Những năm 90 của thế kỷ trước, chúng tôi - những đứa trẻ xóm chợ Đồi thường đi bộ lên đồi nhặt củi bạch đàn khô và cắt lá dứa ăn. Những bó củi bạch đàn, những tải lá khô, những thức quả theo mùa đã cùng tôi đi qua biết bao tháng ngày, đã cho tôi biết bao sự háo hức, đã làm cho sự thiếu thốn về vật chất khi ấy trở nên dễ chấp nhận hơn. Tôi nhớ về chợ phiên của quê nhà, bà nội sẽ mua cho mỗi đứa một túi bỏng mật và cuối phiên chị em chúng tôi mang rổ sảo thật to đi nhặt củi vụn còn sót lại, nhặt vỏ mía được người ta tước bỏ đi về phơi làm củi. Vỏ mía đốt róc lắm, nổ lách tách và thơm ngọt mùi mật. Bà sẽ dùng để nấu cơm hoặc đun nước tắm cho chị em chúng tôi. Bà lựa những gốc mía dài tước lại vỏ và đẵn thành từng khúc nhỏ bổ làm tư cho chúng tôi ăn. Những năm ấy, hầu như cả làng nhà ai cũng có người đi vào nam làm ăn. Bố mẹ tôi cũng vì miếng cơm, manh áo, vì cố cho các con được đi học mà gửi chúng tôi cho bà nội, khăn gói vào Sài Gòn.
Tôi nhớ về những ngày đầu đông rét mướt, trời khô và lạnh. Bà luôn dậy sớm đun một ấm nước cho ba chị em rửa mặt trước khi đi học. Những ngày khó khăn, bố mẹ chỉ đủ gửi tiền học phí, sách vở và chút thuốc men, bà nấu món trứng tráng pha thêm bột mỳ và dẫn chúng tôi ra khoảnh vườn sau nhà hái rau dền cơm. Mãi sau này, khi cuộc sống đã bớt khó khăn hơn, trong câu chuyện của bà vẫn hay nhắc lại câu nói của tôi “Bà ơi, rau dền ngon nhỉ”. Mỗi lần như vậy bà đều rơm rớm nước mắt, bà nói rau dền có gì mà ngon, thế mà cháu bà đói đến nỗi vẫn háo hức được ăn. Cho đến tận bây giờ, câu nói ấy vẫn luôn khiến tôi đau lòng và thương nhớ khôn nguôi về người bà tần tảo sớm hôm của mình.
Mùa đông năm nay đến muộn quá, mãi trời mới nổi gió mùa. Tôi lại lang thang trên ngọn đồi quen thuộc. Nghe nói sang năm nó sẽ được giải phóng mặt bằng để xây dựng trường nghề. Tôi bần thần nhặt một bó củi khô, mọi thứ đã đổi thay rồi, chẳng còn đứa trẻ nào ở đây đi quét lá bạch đàn hay kiếm củi nữa; chẳng còn bà tôi ngồi bên hiên nhà bếp mồm chỏm chẻm nhai trầu chờ các cháu đi học về; cũng chẳng còn khoảnh vườn rau dền và những đụm vỏ mía khô gác góc bếp. Cuộc sống đã quá khác biệt. Tôi hiểu sự thay đổi và hữu hạn của thời gian. Chỉ là có những mùi hương, có những mùi vị gắn với một con người mà khi đã qua rồi ta không thể nào có lại được nữa.
Tôi nhặt một bó củi khô mang về nhà cũ. Tôi muốn nhóm lại chút hương vị ngày xưa ấy và nấu cho bà một nồi cơm gang đầy gạo khang dân, một bát canh rau dền mà bản thân đã từng háo hức được ăn. Củi đã nổ lách tách trong gian bếp, khói ấm đã bốc lên, mọi thứ như tạc lại hình dáng cũ của năm nào, chỉ tiếc rằng, năm tháng đã đi qua, người cũng đã đi xa rồi…