Cho vay bất động sản dẫn dắt tăng trưởng tín dụng

Các chuyên gia nhận định, cho vay kinh doanh bất động sản sẽ tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng tín dụng, nhờ nhu cầu tái tài trợ cho trái phiếu đáo hạn và niềm tin vào sự phục hồi của thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Lãi suất cho vay mua nhà vẫn đang duy trì ở mức thấp. Ảnh: NAM ANH
Lãi suất cho vay mua nhà vẫn đang duy trì ở mức thấp. Ảnh: NAM ANH

Theo báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2025 của quỹ VinaCapital, lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 17% trong năm nay. Dự báo này dựa trên mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 15% và biên lãi ròng (NIM) được cải thiện nhẹ, tăng 0,06 điểm phần trăm so với năm trước, đạt 3,55%.

Tín dụng tăng trưởng nhờ bất động sản

Cũng theo VinaCapital, tín dụng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt, nhờ sự phục hồi của thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và nền kinh tế đang trên đà phục hồi, tín dụng dành cho cá nhân mua nhà được kỳ vọng, có thể tăng gấp đôi, từ mức khoảng 10% lên gần 20% trong năm nay.

Nêu quan điểm về bức tranh ngành ngân hàng, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings nhận định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ cho phép các tổ chức tín dụng chủ động điều chỉnh dư nợ dựa trên xếp hạng tín nhiệm và các hệ số an toàn vốn, mà không cần phải xin phê duyệt trong năm 2025.

Chính sách này không chỉ tăng tính linh hoạt cho ngân hàng mà còn giúp dòng vốn được giải ngân nhanh vào các lĩnh vực cần thiết, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân.

Trong bối cảnh đó, nhóm bất động sản khu công nghiệp được dự báo sẽ hưởng lợi nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gia tăng. Đồng thời, bất động sản dân cư cũng được kỳ vọng tăng trưởng tích cực nhờ tiến trình tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho nhiều dự án. Các ngân hàng dự kiến sẽ đẩy mạnh cung cấp vốn cho các chủ đầu tư để tăng cường nguồn cung bất động sản.

Đặc biệt, lĩnh vực năng lượng tái tạo đang trở thành điểm sáng khi Chính phủ tập trung triển khai Quy hoạch điện VIII. Bên cạnh đó, tín dụng tiêu dùng cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện mạnh mẽ nhờ nền kinh tế bước vào giai đoạn tăng trưởng mới.

Đồng tình, nhóm chuyên gia của Công ty Chứng khoán VCBS cho rằng, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 đến từ mặt bằng lãi suất thấp, tạo điều kiện thuận lợi để kích thích nhu cầu vốn. Trong đó, tín dụng bán lẻ được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh nhờ sự phát triển của các hoạt động kinh doanh, tiêu dùng và vay mua nhà, trong khi tín dụng bán buôn được kỳ vọng duy trì sự ổn định.

Cụ thể, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu khởi sắc, kéo theo sự phục hồi nhu cầu vay mua nhà từ khách hàng cá nhân. Điều này đặc biệt khả quan khi các vướng mắc pháp lý của nhiều dự án đã được tháo gỡ nhờ hiệu lực của ba bộ luật liên quan lĩnh vực bất động sản.

Đồng thời, lãi suất cho vay mua nhà vẫn đang duy trì ở mức thấp, góp phần thúc đẩy lực cầu tín dụng trong phân khúc này. Bên cạnh đó, dòng vốn cũng được định hướng chảy vào các dự án nhà ở xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển của phân khúc này.

Nhưng chủ yếu “đổ” vào nguồn cung

Tuy nhiên, đưa ra góc nhìn khác, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, tín dụng bất động sản trong năm 2025 sẽ tiếp tục tập trung vào các doanh nghiệp và chủ đầu tư, bởi cá nhân vẫn chưa thật sự mặn mà với việc vay mua nhà do giá bất động sản quá cao.

Các chuyên gia nhận định rằng, nhu cầu và tiềm năng của phân khúc cho vay mua nhà vẫn rất lớn, nhưng để kích thích nhu cầu này quay trở lại mức tăng trưởng hơn 20%/năm như trước năm 2022, cần thêm thời gian để các chủ đầu tư tháo gỡ các vướng mắc pháp lý và tăng nguồn cung nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người dân.

Tính đến ngày 25/12/2024, tổng tín dụng toàn nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 13,82%, tương ứng khoảng 15,4 triệu tỷ đồng. Mặc dù NHNN chưa công bố số liệu cụ thể về tăng trưởng tín dụng bất động sản năm 2024, với tỷ trọng chiếm khoảng 21-22% tổng dư nợ tín dụng, ước tính tín dụng bất động sản đạt khoảng 3,3-3,4 triệu tỷ đồng.

Nếu năm 2025 tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng đạt mục tiêu 16% và tỷ trọng tín dụng bất động sản giữ nguyên, quy mô tín dụng bất động sản có thể đạt 3,8-3,9 triệu tỷ đồng.

Dự báo trong năm 2025, các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tín dụng vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản để tăng cường nguồn cung trong tương lai, từ đó gián tiếp hỗ trợ nhu cầu vay mua nhà để ở và đầu tư. Tuy nhiên, một phần tín dụng có khả năng được giải ngân để tái cấu trúc nợ cho các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn tài chính, trong bối cảnh lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào giai đoạn 2025-2026.

PGS, TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cần kiểm soát chặt chẽ tín dụng phục vụ mục đích đảo nợ trái phiếu để giảm rủi ro nợ xấu. Đồng thời, cần triển khai các giải pháp hiệu quả hơn để giải quyết vấn đề vốn cho thị trường bất động sản, bảo đảm sự phát triển bền vững của lĩnh vực này.

Thực tế, theo báo cáo của VIS Rating, trong tháng 1/2025, khoảng 22% số trái phiếu đáo hạn có nguy cơ chậm trả nợ gốc, tương đương 2/9 trái phiếu, đều thuộc nhóm ngành bất động sản nhà ở. Trong cả năm 2025, ước tính có khoảng 110.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản nhà ở đáo hạn, trong đó 31.000 tỷ đồng thuộc nhóm đã từng chậm trả gốc hoặc lãi trước khi được gia hạn đến năm 2025.

Năm 2025 sẽ có 224.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, với khoảng 17% số này có nguy cơ chậm trả nợ gốc. Đáng chú ý, 94% giá trị trái phiếu rủi ro này đến từ các lĩnh vực bất động sản nhà ở và du lịch, nghỉ dưỡng.