Cùng ngư dân bám biển

Phối hợp tuyên truyền, và triển khai hỗ trợ kịp thời từ phía các cơ quan chức năng sẽ giúp ngư dân bớt khó khăn hơn trong quá trình lao động trên biển. Đó là một trong những giải pháp hữu hiệu bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, tặng quà ngư dân tại cảng cá Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi. Ảnh: NAM TRUNG
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, tặng quà ngư dân tại cảng cá Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi. Ảnh: NAM TRUNG

Ngăn chặn hoạt động khai thác bất hợp pháp từ sớm, từ xa

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 4.200 tàu cá, khoảng 37.000 ngư dân trực tiếp tham gia sản xuất trên biển. Hiện tỉnh có 11 nghiệp đoàn nghề cá, với gần 6.000 đoàn viên hoạt động theo nhiều hình thức tổ đội, hợp tác xã sản xuất trên biển. Việc tuyên truyền, vận động ngư dân vươn khơi bám biển, thực hiện tốt các chính sách, quy định của nhà nước, pháp luật trong quá trình khai thác, sản xuất trên biển rất quan trọng.

Từ cuối năm 2023 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi tập trung đợt cao điểm tuyên truyền phòng chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) ở các địa phương vùng biển, đảo-nơi có nhiều ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản. Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 phối hợp Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Quảng Ngãi mở đợt cao điểm tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU ở các địa phương ven biển tỉnh Quảng Ngãi.

Tại các khu vực trọng điểm có nhiều phương tiện tham gia khai thác hải sản xa bờ của tỉnh như thị xã Đức Phổ, thành phố Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn, huyện đảo Lý Sơn, các đơn vị đã phối hợp tuyên truyền cho gần 600 ngư dân, chủ tàu cá các quy định về chống khai thác IUU, Luật Thủy sản, một số nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát biển Việt Nam... Sự phối hợp giữa các lực lượng với mục tiêu chung là góp phần ngăn chặn, tiến tới chấm dứt hoàn toàn hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp.

Tại cảng Lý Sơn nhiều ngư dân cho hay, kể từ khi được phổ biến về chống khai thác IUU, tàu ra khơi đều mở thiết bị giám sát hành trình để các lực lượng chức năng theo dõi, giám sát, không đánh bắt cá ở vùng biển nước bạn và thực hiện việc ghi chép nhật ký hành trình, truy xuất nguồn gốc thủy sản. Ngư dân Nguyễn Hùng Huy cho biết, từ khi được phổ biến các quy định này, ông thường xuyên ghi chép lại nhật ký hành trình đánh bắt, sản lượng của tàu.

“Khi “thẻ vàng” được tháo gỡ, giá hải sản sẽ tăng, các ngư dân bớt phần lo lắng, yên tâm bám biển”, ông Huy nhấn mạnh.

Ở các tỉnh, thành phố: Quảng Nam, Bình Định, Đà Nẵng…, lực lượng cảnh sát biển cũng đã nỗ lực phối hợp tuyên truyền ngư dân thực hiện chính sách pháp luật liên quan khai thác hải sản, hỗ trợ ngư dân trong các hoạt động trên biển. Đồng thời, vận động ngư dân ký cam kết không khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài.

Tăng cường hỗ trợ ngư dân về hậu cần, kỹ thuật

Nghề đi biển vất vả, thường xuyên phải thường xuyên đối mặt với gió bão, rủi ro. Những năm qua, không ít tàu thuyền gặp tai nạn, bị đắm, ngư dân mất tích. Mỗi chiếc tàu chẳng may gặp nạn, đều gây thiệt hại lớn đối với chủ tàu cũng như những người làm việc trên tàu. Trong quá trình hoạt động, cũng không ít lần tàu cá gặp sự cố mất kết nối với thiết bị giám sát hành trình, như tại Quảng Ngãi trước đây hay Quảng Trị, Quảng Bình hồi tháng 4 vừa qua. Anh Nguyễn Thanh Minh, chủ tàu cá QB 9123 TS và nhiều chủ tàu khác ở Đồng Hới (Quảng Bình) đã phải cho tàu nghỉ do thiết bị giám sát hành trình hỏng, phải cho tàu nằm bờ, vì di chuyển đi đánh bắt thì vi phạm.

Theo ngư dân Võ Văn Khoa, chủ tàu QNg 98705 TS ở xã Phổ Quang, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi), máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh (GPS) đang sử dụng trên tàu cá là máy VX-1700. Sau nhiều năm sử dụng, nhiều máy bị xuống cấp, thường xuyên hỏng hóc, trạm bờ quá tải gây nghẽn mạng nên tin nhắn từ tàu gửi về trạm bờ có một số trường hợp không nhận được.

Anh Khoa kiến nghị: “Để giảm bớt một phần khó khăn cho chủ tàu cá, giúp ngư dân yên tâm bám biển mưu sinh, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Nhà nước nên tiếp tục hỗ trợ chính sách tham gia khai thác vùng biển xa, đồng thời có giải pháp để tránh mất kết nối với thiết bị giám sát. Bởi có nhiều chủ tàu mất kết nối không phải cố tình, mà do sự cố về vệ tinh.

Ở Đà Nẵng, nhiều ngư dân nhận thấy tầm quan trọng của việc nắm rõ các quy định pháp luật khi đánh bắt hải sản xa bờ. Chính vì vậy, trong các buổi tuyên truyền của Vùng Cảnh sát biển 2, cũng như các cơ quan khác, họ đều tham gia. Nhiều người vui mừng khi được tặng cờ Tổ quốc, đã treo ở vị trí cao nhất của tàu , bởi họ ý thức được rằng mỗi con tàu vươn khơi là một cột mốc chủ quyền.

Ông Trương Văn Dũng, thuyền trưởng tàu DNa 90944 TS, quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cho biết, để góp phần gỡ “thẻ vàng”, mọi ngư dân đều phải tuân thủ quy định pháp luật về đánh bắt. Ngoài việc, cơ quan chức năng tiếp tục tuyên truyền để nhiều người tuân thủ tốt hơn nữa việc đánh bắt đúng ngành nghề đăng ký, không đi sai vùng, không vượt ranh giới cho phép, cần tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về giá xăng, cước phí thiết bị giám sát, cải tạo cảng cá để ngư dân an tâm bám biển.

Nhiều ngư dân ở Quảng Ngãi kiến nghị, cơ quan chức năng quan tâm, đầu tư sửa chữa hệ thống phòng cháy chữa cháy tại các cảng Mỹ Á, Sa Huỳnh, bảo đảm an toàn cho tàu thuyền về neo trú. Thêm nữa, cần lắp đặt đèn báo hiệu, bố trí phao luồng từ đê chắn sóng vào trong tại các cảng Mỹ Á, Sa Huỳnh để tàu thuyền ra vào cảng thuận tiện hơn.