Chuông cửa đêm Giao thừa

Tôi đang đứng ở ban công tầng hai, chỗ tôi khá gần điểm bắn pháo hoa nên không cần phải cố gắng nhích đi đâu tôi cũng có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn màn bắn pháo hoa.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: MINH ANH
Minh họa: MINH ANH

Nhưng tôi chẳng quan tâm. Chính xác là tôi không thích. Năm ngoái tôi đã phải liếc lên một vài giây khi người ta kéo nổ phát pháo đầu tiên làm tôi giật mình sém rớt ly cà-phê. Lúc ấy, tôi đang mải nhìn qua căn nhà kia, căn nhà có cổng mầu mỡ gà đã lâu rồi chưa ai sơn lại nên đang chuyển dần sang mầu xám mù lem luốc. Có một người đàn ông sống trong căn nhà đó. Chỉ một mình. Không thấy con cháu đâu. Chẳng có ai lui tới ngoài người giúp việc nhưng giờ này họ đã về quê hay đi đâu đó, có lẽ vậy. Đã mấy ngày rồi ông ta không ra khỏi nhà. Bình thường, vào các buổi chiều tôi thấy ông dùng gậy dò đường đi dọc vỉa hè một quãng rồi đi về. Ông ta mù, chắc bạn biết. Cũng tốt, ông ta sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy tôi.

*

Tôi thuê nhà ở đây vậy là tròn một năm. Năm trước, tôi chuyển đến vào ngày 27 Tết. Chủ nhà ngạc nhiên đon đả đón tôi như rồng đến nhà tôm, dù gì thì tôi cũng chuyển đến vào thời điểm mà sinh viên và công nhân ồ ạt biến mất khỏi thành phố. Tôi căn bản là không cần gì tất, chỉ cần một chỗ như cái ban công này để nhìn ra đường, phía bên kia. Những ngày tôi mới đến đây, không khí cũng thế này. Cuộc sống chỉ là một chuỗi lặp lại, chỉ là ngày thường tôi không mấy để ý, phải đến cuối năm khi lạc giữa một thế giới rộn ràng Tết Tết nhất nhất tôi mới nhận ra cái vòng luẩn quẩn của đời sống này. Với tôi thì Tết chỉ bé bằng cái hũ dưa món. Cứ đến tháng Chạp là mẹ tôi phơi đu đủ, cà rốt, củ kiệu và mua sẵn chai nước mắm đặc biệt. Chu cha, mẹ tôi nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa cái món vớ vẩn này. Mẹ tôi không thương tôi. Tôi thường nghĩ thế. Ít nhất thì là không thương tôi bằng ba tôi. Bằng chứng là cái hũ dưa món kia, tôi có bao giờ xơ múi được tí tẹo nào đâu. Mẹ tôi làm cho ba tôi, đặc biệt dành cho ba tôi. Ngày hũ dưa món đó hết thì cũng là ngày ba tôi xuống đường quốc lộ đón xe đi làm ăn xa. Xa lắm. Và mẹ tôi chỉ chờ tháng Chạp để ủ dưa món.

Tết bây giờ người ta vẫn làm dưa món. Ở quê hay ở thành phố người ta vẫn làm dưa món. Trời, tự nhiên tôi nhớ cái mùi ải ải của củ kiệu phơi chưa héo ghê gớm. Trong những ngôi nhà dọc phố này có nhiều nhà làm dưa món, tôi đã thấy họ phơi nhiều hôm trước. Nhưng trong căn nhà đối diện ban công tôi thì không có hũ dưa món nào. Chỉ có một ông già mắt không nhìn thấy. Vậy cũng tốt, ông chẳng bao giờ nhìn thấy tôi.

*

Đêm tháng Chạp thường dài, tôi lúc nào cũng uống hết hai ly cà-phê mới đi ngủ. Càng cận Tết, cà-phê còn tăng giá lên nữa. Ban đầu, bao giờ tôi cũng thấy góc phố này thật an yên, một thứ gì đó dìu dịu lắng vào hồn. Một thứ gì đó như tôi đã từng cảm giác rất nhiều lần trước đây, khi còn nhỏ.

Năm ngoái tôi đã thấy một chuyện lạ vào đêm 30. Giao thừa tới nơi rồi, nhà nào nhà nấy trầm hương nghi ngút, mâm quả trang nghiêm cúng bái bên bàn thờ. Vậy mà từ đâu ló ra một thằng nhóc đi thển thển trên đường rồi bỗng tạt vô bấm chuông ngôi nhà ấy, ngôi nhà có người đàn ông sống một mình đêm 30 ông đang lần mò cúng kiếng ấy. Người tôi khi ấy tỉnh hẳn, có lẽ là con cháu ông ta. Nhưng thằng nhóc ấy bấm chuông xong bỏ đi chứ không có ý chờ ông già ra mở cửa. Nó tới đằng kia đứng nhìn ông già mở cửa. Tôi lao xuống, tôi ra khỏi cổng thì nó đã đi được thêm một đoạn nhưng chắc chắn là tôi không để sổng tên nhóc này. Hẳn là phải có một sự liên quan nào đó.

Thằng nhóc xanh mặt nhìn tôi, không biết vì nó ý thức được việc làm của mình hay là tại vì tôi làm nó khiếp đảm mà nó vòng tay xin tha rối rít. Nó khai là chỉ muốn nghịch một chút vì chán quá không có gì chơi. Nó hứa với tôi là từ nay sẽ không lại gần ngôi nhà đó nữa nhưng tôi bảo không, việc của mày thì mày cứ làm.

*

Tôi quay về, cũng thển thển từng bước như nó. Lâu lắm rồi, mấy chục năm về trước có một lần tôi cũng lang thang trên phố đêm Giao thừa nhưng tôi không đi một mình. “Mình về ngoại” mẹ tôi nói thế nhưng hình như mẹ tôi quên đường về nhà ngoại rồi nên cứ đạp vòng vòng qua các phố. Càng về khuya trời càng lạnh, tôi ngồi co ro trên gác ba-ga vòng tay ôm qua bụng mẹ, càng lúc càng nép vào thêm cho ấm. Chúng tôi đi qua vườn hoa thành phố, đào, mai, cúc, thược dược… nườm nượp khoe sắc nhưng mẹ tôi không dừng lại. Chúng tôi cũng đi qua rất nhiều ngôi nhà ấm cúng, hương trầm phảng phất, đèn nến bập bùng, tôi thấy người ta bày con gà cúng vàng ươm trên bàn mà không dám nói gì với mẹ. Chiếc xe kêu lọc cọc, đèn đường vàng vọt, bóng hai mẹ con tôi đổ dài trên một tường rào bỏ hoang. Đâu đâu cũng Giao thừa, cũng Tết, cũng xuân nhưng mẹ tôi hình như vẫn quên đường về nhà ngoại. Tôi nhớ nhà ngoại không phải rẽ vào ngã ba này. “Đùng đoàng, đùng đoàng…”, người ta nổ pháo, Giao thừa rồi, Tết rồi, năm mới thật rồi. Mẹ tôi giật mình loạng choạng tay lái, ngay chỗ ngoặt của ngã ba. Tôi nghe có tiếng còi ô-tô réo lên.

Sáng hôm sau, mồng Một Tết, tôi tỉnh lại trong bệnh viện biết mình không còn mẹ, không còn cái gì gọi là gia đình nữa. Tôi đã không khóc được, không nói được nhiều năm liền sau đó, cho đến khi cậu ruột tôi mang tôi sang nước ngoài sinh sống. Giờ thì tôi đã nói được vanh vách nhưng tôi vẫn không thấy mình khóc, có lẽ cuộc đời này khô khan cằn cỗi quá.

*

Tôi đã cho thằng nhóc ấy một ít tiền để nó làm cho tôi một việc. Chút nữa thôi, đồng hồ mà chỉ mười một giờ kém năm là nó sẽ bấm chuông ngôi nhà đối diện ấy và nó không được bỏ đi, nó phải đặt vào tay ông già một hũ dưa món rồi thì xong việc, muốn đi đâu làm gì tùy ý. Việc đơn giản mà thằng nhóc có vẻ rụt rè mặc dù suốt cả năm mỗi khi nó chán nó vẫn bấm chuông chọc ông già. Nó bảo nó đã nghe thấy ông già gọi tên ai đó, còn bảo đã hai lần thấy ông ta khóc và điều đó làm nó cảm động, làm nó nhớ người ba đã mất của nó. Nước mắt của một người tội lỗi cũng làm một thằng quỷ như nó cảm động cho được! Tôi không nhiều lời, tôi hỏi nó là tóm lại mày có làm không để tao tìm người khác.

Giờ thì nó đang thển thển trên đường với hũ dưa món trên tay. Tôi biết là nó sẽ bấm chuông và làm y như tôi nói. Chẳng có thứ gì mất đi, chẳng có thứ gì hao hụt, trái lại nó còn lớn lên. Cách đây mấy hôm, trước khi tôi tìm thằng nhóc, tôi đã thử xem mình có thể tha thứ được hay không khi mà chính tôi là người dắt ông ta qua đường để về nhà. Tôi đi sát bên ông ta, bây giờ thì tôi đã cao hơn ông ta đến gần cả cái đầu, hai vai tôi cũng rộng gấp rưỡi đôi vai đang run rẩy ấy. Đứng trước một người mà đáng ra bây giờ tôi phải che chở, yêu thương, kính trọng, tôi đã giả sử rằng mình có thể tha thứ nhưng không, không thể tự lừa dối hay đức hạnh giả vờ như thế được. Tôi đi tìm thằng nhóc ngay sau đó.

Không có gì phải nghi ngờ uy tín của thằng nhóc, nó làm y như tôi dặn. Nó đã đi được một đoạn khá xa, đi rất nhanh. Sau lưng nó là một ông già đứng như chết lặng với hũ dưa món trên tay, tôi thấy tay ông ta run rẩy rồi cái hũ rớt xuống, vỡ toang trên vỉa hè. Tôi biết cái mùi dưa món ấy, tôi biết lắm chứ dù đã đậy nắp nhưng chỉ đậy cầm chừng hờ hờ vậy thôi nó sẽ khiến bất cứ ai đã từng ghiền dưa món nhận ra ngay. Cái bình đã vỡ, ông ta ngồi xuống mò mẫm trên đường. Như thế đã vừa lòng tôi chưa? Vừa cái nỗi hận của thằng con này chưa? Tôi không biết chỉ thấy có cái gì đó dâng lên bóp nghẹt lồng ngực.

Có một chiếc bóng thấp thoáng trên đường. Là thằng nhóc. Nó quay lại làm gì? Tôi đã nói với nó là đưa hũ dưa món xong là hết việc, đi đâu, làm gì tùy mày nên sự xuất hiện của nó lúc này có thể nói là không phạm gì vào thỏa thuận của hai chúng tôi. Nhưng nó quay lại làm gì? Cái thằng quỷ!

Tôi đi xuống, đi nhanh hơn cả nó nhưng tôi ra tới vỉa hè thì đã thấy nó tiến lại gần ông già. Nó thấy tôi nhưng mặc kệ, tôi nghĩ thế. Tôi băng qua đường. Nó tiến lại ôm chặt lấy ông già.

“Quốc! Quốc ơi! Con của ba… Cho ba xin lỗi”.

Quốc là tên tôi. Lồng ngực tôi vỡ ra như những mảnh pháo hoa đang cháy trên bầu trời. Chúng cháy lên, bùng sáng rồi lịm vào tịch mịch u huyền của khoảnh khắc giao thời. Tôi nhìn lên, lần đầu tôi biết ngắm pháo hoa, thấy chúng lung linh nhảy nhót trong mắt. Chúng cũng làm mắt tôi cay nữa. Tôi đang khóc.

Chỉ là nước mắt thôi mà sao khó khăn đến thế, mấy chục năm rồi.

Tôi không biết là mình đã tha thứ cho ba hay vẫn chưa nhưng tôi chắc chắn là mình cần được cuộc đời này tha thứ.