhà ông Máy Lỳ một thời gian ngắn, ngày 8-2-1941, Người bắt đầu sống và làm việc tại hang Cốc Bó, thôn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Từ đây, Người bước vào một cuộc hành trình mới - trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tư tưởng của Người về con đường cách mạng Việt Nam được bổ sung, phát triển thành hệ thống lý luận hoàn chỉnh, dẫn dắt cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, đi đến những thắng lợi vẻ vang.

Kỷ niệm hai sự kiện lịch sử gắn với ngày ra đi và trở về của Bác Hồ, sẽ có nhiều điều để viết và để nói. Song, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được là cả cuộc đời Bác là một cuộc hành trình không mệt mỏi vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Từ khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo công cuộc giải phóng dân tộc ở miền nam, xây dựng CNXH ở miền bắc, nhằm mục tiêu thống nhất đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp tục cuộc hành trình cứu nước trong điều kiện mới. Người đã lãnh đạo cuộc kháng chiến và kiến quốc của nhân dân ta bằng tư duy lý luận sáng tạo và kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn sống, lao động và chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Dấu tích của cuộc hành trình này là gần 700 địa điểm di tích ghi lại các cuộc đi thăm và làm việc với các địa phương, nhà máy, công trường, trường học, đơn vị bộ đội...  của Người trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và xây dựng CNXH ở miền bắc. Ở miền nam, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuy Người chưa vào tới nơi, nhưng tư tưởng, tình cảm của Người đã vào với đồng bào chiến sĩ Nam Bộ từ rất sớm và ngày càng thấm sâu, lan rộng trong lòng đồng bào chiến sĩ.

Những di sản trước tác lý luận của Người cùng với những di tích, bảo tàng, quảng trường, tượng đài, đền thờ Bác trải dài ở ba miền đất nước là những minh chứng sinh động nhất về cuộc đời hoạt động 'vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ' của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trên thế giới, tư tưởng cách mạng, quyết tâm cách mạng cùng những phẩm chất đạo đức cao đẹp của Hồ Chí Minh đã trở thành những giá trị chung mà nhân loại ghi nhận, hướng tới. Ở  hơn 30 quốc gia trên thế giới, từ những nơi Người đã từng hoạt động bí mật trong hành trình tìm đường cứu nước, đến những nơi Người đến thăm khi đã là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có hàng trăm địa điểm di tích về Người. Rất nhiều nơi từng in dấu chân Người, hiện nay còn lưu giữ làm di tích, dựng tượng Người hoặc gắn biển lưu niệm: châu Á: Trung Quốc, Thái-lan, Lào, Ấn Ðộ, Xin-ga-po, Mông Cổ...; châu Âu: Anh, Pháp, Nga, U-crai-na, I-ta-li-a, Hung-ga-ri...;  châu Phi: Ma-đa-gát-xca, Ăng-gô-la, An-giê-ri...; châu Mỹ: Cu-ba; Vê-nê-xu-ê-la, Mê-hi-cô, Ác-hen-ti-na,... Một số nước như Nga, Trung Quốc, Lào, Cu-ba, Ăng-gô-la, Ác-hen-ti-na, Mê-hi-cô... đã dịch và phát hành những tác phẩm chọn lọc của Hồ Chí Minh.

 Và cũng còn rất nhiều nơi khác, cách xa Việt Nam hàng nửa vòng trái đất như một số nước ở châu Phi, châu Mỹ, tuy rằng Người chưa một lần từng đến, nhưng tư tưởng  cách mạng của Người, phẩm chất đạo đức cao đẹp của Người đã vượt đại dương truyền tới đây. Ðối với nhân dân châu Mỹ, Hồ Chí Minh là một trong những biểu tượng sống đã thôi thúc họ đứng lên đấu tranh, giành độc lập tự do và họ ghi nhận: 'Hồ Chí Minh không chỉ là một vị lãnh tụ xuất chúng của dân tộc mình, một yếu nhân của quá trình phi thực dân hóa trong thế kỷ XX mà đặc biệt Người còn là một người Thầy vĩ đại trong môn học giành tự do cho các dân tộc. Là người Thầy trong nghề sư phạm giành tự do - chủ đề chính của tất cả các nền văn hóa và là mục tiêu đầu tiên của nhân loại'2.Vì vậy, cho đến ngày hôm nay, một số  nước châu Mỹ vẫn tiếp tục dựng tượng Hồ Chí Minh tại quê hương của mình. Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đại lộ mang tên Anh hùng giải phóng dân tộc Si-môn Bô-li-va tại trung tâm Thủ đô Ca-ra-cát, Vê-nê-xu-ê-la, khánh thành ngày 10-12-2007.  Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Công viên 'Tự do cho các dân tộc', Thủ đô Mê-hi-cô, khánh thành ngày 16-1-2009. Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tại A-ca-pu-cô, thành phố du lịch nổi tiếng của Mê-hi-cô, khánh thành ngày 19-5-2010...

Người dân ở những nước thuộc địa trước đây của Pháp, chủ yếu ở các nước châu Phi, kính trọng và coi Chủ tịch Hồ Chí Minh như tấm gương cho cuộc giải phóng tại đất nước họ. Ngày nay, tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng các bạn châu Phi, không ngừng cổ vũ các dân tộc châu Phi tiến lên đấu tranh củng cố độc lập dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, vui tươi, hạnh phúc. Tên Người đã được đặt cho các đại lộ tại một số nước châu Phi, nhiều nước đã dựng tượng Người.

Tại Lễ kỷ niệm lần thứ 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2010), do Ðại sứ quán Việt Nam tổ chức ở Pháp, tối 14-5, ông  Han đơ-vi-lơ,  Phó Tổng Giám đốc UNESCO đã  phát biểu: 'Các cuộc hành trình trong cuộc đời đã khiến Bác Hồ trở thành công dân của thế giới, đồng thời là đại sứ của Việt Nam trên khắp toàn cầu'.

Sự thật là cho đến hôm nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là vị đại sứ danh dự thiện chí của Việt Nam, mặc dù Người từ biệt thế giới này đã gần 40 năm, nhân loại cũng đã giã từ thế kỷ XX và bước sang thế kỷ XXI được hơn một thập kỷ. Trong thời gian đó, thế giới đã diễn ra biết bao đổi thay to lớn và sâu sắc.  Nhưng nói  về Hồ Chí Minh, mấy chục năm lại đây, những trang viết, bài nghiên cứu về Người vẫn cứ tiếp tục, trong đó có nhiều cuốn sách, bài báo của các tác giả trong nước và nước ngoài đã nghiên cứu và đánh giá về cuộc đời, tư tưởng, đạo đức của Người một cách toàn diện và hệ thống, với nhận thức ngày càng sâu sắc hơn, rút ra được nhiều bài học bổ ích và thiết thực.

Trong thế kỷ XXI đầy sôi động này, thế giới dù có thể đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi, Người vẫn đang tiếp tục cuộc hành trình không chỉ vì một nền độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam, mà còn vì một thế giới hòa bình, hữu nghị và phát triển. Vì vậy, 'Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu, nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao'3. 

Năm nay, kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2011), 70 năm ngày Người trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28-1-1941 - 28-1-2011), là dấu mốc thiêng liêng trong lịch sử dân tộc ta. Thời gian trôi qua, đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, một thời đại mới với rất nhiều thay đổi và thành tựu lớn  lao trên con đường xây dựng đất nước. Cuộc sống của nhân dân ta ngày càng ấm no, vui tươi, hạnh phúc, chúng ta càng khắc sâu trong tim lòng biết ơn vô hạn đối với những hy sinh lớn lao mà Bác đã trải qua trong hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. 

------------

(1) T.Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb Sự thật, 1975, tr. 73.

(2) Tham luận nhan đề: Tinh thần Hồ Chí Minh ở Mỹ Latinh của Igơnaxiô Gônxalết Hanxen-Nhà báo, nhà hoạt động chính trị Mê-hi-cô, Nguyên Chủ tịch Hội những người bạn của Việt Nam tại Hội thảo khoa học quốc tế 'Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay', tổ chức trong hai ngày 12, 13-5-2010, tại Hà Nội.

(3) Phát biểu của Rô-mét Chan-đra, Chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới. Báo Nhân Dân, ngày 21-5-1980.