Công nghệ và những giá trị ảo

Trong một vài năm trở lại đây, nhiều ca sĩ kiêm người viết ca khúc, nhà sản xuất âm nhạc trẻ dưới tuổi 30, trở nên nổi bật trong hệ thống các giải thưởng âm nhạc trong nước, như Làn Sóng Xanh, Cống Hiến. Một số trong đó còn được vinh danh như là những người có ảnh hưởng xã hội, truyền cảm hứng sống tích cực trong cộng đồng qua một số giải thưởng khác. Điều đó phần nào cho thấy sự quan tâm lớn từ xã hội về thụ hưởng sản phẩm văn hóa nghệ thuật giàu tính sáng tạo, mới mẻ.
0:00 / 0:00
0:00
Wren Evans (sinh năm 2001) nhận cú đúp giải Album của năm và Ca sĩ đột phá-Giải thưởng Làn Sóng Xanh 2023. Nguồn: Làn Sóng Xanh fanpage
Wren Evans (sinh năm 2001) nhận cú đúp giải Album của năm và Ca sĩ đột phá-Giải thưởng Làn Sóng Xanh 2023. Nguồn: Làn Sóng Xanh fanpage

Bắt tai và đã mắt

Chừng 10 năm trở lại đây, nhạc rap dần trở thành món quen trong "thực đơn" nhạc trẻ. Sự phát triển của các nền tảng truyền thông và cung cấp âm nhạc trực tuyến đã góp phần phá vỡ những vách ngăn định kiến trong một bộ phận công chúng về dòng nhạc này.

Năm 2014, bản nhạc gây chú ý đầu tiên của ca sĩ kiêm người viết ca khúc Nguyễn Đức Cường (biệt danh Đen Vâu), Đưa nhau đi trốn, xuất hiện là nhờ mạng xã hội. Ca khúc nhanh chóng làm nóng nhiều diễn đàn nghe nhạc của giới trẻ và giành giải Ca khúc rap/hiphop được yêu thích nhất trong hệ thống giải thưởng âm nhạc Zing Music Awards 2015. Đây là giải thưởng của một trong những nền tảng nghe nhạc trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam. Tiếp đó, anh có những ca khúc mới lọt nhóm các ca khúc dẫn đầu xu hướng nghe nhạc ở Việt Nam trên YouTube. Năm 2018, anh được trao giải Ca sĩ có hoạt động đột phá tại Giải thưởng WeChoice Awards. Từ đây, sản phẩm và tên tuổi của anh liên tục xuất hiện trong các hệ thống giải thưởng quan trọng về âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung, như Cống Hiến, Làn Sóng Xanh, Mai Vàng… Lượng người theo dõi, hâm mộ anh đã tăng dần và giờ là tương đương một ca sĩ nhạc nhẹ hạng A.

Cùng với sự chiếm ưu thế của các nền tảng cung cấp âm nhạc trực tuyến trong đời sống tinh thần của người trẻ, các cuộc thi trên truyền hình dành riêng cho thể loại rap như Rap Việt, King of Rap từ năm 2020, cảm hứng từ thành công của Đen cũng là chất xúc tác đáng kể cho sự dấn thân của những rapper trẻ, biến rap thành xu hướng kết hợp biểu diễn thời thượng trong âm nhạc giải trí ở Việt Nam hiện nay.

Hai năm qua, nhiều rapper trẻ tiếp bước Đen trở thành những cái tên được xướng lên nhiều lần trong mùa giải thưởng âm nhạc và nghệ thuật được công chúng trẻ quan tâm. Một số trong đó khi lên nhận giải còn chưa tới tuổi 25, như Nghiêm Vũ Hoàng Long (biệt danh MCK) và Trần Minh Hiếu (biệt danh Hieuthuhai), đều sinh năm 1999. Hơn nữa, đã xuất hiện những ca sĩ kiêm người viết ca khúc và làm nhà sản xuất cho chính mình khi ở độ tuổi mới đôi mươi và không chỉ với rap, sản phẩm của họ kết hợp nhiều dòng nhạc còn ít phổ biến ở Việt Nam. Nhiều album, đĩa đơn ngay khi vừa ra mắt trên các kênh phát hành trực tuyến chính thức của họ, đã nhanh chóng dẫn đầu các bảng xếp hạng, đưa tác giả trở thành tên tuổi mới, thành "ca sĩ đột phá" của năm trong một số hạng mục giải thưởng có ảnh hưởng tới giới trẻ.

Những nhắn gửi cần được lắng nghe

Có hai điều dễ nhận thấy từ sức hấp dẫn ban đầu của nhiều sáng tác nhạc trẻ. Thứ nhất là sự can thiệp mạnh mẽ của công nghệ từ nền tảng phát hành đến quá trình sản xuất bản thu, bản MV của họ. Nhờ công nghệ thu âm tiên tiến, các bản nhạc rất bắt tai, khiến không ít người nghe cảm thấy bị nghiện, nghe liên tục trong ngày, trong một thời gian nhất định. Nhờ công nghệ hình ảnh, các MV và hình ảnh biểu tượng của ca sĩ trở nên rất bắt mắt, ảo diệu. Thứ hai là sự nắm bắt nhanh xu hướng nghe nhạc kết hợp tính chuyên nghiệp của đội ngũ cộng sự, bao gồm từ đạo diễn hình ảnh, giám đốc nghệ thuật đến quản lý truyền thông... Tất cả tạo nên sự hiện diện chất lượng của nhân vật chính là ca sĩ, hấp dẫn công chúng không chỉ từ thuần túy bài hát với ca từ, giai điệu như thời trước mà từ tổng hòa mọi yếu tố, đôi khi yếu tố phụ trợ ngoài chuyên môn sáng tác, phối khí và giọng hát lại có tác dụng mạnh.

Mới đây, nhạc sĩ Lê Quang, tác giả của nhiều ca khúc đình đám một thời của Giải thưởng Làn Sóng Xanh, đã đưa ra những nhận xét thẳng thắn về sự "nương tựa" vào phòng thu/công nghệ thu âm của ca sĩ trẻ: "Có những ca sĩ bây giờ lên sân khấu hát live (hát bằng giọng thật) không ra hơi". Bên cạnh đó, sức mạnh của công nghệ, sự tiện dụng của các nền tảng nghe nhạc trực tuyến càng khiến cho ca sĩ/nhà sản xuất dễ dàng lệ thuộc.

Nhạc sĩ Quốc Trung, từ trải nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực sản xuất các sự kiện âm nhạc quốc tế lớn như Lễ hội âm nhạc Gió mùa, đã chia sẻ với chúng tôi: Cho đến nay, ca sĩ trong nước có thể được xưng tụng, tôn vinh thế này thế khác nhưng chưa có ai được mời tham gia những chuỗi sự kiện âm nhạc lớn trong khu vực, có bán vé, có lịch trình tổ chức trước hàng năm trời để dần trở thành nghệ sĩ tên tuổi thật sự trong khu vực và quốc tế, thay vì chỉ tham gia các sự kiện có tính chất giao lưu/ngoại giao văn hóa.

Nhạc sĩ Giáng Son cũng từng lên tiếng trên Nhân Dân cuối tuần về tình trạng lượng view (lượt nghe/xem) ảo của không ít ca sĩ trẻ vì "hiện nay, có công nghệ giúp làm tăng lượt thích (like), lượng view trên các nền tảng phát hành trực tuyến nên nhiều thứ "nổi" chưa chắc đã chứa đựng giá trị nghệ thuật". Tình trạng đó, một mặt cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường nhạc trẻ, mặt khác cũng cho thấy xu hướng lạm dụng các yếu tố phụ trợ để sớm có tên tuổi của một số người trẻ làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật. Nếu không nhận biết rõ các giá trị ảo để dày công luyện tập nâng cao năng lực, thì sự nổi tiếng nhanh chóng lại là "con dao hai lưỡi" cho những ai muốn đi đường dài với nghệ thuật.