Chuyện bác sĩ trẻ "mát tay" chữa bệnh khó

Từ khi tốt nghiệp Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho đến nay, bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền Nguyễn Đình Dũng đã có hơn 10 năm chữa trị cho bệnh nhân bị thoái hóa đa vị trí. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, bài thuốc anh sáng chế đã giúp không ít người thoát khỏi những cơn ho dai dẳng.
0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ Nguyễn Đình Dũng bắt mạch chữa bệnh cho một bệnh nhân. Ảnh: Phan Công Minh
Bác sĩ Nguyễn Đình Dũng bắt mạch chữa bệnh cho một bệnh nhân. Ảnh: Phan Công Minh

Chữa bằng phương pháp tác động cột sống

Nhiều bệnh nhân bị căn bệnh liên quan cột sống hành hạ bởi những cơn đau đớn triền miên, nhất là bị gai xương, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống nặng. Gặp được thầy, gặp đúng thuốc, các đợt điều trị bằng bài thuốc kết hợp với tác động cột sống của bác sĩ Nguyễn Đình Dũng (Phòng khám Đông y Diệp Sơn, hiện là Phó Trưởng Ban chuyên môn Hội Đông y quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) đã giúp họ từ giảm những cơn đau, đến hết đau và bình phục. Trường hợp chị Lê Thị P., 39 tuổi, ở phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội bị thoái hóa đốt sống cổ, gai xương đốt sống thắt lưng L1, viêm khớp cùng chậu hai bên, đau đầu, mất ngủ, tê chân tay, hạn chế vận động, cúi ngửa không được, được bác sĩ Dũng điều trị, sau một thời gian bệnh của chị đã thuyên giảm tới 90%.

Trong điều trị theo Đông y, bác sĩ Dũng kết hợp các phương pháp vừa uống thuốc, vừa tác động cột sống nhằm đạt được kết quả cao nhất. Thông thường sau khi kiểm tra cho bệnh nhân như xem mạch, xem lưỡi, xem tổn thương tại chỗ, anh sẽ đưa ra phương pháp chữa cho bệnh nhân như bốc thuốc thang sắc uống, kết hợp châm cứu, xoa bóp bấm huyệt.

Theo bác sĩ Dũng, phương pháp chữa tác động cột sống khá hữu hiệu trong điều trị các bệnh khác nhau, như bệnh về các chức năng vận động (đau lưng cấp và mạn tính, đau cổ, vai gáy, đau cánh tay, đau dây thần kinh tọa); bệnh về nội tạng (như điều hòa nhịp tim, thiểu năng động mạch vành, đau dạ dày không do vi khuẩn, rối loạn chức năng gan, hen phế quản, hen suyễn, viêm đại tràng mạn tính, rối loạn tiêu hóa…); bệnh về nội tiết và tăng sinh tế bào…

"Bằng các động tác, người tác động tạo ra một loại sóng cảm giác để cắt, hoặc giảm các phản xạ đau của người bệnh. Một khi cơ thể khỏe mạnh, bình thường cột sống không có bệnh. Khi cơ thể bạc nhược, hoặc có bệnh, biểu hiện ở trên cột sống là không bình thường (có các điểm đau). Người thầy thuốc sẽ tìm ra những điểm đau đó để giải tỏa, hay làm mất đi. Độ tinh xảo của người thầy thuốc là phát hiện nguyên nhân xuất hiện điểm đau ấy, điều hòa chức năng các tạng phủ trong cơ thể và cân bằng âm dương. Khi cân bằng được âm dương thì người bệnh hết bệnh…", anh Dũng phân tích.

Đặc biệt, những năm gần đây anh gặp không ít người trẻ mắc bệnh về xương khớp, tầm tuổi 20-30 điều trị đau xương khớp rất nhiều, trong đó nổi cộm là đau vai gáy. Bệnh gặp nhiều ở những người làm việc văn phòng như là kế toán, IT… Vì thế, bác sĩ Dũng càng mong muốn đi sâu tiếp tục nghiên cứu và chữa bệnh thoái hóa xương khớp đa vị trí này.

Cơ duyên chữa bệnh cứu người

"Ông cố gia đình tôi vốn là một vị quan giỏi chữ nho, ngày xưa cũng là một thầy thuốc nổi tiếng trong vùng. Ông còn để lại một số quyển sách y học viết bằng chữ nho, và nhờ cơ duyên ấy, tôi có thêm động lực đến với nghề y", bác sĩ Dũng bộc bạch.

Sau khi tốt nghiệp THPT, chàng trai Nguyễn Đình Dũng thi đậu ngành Sinh học, Trường đại học Quy Nhơn. Vậy nhưng, theo học được gần một năm, sức khỏe bản thân đã không được tốt, mà nhìn chung quanh anh còn thấy nhiều người thân cũng đều có bệnh: người bị đau do thoái hóa xương khớp, người bệnh về gan, người bị bệnh về phổi… Từ đấy, anh trăn trở, quyết định thi tiếp vào ngành Y dược học cổ truyền, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam với mong muốn về sau chữa bệnh cho bản thân, sau đó chữa bệnh, cứu người.

Theo nghề y, sau khi tốt nghiệp Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, trong hơn 10 năm qua (từ khi bắt đầu hành nghề cho đến ngày mở Phòng khám Đông y Diệp Sơn), bác sĩ Nguyễn Đình Dũng đã điều trị cho rất nhiều trường hợp khỏi bệnh. Theo anh, phương pháp chữa bệnh bằng tác động cột sống được đúc rút từ dân gian, từ kinh nghiệm chữa bệnh và giảng dạy của cố lương y Nguyễn Kiều (người sáng lập ra Trường Y học dân tộc Tuệ Tĩnh, nay là Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam), từ cụ Nguyễn Tham Tán (giảng viên của trường) và nhiều giáo sư, bác sĩ của Học viện.

Vừa qua, bác sĩ Nguyễn Đình Dũng được Hội Đông y Việt Nam tặng bằng khen nhờ có thành tích xuất sắc trong xây dựng, củng cố và phát triển Hội năm 2022. Chia sẻ về tôn chỉ hành nghề khám, chữa bệnh, anh nói: "Đông y không thể thiếu được quan niệm về khí huyết. Khi mình điều chỉnh khí huyết cần có sự nhập tâm, đó là dùng ý để điều khí, quán tưởng để điều chỉnh khí. Chỉ khi mình nhập tâm với tinh thần cao độ việc điều chỉnh khí mới tốt được. Luôn mang lại sự hài lòng cho người bệnh là kim chỉ nam hành nghề của tôi, và trong chữa bệnh tôi tâm niệm luôn chữa cho người bệnh bằng cả trái tim".

Bằng kinh nghiệm, sau đại dịch Covid-19, bác sĩ Nguyễn Đình Dũng chế bài thuốc cao ho cho trẻ em mà nhiều người dùng thấy hiệu nghiệm. Theo đó, thành phần bài thuốc gồm các vị từ lâu được dùng trong dân gian nhằm chữa ho cho cả người lớn và trẻ em, như: cát cánh, đông trùng hạ thảo, đẳng sâm, bách bộ, hoa đu đủ đực, lá hẹ, tô tử. Theo Đông y, tạng phế chủ về bì mao, chủ vệ khí, khi phế khí kém thì tấu lý sơ hở dẫn đến chức năng bảo vệ suy kém mà hay bị cảm mạo (hay sổ mũi, ngạt mũi, ho, viêm phế quản, viêm phổi…), nên khi tạng phế được củng cố khỏe lên thì chức năng bảo vệ được cải thiện (tăng sức đề kháng). Sự phối hợp tinh tế giữa các vị thuốc đã phát huy được công năng tính vị của dược vật, từ đó giúp hóa được đờm, cầm được ho, diệt được khuẩn. Và nhất là các vị thuốc đều đi vào kinh phế giúp chức năng của phế ngày càng tốt lên.