Có bao giờ, vì Tết, mà biển lặng…

Từ tốn đặt tách trà lên cái đĩa cắt gọt từ gỗ cây phong ba - loài cây đặc trưng miền đảo cát, trụ trì chùa Sinh Tồn Đông, Đại đức Thích Lệ Quang, bắt đầu câu chuyện ngày cuối năm bằng giọng nhẹ nhàng: "23 tháng Chạp, đảo sẽ làm một lễ cúng cột mốc chủ quyền, rồi mới làm lễ cúng ông Công ông Táo. Tới ngày 30, đảo cũng cúng ở cột mốc rồi mới làm lễ mời ông Công ông Táo về lại".
0:00 / 0:00
0:00
Chú heo tăng gia, thực phẩm quan trọng cho mâm cơm Tết của cán bộ, chiến sĩ (ảnh chụp tại đảo Sinh Tồn Đông).
Chú heo tăng gia, thực phẩm quan trọng cho mâm cơm Tết của cán bộ, chiến sĩ (ảnh chụp tại đảo Sinh Tồn Đông).

Quanh những cột mốc giữa biển khơi

Ở Trường Sa, những lễ cúng cột mốc đã thành thông lệ. Riêng đảo Cô Lin, lễ cúng còn có thêm một nghi thức, là lễ tưởng niệm dành cho 64 liệt sĩ đã hy sinh tại Gạc Ma ngày 14/3/1988. Biển có bao giờ vì Tết mà thôi động. Ở đảo, những ngày lễ, Tết đều khác thường.

Trụ trì Thích Lệ Quang cho hay: Những hòn đảo trên khu vực xã đảo Sinh Tồn, trong đó có Sinh Tồn Đông, đều mang đặc trưng sóng gió khác biệt. Nếu ở những hòn đảo khác, vòng cát chạy vòng quanh đảo, hết một năm sẽ trọn một vòng, thì ở khu vực Sinh Tồn, vòng cát cứ qua lại theo hình rẻ quạt. Sinh Tồn Đông cũng không ngoại lệ. Gió quật qua lại, khiến những cái cây ở đây cũng khó vươn mình hơn. Mưa gió mà ở bờ ngỡ là bão, thì ngoài đây cùng lắm chỉ tương đương cấp độ một cơn mưa biển thoáng qua. Mỗi năm Tết đến, biển lại càng dễ gầm gào. Có những ngày giáp Tết, gió giật ầm ầm, tạt lên cả nóc nhà. Có những ngày mưa xối xả, lính đi gác giữa đêm vuốt mặt không kịp. Mâm cơm trên đảo, trên biển, cũng không phải lúc nào cũng đầy đủ. Vài tháng trước, gà, vịt ở đảo Sinh Tồn bị bệnh lăn ra chết đồng loạt. "May mà còn mấy con heo rừng nuôi cả năm để chờ đón Tết", Trung tá Trần Danh Hoàng, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn cười.

Tết bên cột mốc là một cảm giác vừa kỳ lạ, vừa thiêng liêng. Đỗ Đăng Đại, chàng kiểm ngư viên trên con tàu kiểm ngư 491 vẫn nhớ thời còn là một chàng trai 18 tuổi, đi nghĩa vụ quân sự và được phân công ra đảo Nam Yết. Năm đó Đại nhận lịch gác đúng mồng một Tết. Đó là lần đầu, Đại nhận phong bao lì xì của thủ trưởng đơn vị bên chiến hào. "Vui mà cũng tự hào nữa chị ạ".

Đào Xuân Dũng, chiến sĩ trên đảo Len Đao, không bao giờ quên được lần nhận lịch gác cột mốc đúng ngày cúng giao thừa. Phong bao lì xì các anh đưa, Dũng vẫn giữ, không mở ra. Dũng bảo khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Dũng mới mở, để nhớ mãi kỷ niệm đó, khi đứng trong không gian bốn bề là biển. Vùng biển này, lúc nào cũng nhức nhối một vết thương, giữa Len Đao, Cô Lin và Gạc Ma.

Có bao giờ, vì Tết, mà biển lặng… ảnh 1
Chiến sĩ đảo Đá Nam với cây mai từ đất liền gửi tặng đảo.

Tết trên những ngọn sóng

Kiểm ngư viên Nguyễn Thành Luân mở màn ngày đầu tiên của năm 2023 bằng chuyến xuồng đưa quà Tết từ tàu KN490 ra đảo Sinh Tồn. "Âu tàu lớn, nước êm, mình cứ thế mà thẳng tiến thôi", Luân hồ hởi sau một hành trình dài chỉ toàn gặp mưa, mặc kệ cơn giông xầm xì từ phía chân trời. Luân bảo, cuối năm có mấy khi biển êm, nên cứ êm lúc nào mình vui lúc đấy.

Tết Nhâm Dần, Luân đang thực hiện nhiệm vụ của một kiểm ngư viên ở khu vực đảo Tiên Nữ. Hỏi Luân có biết mình đón năm mới trước đất liền hẳn một tiếng, ở nơi xa nhất trong số các điểm đảo Việt Nam đang kiểm soát, về phía đông trên quần đảo Trường Sa không, Luân lắc lắc, vì lúc đó mải trực, chẳng để ý là Tết hay gì. "Hình như cũng có mặt trời lên chị ạ, nhưng em cũng chả nhớ", anh chàng cười giòn tan.

Tết 2022, là cái năm sóng gió dữ nhất trong những chuyến đi cuối năm gần đây. Khi trong bờ đang nháo nhào vì Covid-19, thì ngoài biển khơi cũng "nháo nhào" vì những ngày biển động. Đỗ Đăng Đại cũng bảo hai năm rồi, anh chưa ăn Tết ở nhà. Một năm Đại ở Đá Thị, một năm thì ngoài Sinh Tồn. "Năm nay mà có nhiệm vụ là tụi em cũng phải đi tiếp, nghề mà chị", Đại cười cười, dù nụ cười cũng hơi buồn.

"Trông chừng tàu cá, rồi nhắc nhở, tuyên truyền ngư dân, hỗ trợ bà con, nhiều thứ lắm", mấy anh kiểm ngư kể về công việc, cứ như một cuộc dạo chơi. Nhưng khi nằm ngất ngư trên tàu trong những ngày biển động, mới thấy cuộc dạo chơi của những chàng trai chẳng bằng phẳng chút nào. Đỗ Đăng Đại sinh vào ngày cuối cùng của năm. Hơn chục năm kể từ khi biết Đại, hầu hết tôi đều thấy Đại đón tuổi mới ở một vùng biển nào đó. Vợ con ở nhà trông lấy nhau mải miết. Luân thì vẫn cười: "Đi xuồng ra biển trông ngư dân đánh cá vui mà".

Có bao giờ, vì Tết, mà biển lặng… ảnh 2
Kiểm ngư viên Nguyễn Thành Luân trên chuyến xuồng ngày mở đầu năm 2023.

Khi trong bờ là những cuộc du xuân chơi Tết, là những ngày sum họp, nghỉ ngơi, thì ngoài biển, đó là lúc vụ cá sôi động nhất. Ông Huỳnh Tẩn, ngư dân trên tàu cá Bình Định BĐ 97528 TS đang đánh bắt tại khu vực xã đảo Sinh Tồn, nói, năm nay cả tàu xác định ăn Tết trên biển. "Nghỉ sao được cô ơi, mồng một đuôi tàu đang thắp nhang mà thấy trúng luồng cá là người nào cúng cứ cúng, còn anh em khác lao ra làm việc đó, chứ đâu có được ăn Tết đầy đủ đâu".

Những ngày đầu tháng thường là lúc cá lên nhiều, họ bận rộn nhất. Cả tàu ông Tẩn chỉ tranh thủ vài ngày nghỉ trăng, tất bật lên đảo Sinh Tồn nhờ trạm xá khám cho cái chân một đồng nghiệp đang đau nhức. "Chân ổng đau từ hồi đánh cá ngoài Tiên Nữ đó, mà giờ lại đau", ông Tẩn thở dài. Cả tàu, người lớn tuổi nhất cũng gần 60, người trẻ nhất cũng ngoài 40, chuyên câu cá bò gù. Họ dự tính chuyến này phải tầm 30-40 con mới đủ chi phí, nếu trời thương, thì mỗi người sẽ có độ 20-30 triệu đồng cho một chuyến đi. "Nên cứ đi hết đá (đá trữ lạnh cá) là về à". Họ mới bắt được phân nửa sản lượng đã định, hành trình mới kéo dài 20 ngày, "chắc là qua Tết rồi!".

Không phải họ không có Tết. Họ vẫn có những cái Tết riêng, theo cách họ nghĩ, vẫn đón chờ những điều mới mẻ và tốt lành. Họ vẫn tới những ngôi chùa thắp hương, Trụ trì Thích Lệ Quang nói cúng xong là đảo sẽ qua chùa làm lễ. Họ vẫn cho nhau những lời chúc, vẫn có những cây quất, cành mai từ đất liền gửi tới trong những chuyến tàu cuối năm. Ở Trường Sa, đầu năm may mắn là khi biển có luồng cá lớn, là khi mà ánh mặt trời phía đông nhô lên rực rỡ mà không bị che khuất bởi cơn giông nào, là khi bữa cơm trên đảo có đông đủ thành viên.

Có bao giờ, vì Tết, mà biển lặng… ảnh 3

Trụ trì chùa Sinh Tồn Đông, Đại đức Thích Lệ Quang, tiếp khách tới thăm.

Khi chúng tôi rời Trường Sa, lại có tin gió giật, áp thấp, và những cơn mưa đến rồi đi mãnh liệt hơn. Con tàu bảo vệ Vạn Hoa 798, con tàu cho chúng tôi "quá giang" trong hành trình từ tàu lớn vào đảo Song Tử Tây, đã ở trên biển lâu tới mức chẳng ai tính ngày, và ai cũng hiểu những thuyền viên sẽ lại thêm một lần ăn Tết trên biển. Thanh Sơn, thuyền phó trẻ măng của Vạn Hoa 798, nói, năm ngoái cậu ăn Tết trên khu vực DK1, năm nay lần đầu ăn Tết trên biển Trường Sa. Nhưng nếu như trên đảo còn có thịt heo, có lá dong gói bánh, thì Vạn Hoa không có đủ điều kiện như vậy, "Sóng gió thế này làm sao gói bánh được". Anh em đã chuẩn bị mấy chiếc bánh chưng gói sẵn, để trong tủ đông, tới Tết đem ra rã đông rồi luộc. Ấy là nếu như biển không động, gió đừng giật. "Vậy là đủ rồi, bọn em quen rồi", anh thượng úy cười bừng sáng cả gương mặt. Sơn lấy vợ mấy năm, "Vợ em từ lúc bầu tới lúc con chín tháng tuổi, em chẳng chăm được ngày nào"…