Cuộc chiến pháp lý nhằm vào Binance

Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) cáo buộc sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới Binance và Giám đốc điều hành Changpeng Zhao thao túng thị trường, thiếu tuân thủ luật pháp, tiếp tay rửa tiền. Vụ kiện được đánh giá có thể chỉ là bước đầu trong tiến trình Mỹ thắt chặt các hoạt động giao dịch tiền điện tử.
0:00 / 0:00
0:00
Sàn giao dịch tiền ảo Binance tiềm ẩn nhiều rủi ro với nhà đầu tư. Ảnh: CNN
Sàn giao dịch tiền ảo Binance tiềm ẩn nhiều rủi ro với nhà đầu tư. Ảnh: CNN

Hành động pháp lý mạnh mẽ

Trong một thông báo ngày 27/3, CFTC cho biết, đã đệ đơn kiện lên Tòa án bang Illinois, buộc tội Changpeng Zhao và ba thực thể vận hành nền tảng Binance đã có nhiều vi phạm Đạo luật Giao dịch hàng hóa và các quy định của CFTC. Đơn kiện cũng buộc tội Samuel Lim, cựu Giám đốc phụ trách pháp lý của Binance, đã hỗ trợ và tiếp tay cho các vi phạm của Binance.

Cụ thể, theo đơn kiện của CFTC, Binance đã cung cấp và thực hiện các giao dịch phái sinh cho người dùng ở Mỹ từ tháng 7/2019 đến nay. Dưới chỉ đạo của Giám đốc điều hành Changpeng Zhao, Binance đã hướng dẫn các nhân viên và khách hàng của mình phá vỡ các biện pháp kiểm soát để tối đa hóa lợi nhuận của công ty. CFTC cáo buộc, trong phần lớn thời gian có liên quan, Binance đã không có các biện pháp cần thiết để yêu cầu khách hàng của mình cung cấp bất kỳ thông tin xác minh danh tính nào trước khi giao dịch trên nền tảng, bất chấp nghĩa vụ pháp lý mà các tổ chức như Binance phải thực hiện. Điều này đồng nghĩa với việc Binance đã vi phạm các điều khoản cốt lõi trong Đạo luật Giao dịch hàng hóa của Mỹ, bao gồm các điều khoản về nghĩa vụ ngăn chặn và phát hiện các hành vi tài trợ khủng bố và rửa tiền.

Trong đơn kiện, CFTC còn cáo buộc Binance đã hướng dẫn khách hàng của mình, nhất là nhóm các khách hàng đặc biệt quan trọng (VIP) với tài sản lớn, những phương pháp tốt nhất để “né” các biện pháp kiểm soát. Giám đốc điều hành Zhao được cho là chịu trách nhiệm cho tất cả các chiến lược quan trọng tại Binance, trong đó có cả việc nghĩ ra phương thức để hướng dẫn các khách hàng VIP có thể sử dụng mạng ảo nhằm che giấu vị trí, hoặc tham gia thị trường dưới vỏ bọc để mở tài khoản trên sàn giao dịch Binance. Nhóm khách hàng VIP cũng được nền tảng cung cấp đặc quyền, trong đó có việc được hỗ trợ khi cơ quan quản lý theo dõi hoặc đóng băng tài khoản. Zhao cũng bị cáo buộc đã tạo điều kiện để nhân viên của mình liên lạc với khách hàng ở Mỹ thông qua một ứng dụng nhắn tin với chức năng tự động xóa lịch sử liên lạc, nhằm tránh để lại bất kỳ bằng chứng nào về nỗ lực giữ chân khách hàng của Binance.

Theo tài liệu của CFTC, tính đến tháng 8/2020, Binance đã kiếm được 63 triệu USD tiền phí từ các giao dịch phái sinh và khoảng 16% số tài khoản tham gia giao dịch là của các khách hàng Mỹ mà không chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý.

Theo The Wall Street Journal (WSJ), trên thực tế, Binance đã bị cấm cung cấp dịch vụ cho người dùng Mỹ từ năm 2019. Sàn giao dịch Binance US đã được mở ra sau đó với tuyên bố hoạt động hoàn toàn độc lập với Binance và tuân thủ đầy đủ các quy tắc khắt khe của các cơ quan quản lý. Binance US cam kết sử dụng công nghệ xác thực danh tính để bảo đảm khách hàng Mỹ luôn hoạt động dưới sự giám sát của luật pháp.

Tuy nhiên, WSJ cho rằng, mục đích ra đời của Binance US chính là nhằm bảo vệ Binance thoát khỏi sự giám sát trực tiếp của Mỹ. Bởi, nếu có vấn đề xảy đến tại Mỹ, chỉ Binance US bị ảnh hưởng. Trong khi đó, trên thực tế Binance và Binance US “gắn bó” với nhau hơn nhiều so những gì được công khai. Theo tài liệu mà WSJ có được, nhân sự hai công ty vẫn “trộn” với nhau, các báo cáo tài chính và tiền số cũng được gửi qua lại giữa hai bên. Các nhà phát triển Binance tại Trung Quốc vẫn đảm nhận việc duy trì mã phần mềm hỗ trợ ví tiền điện tử của người dùng Binance US. Đồng nghĩa việc Binance vẫn có toàn quyền truy cập vào dữ liệu khách hàng ở Mỹ.

Phản hồi của Binance

Ngay sau nhận được thông tin về đơn kiện của CFTC, Giám đốc điều hành Binance Changpeng Zhao lập tức lên tiếng phản bác các cáo buộc của cơ quan quản lý. Changpeng Zhao cho rằng, hành động pháp lý của CFTC nhắm vào Binance là đáng thất vọng, bởi sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu thế giới đã liên tục hợp tác chặt chẽ với cơ quan quản lý này trong hơn hai năm qua.

Theo lập luận của ông chủ Binance, đơn kiện của CFTC đã bỏ qua nhiều chi tiết và sự kiện. Doanh nhân Changpeng Zhao khẳng định rằng, Binance đã phát triển các công nghệ tốt nhất để chấp hành các quy định và là sàn giao dịch toàn cầu đầu tiên thực hiện chương trình xác minh danh tính (KYC) và chống rửa tiền (AML) bắt buộc. Binance luôn minh bạch và hợp tác với các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật của Mỹ và các nước trên thế giới. Công ty này hiện sở hữu đội ngũ về tuân thủ pháp lý với trên 750 nhân lực, trong đó, nhiều người có kinh nghiệm làm việc tại các cơ quan thực thi pháp luật và quản lý trước đây. Trang Binance.com liệt kê danh sách ban cố vấn, trong đó có cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, cựu Cố vấn cấp cao Tổng thống Mỹ, Cố vấn Tổng thống Hàn Quốc, cựu Bộ trưởng Kinh tế Brazil, cựu Tổng Thư ký Ủy ban Chứng khoán của Ủy ban châu Âu…

Giám đốc điều hành Binance Changpeng Zhao cho biết, đến nay, Binance đã xử lý ít nhất 55.000 yêu cầu từ các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật và hỗ trợ Mỹ đóng băng hoặc thu giữ hơn 125 triệu USD trong năm 2022 và 160 triệu USD trong năm 2023. Sàn giao dịch tiền mã hóa Binance đã có được 16 giấy phép cung cấp dịch vụ giao dịch tài sản kỹ thuật số, nhiều hơn bất kỳ nền tảng tiền điện tử nào và con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Trong văn bản phản hồi, Changpeng Zhao cũng khẳng định Binance luôn tìm kiếm các giải pháp thân thiện cho mọi vấn đề, đặc biệt là với các cơ quan quản lý và các chính phủ. Binance sẽ tiếp tục tôn trọng, giữ quan hệ hợp tác với Mỹ và cơ quan quản lý trên toàn thế giới.

Bất chấp nỗ lực trấn an của Giám đốc điều hành Changpeng Zhao, sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu thế giới vẫn chịu cảnh các nhà đầu tư rút tiền ồ ạt khỏi sàn. Reuters ngày 29/3 dẫn nguồn Nansen, nền tảng chuyên phân tích chuỗi khối cho biết, chỉ hai ngày sau khi CFTC khởi kiện, các nhà đầu tư đã rút lượng tiền kỹ thuật số trị giá 1,6 tỷ USD khỏi Binance, lượng tiền này tăng đột biến so mức trung bình 385 triệu USD/ngày ở thời điểm trước đó khoảng 2 tuần.

Binance được thành lập tại Thượng Hải (Trung Quốc) năm 2017, trong bối cảnh thị trường tiền điện tử bắt đầu bùng nổ, và nhanh chóng trở thành sàn giao dịch chiếm thị phần lớn nhất trong lĩnh vực tài sản số. Binance cho biết, hiện có khoảng 120 triệu người dùng trên toàn thế giới. Theo nhà cung cấp dữ liệu CrytoCompare, khối lượng giao dịch tiền điện tử trên Binance đạt giá trị tương đương 23 nghìn tỷ USD vào năm 2022.

Chủ tịch CFTC Rostin Behnam nêu rõ, hành động pháp lý lần này của CFTC chứng tỏ rằng không điều gì có thể ngăn cản cơ quan này bảo vệ các nhà đầu tư Mỹ. CFTC sẽ tiếp tục sử dụng tất cả thẩm quyền của mình để tìm và ngăn chặn hành vi sai trái trong thị trường tài sản kỹ thuật số đầy biến động và rủi ro. Theo Chủ tịch CFTC, trong nhiều năm, Binance biết rằng họ vi phạm các quy tắc của CFTC, song vẫn tích cực để vừa giữ dòng tiền vừa “né” các quy định. Hành động pháp lý nhằm vào Binance sẽ là một lời cảnh báo cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào trong thế giới tài sản kỹ thuật số rằng CFTC sẽ không bỏ qua cho việc cố tình trốn tránh luật pháp Mỹ.

Phó Giám đốc kiêm Cố vấn trưởng Bộ phận thực thi của CFTC Gretchen Lowe cũng cáo buộc Binance đã cố tình “lách” luật hết lần này đến lần khác và đã đặt lợi nhuận lên trên việc tuân thủ luật pháp. Các email và tài liệu mà CFTC có được cho thấy nỗ lực tuân thủ pháp luật của Binance chỉ là giả tạo.

Theo đánh giá của Bloomberg, đơn kiện của CFTC là động thái pháp lý mạnh nhất từ trước đến nay của cơ quan quản lý Mỹ nhằm vào Binance. CNBC nhận định, động thái lần này có thể mới chỉ là bước đầu trong chuỗi hoạt động nhằm chấn chỉnh hoạt động của sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới.