Chuyển đổi số thể hiện sinh động, rõ nét

Là một trong những quốc gia sớm ban hành chương trình, chiến lược chuyển đổi số, đến nay, Việt Nam đã tạo được bước chuyển trong nhận thức và hành động về chuyển đổi số. Điều này tiếp tục được lan tỏa đến các cấp, các ngành và địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân thanh toán hóa đơn mua hàng qua smart phone tại siêu thị BRGmart, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Người dân thanh toán hóa đơn mua hàng qua smart phone tại siêu thị BRGmart, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Một trong những dẫn chứng tiêu biểu, minh chứng chuyển đổi số không chỉ là những vấn đề vĩ mô, mà được bắt nguồn từ cách giải quyết những vấn đề thiết thực của người dân trong cuộc sống hằng ngày, như mô hình ATM mềm tại tỉnh Lạng Sơn.

Câu chuyện điển hình

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, dân cư phân bố không tập trung, số lượng điểm ATM do các ngân hàng triển khai còn ít, hầu hết tập trung tại địa bàn thành phố và trung tâm huyện. Mỗi lần cần rút tiền hoặc chuyển tiền, người dân và giáo viên tại các xã, điểm trường thôn, bản phải đi qua hàng chục km đường đồi núi để ra trung tâm huyện.

Muốn "phủ sóng" các cây ATM, cần một nguồn kinh phí lớn, chưa kể là thời gian đủ dài để tiến hành xây dựng. Tuy nhiên, bằng giải pháp ATM mềm, người dân có thể dùng điện thoại di động thông minh và thực hiện một số thao tác đơn giản. Từ ứng dụng trên điện thoại của MB Bank, người dùng mở tài khoản bằng eKYC (xác thực danh tính của khách hàng dựa trên các dữ liệu thu thập được là hình ảnh, video chân dung và giấy tờ tùy thân của khách hàng, mà không cần gặp mặt trực tiếp), liên kết ngân hàng thẻ ATM của ngân hàng bất kỳ (thuộc nhóm 40 ngân hàng đã liên kết với ngân hàng MB Bank) vào ứng dụng và nạp tiền. Khi muốn rút tiền, người dùng sẽ tạo mã rút tiền tại điểm bưu điện văn hóa xã, nhân viên sẽ quét mã rút tiền, kiểm tra thông tin khách hàng và xuất tiền. Từ tháng 12/2021 đến nay, giải pháp ATM mềm đã chính thức được tỉnh Lạng Sơn đưa vào vận hành, cung cấp dịch vụ tại hàng chục điểm bưu điện văn hóa xã.

Hay như câu chuyện về Thẻ kiểm soát dịch bệnh gắn mã QR quốc gia ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến nay, 100% số dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã được cấp thẻ này. Việc quét QR trên Thẻ tại tất cả các điểm đến sẽ giúp cho cơ quan chức năng dễ dàng truy vết, thông báo và tiến hành hỗ trợ y tế ngay cho công dân trong trường hợp ca bệnh xuất hiện tại điểm trùng với điểm công dân đã đến, giúp cho công dân kiểm soát lịch trình di chuyển của bản thân trong giai đoạn dịch Covid-19.

Với Thẻ kiểm soát dịch bệnh, tính toàn dân và toàn diện của giải pháp được thể hiện rất rõ. Bởi thực tế, không phải người dân nào cũng có điện thoại di động thông minh và không phải ai có nó cũng biết sử dụng mọi tính năng. Không phải địa điểm nào cũng có internet để truy cập. Nếu trước đây, người có thiết bị này mới dùng được mã QR, thì giờ đây, mỗi người dân Thừa Thiên Huế sẽ có một mã QR quốc gia dùng được mọi lúc, mọi nơi, chỉ cần in ra và mang theo người.

Cơ hội để bứt phá, vươn lên

Thời gian qua, những chính sách, quy định mới, được ban hành kịp thời đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhiều dịch vụ thanh toán số, đưa thanh toán điện tử trở nên phổ biến.

Đến cuối năm 2022, hơn 77,41% số người dân trưởng thành tại Việt Nam đã có tài khoản thanh toán qua ngân hàng. Số liệu từ Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, đến tháng 7 năm nay, số lượng thẻ đang lưu hành đạt hơn 140 triệu thẻ, trong đó, gần 10,8 triệu thẻ được mở bằng phương thức định danh khách hàng điện tử (eKYC). Tám tháng của năm 2023 so cùng kỳ năm 2022, số lượng các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 49,71%; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng 61,43%; qua phương thức QR code tăng 112,71%; qua thẻ tăng 15,48%; qua POS tăng 23,24%.

Thương mại điện tử tiếp tục là một điểm sáng trong phát triển kinh tế số của Việt Nam. Với doanh thu bán lẻ năm 2022 là 16,4 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng hơn 20%/năm, Việt Nam được xếp vào nhóm năm quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Năm 2023, Việt Nam dự kiến sẽ đạt 20,5 tỷ USD. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) dự báo, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam sẽ lên tới 49 tỷ USD vào năm 2025. Thậm chí, Google còn dự báo, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam có thể đạt 57 tỷ USD vào năm 2025.

Thực tế cho thấy, đã và đang có những chuyển biến rõ rệt trong tiến trình xây dựng Chính phủ số, với trọng tâm là dữ liệu và dịch vụ công trực tuyến. Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được xem là một mũi đột phá của chuyển đổi số quốc gia, là hạt nhân thúc đẩy cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu, nâng cao chất lượng 53 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu. Về tài khoản định danh điện tử, Bộ Công an đã cấp hơn 45 triệu tài khoản cho người dân. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong sáu tháng đầu năm 2023, trung bình có 18 giao dịch/giây và 1,59 triệu giao dịch/ngày qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Nhìn nhận về quá trình chuyển đổi số quốc gia, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi số quốc gia đã và đang được triển khai một cách toàn diện, thực chất và hiệu quả.

Năm 2023 được Chính phủ lựa chọn là năm "Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới", nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; là bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, công cuộc chuyển đổi số quốc gia được kỳ vọng sẽ có sự đột phá trong thời gian tới, trở thành đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Dịch vụ công trực tuyến của 4.533 thủ tục hành chính đã được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và 26.198.473 hồ sơ đã được thực hiện qua Cổng dịch vụ này.

Nguồn: Cổng Dịch vụ công quốc gia, ngày 10/10/2023