Chủ động phòng, chống bệnh dại mùa nắng nóng

Hiện nay, thời tiết ở Tây Nguyên đang bước vào mùa nắng nóng, đây cũng là thời điểm bệnh dại do chó, mèo cắn, cào gia tăng. Vì vậy, để chủ động phòng, chống căn bệnh này, người dân cần thực hiện nghiêm túc việc quản lý đàn chó, mèo nuôi và khi bị chó, mèo cắn, cào cần có hướng xử lý vết thương đúng cách, đồng thời tiêm vaccine phòng bệnh dại càng sớm càng tốt…

Cán bộ thú y ở Đắk Lắk tiêm vaccine phòng dại cho đàn chó trên địa bàn.
Cán bộ thú y ở Đắk Lắk tiêm vaccine phòng dại cho đàn chó trên địa bàn.

Nguy cơ mắc bệnh dại cao

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong những ngày đầu tháng 6, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm một trường hợp tử vong do bệnh dại. Đó là em H.N.H sinh năm 2006, trú tại buôn Cư Mblim, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột. Theo người nhà bệnh nhân, ngày 25/5, H.N.H xuất hiện các triệu chứng sốt, mệt mỏi, ăn uống kém, sợ nước, gió. Ngày 27/5, bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị và được chẩn đoán bệnh dại lên cơn. Sau đó, bệnh nhân được người nhà xin chuyển vào Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Ngày 28/5, tình trạng bệnh không cải thiện, người nhà xin về và bệnh nhân tử vong trên đường về nhà. Cũng theo người nhà bệnh nhân, trước đó vào ngày 9/5, bệnh nhân bị mèo cắn, cào ở tay nhưng không đi tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại. Như vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận hai trường hợp tử vong do bệnh dại.

Sau khi ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong nghi do bệnh dại, CDC tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột tiếp tục giám sát ổ dịch dại trên người tại địa phương, đẩy mạnh tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh dại, đồng thời phối hợp các cơ quan liên quan có hướng xử lý kịp thời không để dịch bệnh bùng phát ra cộng đồng. Bên cạnh đó, CDC tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị Chi cục Chăn nuôi-thú y tỉnh phối hợp trong điều tra, xử lý và tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo tại buôn Cư Mblim, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột.

Phó Giám đốc CDC tỉnh Đắk Lắk, bác sĩ Lê Phúc cho biết: Trong những năm gần đây, bệnh dại trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, hằng năm đều có bệnh nhân tử vong do bệnh dại, tập trung nhiều ở một số huyện như Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Búk, Krông Pắk và M’Đrắk. Chỉ tính riêng trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 5.278 người tiêm vaccine và 722 người tiêm huyết thanh kháng dại; có bảy người tử vong vì bị chó cắn nhưng không tiêm vaccine, huyết thanh kháng dại. Còn những tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận hai trường hợp tử vong do bệnh dại và hiện nay đang bước vào mùa nắng nóng, nguy cơ bị chó, mèo cào, cắn rồi mắc bệnh dại là rất cao. Điều đáng lo ngại hiện nay là trên địa bàn toàn tỉnh có tới 17 ổ dịch dại trên động vật ở sáu huyện, thành phố gồm: huyện Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Bông, Krông Ana, Krông Năng và thành phố Buôn Ma Thuột. Đây là nguy cơ rất lớn nếu không xử lý kịp thời có thể virus dại lây lan giữa động vật với động vật, lây từ động vật sang người. 

Chủ động phòng, chống bệnh dại

Phó Giám đốc CDC tỉnh Đắk Lắk, bác sĩ Lê Phúc cho biết: Để chủ động phòng, chống bệnh dại, CDC tỉnh Đắk Lắk đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh dại giai đoạn năm 2022-2030. Hiện nay, ngành Y tế tỉnh đang triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên địa bàn, tuy nhiên, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống bệnh dại là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, các cấp, ngành và các địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc quy định về quản lý đàn chó, mèo nuôi, không thả rông chó, khi ra đường phải rọ mõm cho chó, đặc biệt người dân nên hưởng ứng tham gia việc tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo…

Ngoài ra, đối với những đối tượng nguy cơ cao như những người thường xuyên giết, mổ, tiếp xúc trực tiếp với chó, mèo nên tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại. Đối với những trường hợp người dân bị chó, mèo cắn, vồ, hoặc liếm vào vết thương hở… thì cần tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại. Trong đó, cần lưu ý, trước khi tiêm vaccine cần biết cách xử lý rửa vết thương đúng với hướng dẫn của ngành y tế bằng cách rửa vết thương ngay với xà-phòng và xả với nước sạch chảy liên tục trong thời gian khoảng 10 đến 15 phút. Nếu không có xà-phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh dại. 

Trên thực tế đã có không ít trường hợp người dân bị chó dại cắn nhưng không đi tiêm vaccine mà chữa trị bằng các bài thuốc đông y, đắp lá… đến khi lên cơn dại thì đã quá muộn và tử vong.