Chống “tẩy rửa xanh” trong kinh doanh, quảng cáo

Tại Hội nghị cấp cao lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập tháng 11 vừa qua, một báo cáo của Nhóm chuyên gia cấp cao LHQ đã nhấn mạnh đến lúc cần chấm dứt các hoạt động “tẩy rửa xanh” khi thực hiện cam kết giảm phát thải của các doanh nghiệp toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Volkswagen gian lận về khí thải đối với các dòng xe diesel của hãng. Ảnh: NEW YORK TIMES
Volkswagen gian lận về khí thải đối với các dòng xe diesel của hãng. Ảnh: NEW YORK TIMES

Liêm chính trong cam kết

Theo Reuters, “tẩy rửa xanh” là khái niệm đề cập những hành vi làm sai lệch hay bóp méo thông tin để khiến người tiêu dùng tin rằng một doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường. Đây cũng là nội dung chính của Báo cáo “Vấn đề liêm chính trong cam kết giảm phát thải ròng bằng không của các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, thành phố và khu vực”, do Nhóm chuyên gia cấp cao của LHQ về cam kết phát thải ròng về 0 của các chủ thể phi chính phủ thực hiện. Báo cáo công bố tại COP27, đã nêu ra vấn đề cho rằng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn có thể đang tiếp tay cho việc phát thải nhanh hơn, trong khi vẫn diễn ngôn mạnh mẽ về mục tiêu cắt giảm phát thải và phát triển bền vững.

Báo cáo chỉ ra rằng, các cam kết giảm phát thải về mức 0 hiện nay đều không tương thích với các hành động như khai thác nhiên liệu hóa thạch và chặt phá rừng, đồng thời cho biết các công ty tuyên bố phát thải ròng về 0 vào năm 2050 phải được thực hiện bằng hành động thực tế, đó là lập tức cắt giảm lượng khí thải chứ không phải bằng việc mua các khoản tín dụng carbon rẻ đang rao bán trên thị trường. Tại COP27, Tổng Thư ký LHQ António Guterres cũng nhấn mạnh rằng “không thể khoan nhượng đối với hành vi tẩy rửa xanh”.

Thông qua báo cáo trên, nhóm chuyên gia đã cung cấp một lộ trình để giúp các doanh nghiệp xây dựng phương thức chuyển đổi xanh thực tế hơn, giảm bớt các tuyên bố mơ hồ, không có căn cứ và ngăn chặn tình trạng “tẩy rửa xanh”. “Chúng tôi đã xây dựng trên nền tảng khoa học hiện có và cân nhắc giữa những nỗ lực tự nguyện phù hợp nhất để tạo ra một lộ trình phù hợp nhằm xây dựng giảm phát thải ròng về 0 như thế nào. Các chuyên gia cũng đề ra những nguyên tắc và khuyến nghị, tập trung vào những hành động cần được các nhà quản lý đô thị, khu vực, tập đoàn, doanh nghiệp thực hiện lập tức”, bà Catherine McKenna, trưởng nhóm chuyên gia LHQ thực hiện báo cáo cho biết.

Trước đây, từng có các vụ kiện các công ty xe hơi hoặc dầu mỏ đã quảng cáo tẩy rửa xanh hoặc không trung thực về thông tin với khách hàng của mình. Chẳng hạn, năm 2016, Ủy ban Giám sát cạnh tranh và người tiêu dùng Australia (ACCC) đã khởi kiện hãng xe hơi Volkswagen của Đức về hành vi gian lận khí thải quy mô lớn tại nước này. Hãng sản xuất ô-tô lớn nhất của Đức Volkswagen đã bị phát hiện cài phần mềm gian lận khí thải cho hơn 11 triệu xe sử dụng động cơ diesel trên toàn thế giới, ước tính riêng tại Mỹ có khoảng 600.000 xe. Hãng này thừa nhận nhiều dòng xe chạy bằng động cơ diesel của Volkswagen, Audi và Porsche được quảng cáo là thân thiện với môi trường đã được bí mật lắp các thiết bị gian lận để che giấu mức khí thải gây ô nhiễm môi trường cao hơn quy định. Năm 2021, tòa án Australia bác đơn kháng cáo của Volkswagen và quyết định vẫn phải trả khoản tiền phạt kỷ lục 125 triệu AUD (gần 84 triệu USD).

Sau này, đã có thêm nhiều quy định yêu cầu doanh nghiệp chia sẻ công khai chi tiết các kế hoạch chuyển đổi xanh, đáp ứng tất cả các mục tiêu, điều chỉnh quản trị và cơ cấu chi tiêu vốn, đầu tư nghiên cứu và phát triển kỹ năng và nguồn nhân lực..., đồng thời báo cáo công khai và chi tiết hằng năm về tiến trình chuyển đổi xanh, bao gồm cả dữ liệu phát thải khí nhà kính trong hoạt động kinh doanh, sản xuất của mình.

Mặc dù vậy, đến nay vẫn còn khác biệt quá lớn giữa diễn ngôn và hành động trong cam kết môi trường của các đơn vị kinh doanh và tổ chức. Nhiều chuyên gia cũng chỉ trích cách các công ty, bao gồm những “gã khổng lồ” như BP, ExxonMobil… đã khiến công chúng hiểu lầm rằng họ đang nỗ lực bảo vệ môi trường trong khi không có đóng góp đáng kể nào cả. Theo Reuters, một nghiên cứu khác được công bố cho thấy cả bốn công ty dầu khí lớn là BP, Chevron, ExxonMobil và Shell đã không thực hiện hành động có ý nghĩa nào để chuyển đổi sang phát thải carbon thấp trong 20 năm trở lại đây, mặc dù họ đều tung ra những chiến lược quảng cáo với các từ khóa thông dụng như “xanh” hay “năng lượng sạch”.

Theo đó, các chiến lược kinh doanh “phần nào cho thấy sự chuyển động, ít nhất là trên giấy tờ, hướng tới các mô hình năng lượng sạch và khử carbon”. Nhưng trên thực tế, không công ty nào trong số bốn công ty chuyển sang hành động cụ thể. Dữ liệu tài chính chỉ ra rằng mô hình kinh doanh của cả bốn tập đoàn vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và đầu tư không đáng kể cho năng lượng sạch.

Chống “tẩy rửa xanh” trong kinh doanh, quảng cáo ảnh 1

Nhiều nước vẫn sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ảnh: GETTY IMAGES

Hành động chống “tẩy rửa xanh”

Ngày nay, người tiêu dùng đã có hiểu biết hơn trong việc đánh giá cam kết môi trường của mỗi công ty, doanh nghiệp mà họ muốn sử dụng sản phẩm hay dịch vụ. Dù vậy, vẫn có nhiều tổ chức tự gán những từ khóa như “xanh” hay “bền vững”, “giảm phát thải” như một cơ hội tiếp thị. Để tránh tình trạng này, các cơ quan quản lý ở nhiều nước đã siết các quy định để yêu cầu các công ty phải chịu trách nhiệm với cam kết môi trường.

Tại Anh, Bộ Tài chính nước này đã thành lập một “lực lượng đặc nhiệm” chuyên phụ trách giám sát và xây dựng “tiêu chuẩn vàng” cho các kế hoạch chuyển đổi giảm phát thải ở khu vực tư nhân. Lực lượng đặc nhiệm chống tẩy rửa xanh ở Anh đã lấy ý kiến về dự thảo nhấn mạnh sự tập trung vào hành động cụ thể, ngắn hạn và đánh giá kế hoạch tài chính của doanh nghiệp. Chẳng hạn, doanh nghiệp Anh có thể sẽ cần công bố chi tiêu vốn theo kế hoạch và thực hiện các yêu cầu nghiên cứu và phát triển để bảo đảm cam kết chuyển đổi sang phát thải carbon thấp đang được thực hiện cùng với chiến lược kinh doanh của công ty đó.

Ngoài ra, giới chức quản lý tài chính Anh cũng đề xuất một số quy định mới nhằm giúp người tiêu dùng tránh hiểu lầm hoặc bị lừa thông qua hành vi tẩy rửa xanh hay các quảng cáo, chiến dịch tiếp thị được cho là thân thiện với môi trường của các doanh nghiệp. Cơ quan này cũng lên kế hoạch đề ra các quy tắc chung được xây dựng để chống hành vi tẩy rửa xanh trong việc tiếp thị sản phẩm, tăng cường thanh tra các sản phẩm quảng cáo là thân thiện môi trường và tăng cường thực thi pháp luật. Giới chức trách Anh sẽ mở cuộc tham vấn công khai về các đề xuất mới từ tháng 1/2023 và dự kiến các quy định mới sẽ được hoàn thiện vào nửa cuối năm tới.

Còn tại Australia, theo tạp chí Cosmos, ACCC gần đây đã phát động một chiến dịch rà soát các hành vi tẩy rửa xanh. Chiến dịch sẽ nhắm mục tiêu vào ít nhất 200 trang web của các công ty để xem xét những “cam kết” và yêu cầu các doanh nghiệp này chứng minh hành động của họ. Phó Chủ tịch ACCC Delia Rickard cho biết: “ACCC đang nhận thấy những lo ngại ngày càng tăng rằng một số doanh nghiệp đang quảng cáo sai thông tin về môi trường hoặc cam kết xanh của họ để lợi dụng việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Một khi chúng tôi phát hiện trường hợp đáng ngờ, chúng tôi sẽ yêu cầu các doanh nghiệp chứng minh thông tin của họ. ACCC sẽ có thể thực hiện hành động cưỡng chế khi thấy rằng người tiêu dùng đang bị lừa dối đối với các tuyên bố xanh của doanh nghiệp. Ngoài ra người tiêu dùng cũng có thể tố cáo các trường hợp gian lận mà họ biết đến ACCC”.