"Cò" lúa miền tây

NDO - Nông dân miền Tây đã quen thuộc với hai chữ "cò" lúa - một hình thức trung gian giữa thương lái với nông dân. Việc xuất hiện đối tượng mối lái này đã giúp cho việc tiêu thụ nông sản được nhanh chóng, dễ dàng. Nông dân chấp nhận, nhưng nhìn vào bản chất "cò" lúa ra đời không phải là dấu hiệu tích cực, mà vì lợi nhuận ít ỏi từ hạt lúa của người nông dân tiếp tục bị qua tay, chia phần nhiều người.
Trần Văn Liểm - người ngồi đội mũ, đang mua lúa tại xã Vĩnh Hòa Hiệp, Châu Thành.
Trần Văn Liểm - người ngồi đội mũ, đang mua lúa tại xã Vĩnh Hòa Hiệp, Châu Thành.

Nhọc nhằn hạt lúa

Ði trên những cánh đồng lúa chín vàng ươm thuộc các huyện thuộc Kiên Giang, một tỉnh có sản lượng lúa đứng đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) vào dịp thu hoạch rộ vụ hè thu lòng người rạo rực niềm vui. Niềm vui như được nhân đôi, khi cảnh người nông dân đi cùng con trâu, cái cày, cây lưỡi hái, cái bồ... giờ chỉ còn là chuyện ngày xửa ngày xưa. Máy gặt đập đời mới chạy ngược xuôi trên cánh đồng cò bay mỏi cánh. Từ trên bờ ruộng nhìn xuống cánh đồng với đủ mầu sắc như bức tranh thủy mặc.

- Lúa này chở về nhà bằng ghe hay bằng xe? Tôi hỏi.

- Chở về nhà làm gì cho tốn công. Cánh đồng này cò đã bỏ cọc, chút nữa cò sẽ đến cân chở đi. Ông Trần Cường ngụ ấp Ðá Nổi B, xã Thạnh Ðông, huyện Tân Hiệp đang đứng chỉ huy mấy đứa con, cháu thu hoạch ba ha lúa hè thu trả lời.

- Cò là gì? Tôi ngạc nhiên hỏi tiếp.

Ông Trần Cường ngồi bệt xuống đất, ra dấu kêu tôi cùng ngồi xuống, chậm rãi giải thích: Cò ở đây là "cò" lúa. Trước đây người nông dân đau đầu trong chuyện tiêu thụ lúa. Sau khi thu hoạch, phải tốn công sức, chi phí vận chuyển vào phơi, sấy, bảo quản, có khi phải lặn lội qua các huyện khác, hoặc đến các tỉnh Hậu Giang, An Giang tìm thương lái đến mua. Cực đã đành, còn phải chịu cảnh chờ đợi và bị chê, ép giá. Nhưng nay, lúa chưa đến ngày gặt thì "cò" lúa đã ra tận đồng xem "mã" lúa, sau đó ngã giá. Nông dân gật đầu, nhận tiền cọc, đến ngày thu hoạch thương lái còn gọi là hàng xáo vào tận ruộng cân lúa, trả tiền.

Trước là khó, giờ là dễ nên ông Trần Cường và rất nhiều nông dân ở các tỉnh miền tây này xem cò lúa là một lực lượng cần thiết, vừa ra đời đã nhanh chóng phát triển, đáp ứng được nhu cầu, mong mỏi của người nông dân. "Không phải tốn công, nông dân sẽ tận dụng thời gian này để làm công việc khác tăng thêm thu nhập cho gia đình. Hơn hết, sau vụ mùa, nông dân sẽ thanh toán được ngay các khoản tiền vay ngân hàng, mua vật tư mà không phải đóng thêm một khoản tiền lãi nữa", ông Trần Cường ưng ý.

Ông Nguyễn Văn An ở xã Ðịnh Hòa, huyện Gò Quao xác nhận, chúng tôi sẵn sàng bồi dưỡng cho cò nếu việc trao đổi mua bán giữa thương lái và nông dân diễn ra nhanh chóng và thuận lợi. Như muốn khẳng định mặt tích cực của "cò" lúa, ông An giải thích thêm: Khi thời tiết thất thường như hiện nay, vụ hè thu kể cả vụ đông xuân cũng gặp mưa bão, lũ lụt, nhà máy sấy đông nếu không có cò, chúng tôi rất khó xoay trở, và lúa lên mọng hoặc không giữ được mầu sắc đẹp bán sẽ mất giá. Trước lợi nhuận khá lớn từ nghề hàng xáo nên số lượng những người làm nghề này ngày một tăng lên và tất nhiên sẽ xảy ra sự cạnh tranh của những người làm cùng nghề. Ðể giữ nguồn thu, giới hàng xáo phải nghĩ đến việc giảm những chi phí không cần thiết và cách họ chọn là lấy chi phí để giảm chi phí. Hàng xáo chủ động liên hệ với những người dân địa phương nhờ đứng ra làm khâu trung gian và tiền thù lao được thỏa thuận tại thời điểm nhất định. Công việc vừa nhẹ nhàng không cần bỏ vốn nhưng thu nhập khá lớn, còn có tiếng là giúp đỡ nông dân trong tiêu thụ lúa được nhiều người đăng ký.

Hành trình "cò" lúa

Sự xuất hiện phổ biến của "cò" lúa ở vùng nông thôn, gắn liền với nghề nông nên "cò" lúa dần được nâng cấp lên thành nghề. "Cò" lúa được phân thành hai đối tượng: chuyên nghiệp và tay ngang. Cò tay ngang là những người dân ít ruộng, cũng có thể là những người mua bán nhỏ, hoặc là những người làm thuê mướn. Ðối với "cò" lúa loại này thì chỉ cần mối quan hệ quen biết tại địa phương, nắm rõ địa chỉ, số điện thoại của thương lái là có thể "hành nghề".

Anh Phan Thanh Sơn, cán bộ nông nghiệp xã Thạnh Ðông, huyện Tân Hiệp nói: Ai cũng có thể làm "cò" miễn là có quen biết với thương lái. Người mối lái chỉ cần tốn vài chục nghìn tiền xăng thì có thể thu lại được đến vài triệu đồng/ngày. Nghề này xuất hiện còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi.

Anh Sơn còn giới thiệu chúng tôi với anh Nguyễn Văn Chính - một "cò" lúa tay ngang ngụ tại xã. Nông dân chính hiệu, nhưng áo bỏ trong quần, chân đi giày đen bóng, anh Chính hào hứng: "Tôi làm "cò" lúa đã được vài năm nay, mỗi ngày làm mối lái cho vài ghe cũng kiếm được vài triệu đồng. Tôi chỉ cần tìm giống lúa thương lái yêu cầu và đủ số lượng cho họ, hoa hồng được tính theo đầu tấn lúa, từ 15.000 - 25.000 đồng/tấn".

Nhưng ông Trần Văn Liểm ở Mong Thọ, huyện Châu Thành mới là "cò" lúa chuyên nghiệp có thâm niên. Khác với anh Chính, ông Liểm ăn mặc xuề xòa, đầu đội nón tai bèo trắng, giọng nói ồn ồn rặt ri hai lúa. Ông Liểm cho biết: "Bà con quen mặt tôi rồi. Ðịa bàn hoạt động của tôi cũng rộng khắp, hễ nơi nào lúa nhiều là tôi đến".

Ông Liểm vốn mưu sinh bằng nghề cắt lúa mướn, rồi trở thành "tài công" cho một thương lái ở huyện Châu Thành. Một lần tình cờ có người nhờ ông tìm dùm máy cắt lúa và được người này cho hoa hồng 20.000 đồng. Thấy công việc dễ làm, thu nhập cao nên ông theo đuổi, dần dần quen nhiều thương lái rồi trở thành cò chuyên nghiệp lúc nào không hay. Ông Liểm bộc bạch: "Từ khi chuyển nghề đến nay, lúc trúng mùa bỏ túi trên 10 triệu đồng/tháng, kém thì cũng kiếm được vài triệu đồng".

Chúng tôi xuôi về các huyện vùng U Minh Thượng - một vùng sinh thái khắc nghiệt nhất của tỉnh Kiên Giang để tiếp tục tìm hiểu hoạt động của "cò" lúa. Tại xã Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng, nông dân Nguyễn Thanh Cần đang cân lúa IR 50404 bán cho thương lái với giá 4.500 đồng/kg. "Ðây là thương lái quen nên không cần cò", anh Cần nói. Cách đó chỉ vài km tại xã Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận, thông qua cò mai mối, nông dân Trần Thanh An bán lúa cùng loại chỉ giá 4.200 đồng/kg. Ðiều này thấy rõ, khi "cò" lúa giở trò, nhằm hưởng lợi hai đầu, người nông dân sẽ gánh chịu những tổn thất không nhỏ, bởi cánh thương lái "ngồi mát mà vẫn có bát vàng" chính là khâu trung gian thứ nhất. Và "cò" lúa chính là khâu trung gian thứ hai. Tiền thì thương lái trả cho họ, nhưng những đồng tiền đó chính là lợi nhuận từ hạt lúa mà người nông dân cực khổ một nắng hai sương làm ra.

"Cò" lúa xuất hiện từ khi nào, người nông dân không rõ, nhưng chắc chắn là từ sau việc "lúa ế", ẩm mốc người dân phải bán đổ bán tháo cho các cơ sở sản xuất thức ăn gia súc vào năm 2008. Thế rồi ba bốn năm trở lại đây, hoạt động này trở nên phổ biến, công khai hơn và hoạt động rầm rộ trong những vụ đông xuân và hè thu.

* Chính phủ khuyến khích, doanh nghiệp xuất khẩu phải mua lúa trực tiếp từ nông dân, nhưng thực tế thì việc này rất ít thực hiện khi doanh nghiệp cần gạo còn nông dân có lúa. Hiểu rõ điều này, thương lái đã nhảy vào biến lúa thành gạo, hưởng chênh lệch.