Chuỗi giá trị dừa (kỳ 2)

Kỳ 2 : Tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
0:00 / 0:00
0:00
Chế biến giúp gia tăng giá trị ngành dừa.
Chế biến giúp gia tăng giá trị ngành dừa.

Cả nước hiện có hơn 850 doanh nghiệp sản xuất, chế biến với 90 sản phẩm và hơn 200 loại thực phẩm có sử dụng nguyên liệu từ cây dừa. Đặc biệt trong số này, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chế biến sâu, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu các sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thương hiệu “Made in Vietnam”

Cách đây 10 năm, nhận thấy những tiềm năng to lớn của trái dừa, ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH trái cây Mekong (huyện Châu Thành, Bến Tre) đã bắt tay vào xây dựng vùng trồng để tìm cách đưa dừa ra thế giới. Việc hình thành vùng sản xuất liên kết trực tiếp với các nông hộ ở Bến Tre không gặp nhiều trở ngại bởi nông dân mình chịu thương, chịu khó, chịu thay đổi để phát triển. Cái khó là đường dài đi xuất khẩu, làm sao để bảo quản được trái dừa giữ nguyên chất lượng trong ít nhất 60 ngày.

Trong 3-4 năm đầu, đã có hàng loạt container thử nghiệm phải hủy bỏ. Mỗi lần thất bại, một bài học lại được rút ra để đến nay, trái dừa tươi của Mekong đã bảo quản được trong... 90 ngày, tươi ngon đến tay khách hàng.

Bước ra biển lớn, cái khó tiếp theo mà Mekong phải đối mặt lại chính là dòng chữ “Made in Vietnam” trên mỗi trái dừa. “Thị trường quốc tế lâu nay đã quen với thương hiệu dừa Thailand, mình đi sau nên chỉ có thể cạnh tranh bằng chất lượng! Nhiều năm qua, công ty luôn làm việc trực tiếp với nhà vườn, kiểm soát chặt chẽ vùng trồng và cơ sở đóng gói. Tất cả các khâu trong nhà máy đều áp dụng theo đúng tiêu chuẩn mà thị trường quốc tế yêu cầu. Dòng chữ “Made in Vietnam” trên mỗi trái dừa tươi khi ra biển lớn từng là điểm yếu giờ đã trở thành lợi thế thương mại”, ông Nguyễn Dương Thuật chia sẻ.

Nỗ lực đưa dừa xiêm đi khắp các châu lục của những đơn vị như Mekong đã góp phần xây dựng, định hình thương hiệu dừa tươi Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đây là mặt hàng cao cấp hiện đang chiếm khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu ngành dừa. Đặc biệt vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cùng Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch, mở ra cơ hội to lớn cho dừa tươi Việt Nam.

Đó là câu chuyện của dừa tươi. Còn dừa khô (đang chiếm phần lớn sản lượng dừa Việt Nam) trong những năm qua cũng đã bước sang trang mới khi ngành công nghiệp chế biến được nâng tầm. Tại Bến Tre, hàng loạt doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy chế biến sâu như: Công ty Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), Công ty Chế biến dừa Lương Quới, Công ty CP Chế biến dừa Á Châu, Công ty CP Đầu tư Dừa Bến Tre (Beinco) …

Gần 40 năm gắn bó với cây dừa, doanh nhân Trần Văn Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Beinco vẫn đau đáu với mục tiêu phát triển công nghiệp chế biến. Năm 2015, ở tuổi 50, doanh nhân Trần Văn Đức bắt tay vào xây dựng Beinco để phát triển nhà máy chế biến dừa hiện đại ngang tầm thế giới tại Bến Tre.

Năm 2017 Beinco ra đời và chỉ một năm sau dây chuyền sản xuất cơm dừa sấy khô đã đi vào hoạt động. Cho đến nay, hàng loạt dòng sản phẩm mới tiếp tục được ra đời như: nước cốt dừa đóng lon, nước cốt dừa đậm đặc, creamer dừa béo đặc, dầu dừa nguyên chất, sữa dừa uống có thạch dừa, nước dừa có ga… Thị trường xuất khẩu của Beinco hiện đã mở rộng ra hơn 43 quốc gia. Đặc biệt, thương hiệu độc quyền “Delta Coco” của Beinco đã có mặt ở châu Mỹ, châu Âu, Trung Đông… đồng thời đang giao dịch trên sàn thương mại điện tử cả trong nước và nước ngoài.

“Trước đây, Thailand là nhà cung cấp chính các sản phẩm chế biến từ dừa cho thị trường châu Âu và Mỹ. Còn hiện nay, nhiều nhà nhập khẩu ở những thị trường khó tính đang chuyển hướng sang Việt Nam bởi dừa Việt Nam ngon, công nghiệp chế biến đã hiện đại ngang tầm thế giới”, Chủ tịch Beinco Trần Văn Đức chia sẻ.

Phát triển phân khúc mới định hình ngành kinh tế mũi nhọn

Là vùng nguyên liệu dừa lớn thứ hai của cả nước, những năm gần đây, Trà Vinh đã có bước đi đột phá, phát triển thêm các phân khúc mới góp phần đa dạng sản phẩm ngành dừa. Ứng dụng khoa học - kỹ thuật để tạo vùng nguyên liệu ổn định cho giống dừa đặc sản, Dừa sáp của Trà Vinh đã chinh phục được hàng loạt thị trường đòi hỏi chất lượng cao như: Nhật Bản, Mỹ, Canada. Câu chuyện được khởi nguồn từ khi Trường đại học Trà Vinh nghiên cứu, thực hiện thành công giống dừa sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi, nuôi cấy mô giúp nâng tỷ lệ đậu trái sáp lên hơn 80% thay vì chỉ đạt 20% theo phương pháp canh tác tự nhiên.

Trung bình, một ha dừa sáp cho lợi nhuận khoảng 360 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần dừa thường. Trà Vinh hiện có 1.227 ha dừa sáp, có khả năng cung ứng cho thị trường và các cơ sở chế biến hơn ba triệu trái sáp/năm. Trong số này, 70 ha đã được các nhà vườn chuyển đổi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Là đơn vị chế biến chuyên sâu các sản phẩm có nguồn gốc từ dừa sáp, ông Trần Duy Linh, Giám đốc Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè (Vicosap) xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè cho biết: Dừa sáp đã có quá trình canh tác hơn 100 năm tại Trà Vinh. Dù giá trị kinh tế cao nhưng trước đây sản lượng hạn chế nên khó phát triển. Sau khi có vùng nguyên liệu, công ty đã tập trung nghiên cứu, đầu tư công nghệ hiện đại và cho ra mắt thị trường bảy dòng sản phẩm chế biến chuyên sâu từ dừa sáp. Trong số này, dừa sáp sấy khô giòn tan là sản phẩm sấy lạnh, bảo quản lâu, giữ được trọn vẹn hương vị và 100% dinh dưỡng của trái dừa sáp tươi.

Bên cạnh dừa sáp, các sản phẩm mới từ mật hoa dừa, đường hoa dừa Trà Vinh cũng đang được thị trường trong nước, quốc tế đón nhận. Tiên phong phát triển chuyên sâu các sản phẩm từ mật hoa dừa, bà Thạch Thị Chal Thi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) cho biết: Công nghệ tiên tiến có thể giúp mật hoa dừa giữ lại được toàn bộ dinh dưỡng, mầu sắc và mùi vị. Từ năm 2023 đến nay, sản phẩm của công ty được xuất khẩu tới các nước Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản… Bên cạnh đó, chúng tôi còn phối hợp với các đơn vị lữ hành, đưa trải nghiệm thu mật, sản xuất, thưởng thức nước uống mật hoa dừa thành sản phẩm du lịch.

Xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ gắn với chế biến sâu và phát triển kinh tế du lịch của Sokfarm đã mở ra hướng đi mới, giúp tăng giá trị kinh tế cho hộ trồng dừa, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở Trà Vinh từ 3-5 lần. Anh Thạch Sa Ra, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần cho biết: Gia đình tôi có 60 cây dừa được Sokfarm chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, hằng tháng thu nhập khoảng 20 - 25 triệu đồng. Ngoài ra, vợ tôi còn làm công nhân cho công ty với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Thu nhập ổn định, gia đình đã xây được căn nhà khang trang và có điều kiện nuôi hai con ăn học.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), đến nay đã có 2.799 nhãn hiệu dừa nộp đơn xin cấp quyền sở hữu trí tuệ. Từ các nhãn hiệu riêng của công ty như Cocostar nước dừa Bến Tre, Cocodeli, coconut Ice Cream Kem hình trái dừa, Kifaco Cocosap Dừa sáp đặc sản Trà Vinh, CoCoffee Cà-phê đá dừa, Kingdo Bánh quy hương dừa, Hương lúa xóm dừa... Công tác đăng ký nhãn hiệu tập thể cũng được các địa phương rất quan tâm, như: Dừa sáp Cầu Kè Trà Vinh, Việt Nam; Dừa Tam Quan; Dừa xiêm Hoài Ân; Dầu dừa tinh khiết Hoài; Tam Quan - Bánh tráng nước dừa; Vang mật Dừa Bến Tre; Dừa xiêm Ninh Đa....

Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) cho biết, ngành dừa hiện có gần 90 sản phẩm các loại và gần 200 sản phẩm thực phẩm có sử dụng nguyên liệu dừa. Tính trên toàn quốc có khoảng 854 doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa, giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động. Trong số này, có hơn 90 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ dừa, đặc biệt có 42 doanh nghiệp đã xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu “Made in Vietnam”. Chuỗi giá trị dừa đang hội tụ đầy đủ các thành phần để có thể trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.

(Còn nữa)


Chuỗi giá trị dừa (kỳ 1)