Bình thường, thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân chỉ mất 30 phút, nhưng ngày 2/7 vừa qua, chị Vũ Bích Ngân đã mất khá nhiều thời gian khi đến làm thủ tục tại Bộ phận một cửa của UBND xã Thanh Liệt (Thanh Trì, Hà Nội). Mặc dù được cán bộ tư pháp hướng dẫn làm thủ tục trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (qua điện thoại thông minh), nhưng chị vẫn phải ngồi chờ xác nhận giao dịch trực tuyến thành công, để nhận tin nhắn thông báo hồ sơ đã được tiếp nhận. Chị được đề nghị kiểm tra email để biết thông tin chi tiết, và hẹn đến thứ tư (ngày 7/7) đến nhận kết quả. Tối cùng ngày, chị Ngân tiếp tục nhận được hai tin nhắn tương tự. Chị Ngân chia sẻ: "Có lẽ do việc kết nối dữ liệu giữa các cơ quan chưa đồng nhất, cho nên quá trình xin xác nhận bị chậm đến vậy! Thêm nữa, không phải người dân nào cũng có địa chỉ email và điện thoại thông minh để thực hiện được giao dịch. Tôi rất chia sẻ với một số bác lớn tuổi, mất nhiều thời gian loay hoay ở bộ phận một cửa, mà không biết có làm được việc không".
Tại phòng giao dịch Techcombank (chi nhánh quận Hoàng Mai), chị Trương Hải Yến cũng gặp khó khăn khi làm thủ tục rút tiền. Chị Yến làm thẻ căn cước công dân (gắn chíp) đã qua hơn hai tháng nhưng chưa được nhận, trong khi giấy chứng minh nhân dân cũ đã bị cắt góc và mất một số trong dãy chín số. Phía ngân hàng yêu cầu chị về lấy hộ chiếu, hộ khẩu và kiểm tra chữ ký ba lần, sau đó mới có thể rút tiền.
Một cuốn hộ chiếu với số chứng minh thư cũ, một tấm căn cước công dân (gắn chíp), vẫn là một chủ thể ấy, nhưng do "vênh" thông tin, cho nên chị Lê Thanh Tâm ở quận Thanh Xuân phải thực hiện việc khớp thông tin giữa hộ chiếu và căn cước công dân (gắn chíp). Thủ tục này đòi hỏi các loại giấy tờ như hộ chiếu còn giá trị sử dụng ít nhất một năm, căn cước công dân (gắn chíp), giấy xác nhận số chứng minh nhân dân cũ đã được cấp trước đó, sổ tạm trú (đối với trường hợp đề nghị đổi tại nơi đăng ký tạm trú). Chỉ một bước này thôi, chị buộc lòng phải đổi lịch bay.
Thích ứng phương thức quản lý mới
Trong buổi giải đáp trực tuyến gần đây, nhiều công dân có chung câu hỏi, Luật Cư trú sẽ thay đổi các điều kiện, thủ tục nhập hộ khẩu và thời gian hoàn thiện thủ tục này như thế nào? Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), trả lời: "Trước đây, thông tin của công dân được lưu trữ trên sổ hộ khẩu giấy. Theo luật mới sẽ bỏ các giấy tờ, bằng cách sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Những thông tin cư trú của công dân được cập nhật, lưu trữ điện tử. Sau ngày 1/7, khi Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực, chúng ta đã khai tử một di sản của một thời kỳ bao cấp, mở ra một kỷ nguyên mới trong phương thức quản lý xã hội".
Hay câu hỏi, từ ngày 1/7 những giao dịch dân sự có cần hộ khẩu giấy nữa hay không? Những giấy tờ như sổ đỏ đã ghi địa chỉ hộ khẩu thường trú mà khác với địa chỉ thường trú trong dữ liệu quốc gia về dân cư có cần phải đi đính chính sổ đỏ không? Thiếu tướng Phạm Công Nguyên trả lời: "Từ ngày 1/7, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẵn sàng kết nối. Tuy nhiên, vẫn phải đợi các đơn vị khác kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì mới tạo sự thống nhất trong giải quyết công việc cho người dân. Hiện một số đơn vị chưa kết nối được nên vẫn yêu cầu người dân phải có sổ hộ khẩu để thực hiện các giao dịch. Vì thế, cần có thời gian chuyển tiếp từ ngày 1/7 đến cuối năm 2022, thời điểm chấm dứt hộ khẩu giấy".
Bộ Công an cho rằng, hiện nay việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương còn khó khăn, nhiều hệ thống kỹ thuật của các bộ, ngành, địa phương được đầu tư thiếu đồng bộ, còn nhiều lỗ hổng về bảo mật. Việc in và trả thẻ căn cước công dân chậm do nguyên nhân khách quan từ tác động của đại dịch Covid-19, dẫn đến thiếu nguồn cung vật liệu, chíp điện tử. Trong thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo toàn diện để hoàn thiện, duy trì và phát huy giá trị của hai dự án.
Hiện nay, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã kết nối chia sẻ thông tin dân cư với một số bộ, ngành như: Cục Cảnh sát giao thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, để sử dụng dịch vụ xác thực thông tin công dân giải quyết thủ tục cấp thẻ bảo hiểm xã hội, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Ðồng thời đã chạy thử nghiệm kết nối tích hợp dịch vụ chia sẻ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, một số tỉnh, thành phố...
Trong quá trình vận hành ban đầu, rất khó tránh khỏi những sự cố đáng tiếc. Vì thế, để bảo đảm quyền lợi cho người dân, lực lượng chức năng cần giải đáp nhanh những thắc mắc, hướng dẫn chi tiết các bước để người dân có thể sử dụng dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia một cách tối ưu, nhanh chóng. Công tác cấp và trả thẻ căn cước công dân (gắn chíp) cũng cần được khắc phục sự cố để đẩy nhanh tiến độ, giúp người dân thực hiện các giao dịch khi cần thiết. Chỉ như vậy, việc đổi mới phương thức quản lý mới mang lại ý nghĩa tích cực như mục tiêu đặt ra.