Khi "đoàn chiến binh sao vàng" ào ạt dâng lên
Tấn công là bài toán lớn nhất nhà cầm quân người Hàn Quốc phải giải trong suốt một năm qua, với đội tuyển Việt Nam. Năm ngoái, bước ngoặt của cả chiến dịch chinh phục AFF Cup của tuyển Việt Nam là trận hòa 0-0 trước Indonesia tại vòng bảng. Khi đó, các cầu thủ Việt Nam cầm bóng tới 70%, tung ra tới 21 pha dứt điểm trong cả trận, nhưng vẫn vô vọng trước hàng phòng ngự lùi sâu của đối thủ. Phần còn lại của giải đấu, có lẽ không cần nhắc nhiều.
Việc thắng, thậm chí thắng đậm, trước những đối thủ với lối đá "tử thủ" trở thành mục tiêu chính trong năm 2022 của HLV Park Hang-seo. Không phải đối mặt với những địch thủ ngoài tầm với như Nhật Bản, Australia hay Saudi Arabia, khi trở lại khu vực Đông Nam Á, lối đá "cửa trên" phải là tiêu chuẩn, trong bối cảnh những đối thủ của chúng ta luôn sẵn sàng "đổ bê-tông", đưa trận đấu vào thế dền dứ gây ức chế trước khi chờ đợi sai lầm của các cầu thủ áo đỏ.
Tại giải giao hữu cuối cùng trước thềm AFF Cup 2022, những kỳ vọng về hình ảnh tươi mới của tuyển Việt Nam đã xuất hiện. Sơ đồ 5-4-1 thiên về phòng ngự chặt bên phần sân nhà giờ trở thành 3-4-3, với sự chủ động trong áp đặt thế trận cùng khối phòng ngự tầm cao.
Tuấn Tài, Văn Hậu, Tấn Tài và Thanh Nhân, những cầu thủ được HLV Park xếp chơi ở hai biên, đều dâng rất cao trong hai chiến thắng trước các đối thủ Singapore và Ấn Độ. Tấn Tài, Thanh Nhân ghi bàn, trong khi Tuấn Tài, Văn Hậu đều kết nối tốt với phần còn lại. Hình ảnh đôi cánh rệu rã tại AFF Cup năm ngoái trở thành dĩ vãng.
Sự trở lại của Văn Quyết trên hàng công mang tới niềm hy vọng khác. Hai bàn thắng của thủ quân CLB Hà Nội trong lần trở lại này mang tới lựa chọn mới mẻ cho ông Park, khi sự kết hợp giữa Công Phượng và Tiến Linh dần cùn mòn. Phan Văn Đức, Nguyễn Văn Toàn cũng đã "nổ súng", để gia tăng sự đa dạng cho các phương án tìm kiếm bàn thắng.
Ở hàng tiền vệ, Hùng Dũng hay Quang Hải có 90 phút đáng nhớ trước Ấn Độ. Khuất Văn Khang, ngôi sao của đội U23 cũng đã tỏa sáng, trực tiếp khẳng định các phương án trên ghế dự bị của ông Park có dư tính đột biến. Năm ngoái, ông Park mắc kẹt khi chỉ tin tưởng các "công thần" từ giai đoạn đại thành công 2018-2019. Lúc này, nhà cầm quân người Hàn Quốc đang có thừa nhân sự để xếp hai đội hình đủ thực lực cạnh tranh nhau sòng phẳng.
Sự giải tỏa của HLV Park Hang-seo
Trước giải đấu, giới quan sát cảm nhận được rất rõ áp lực nhà cầm quân người Hàn Quốc đang phải đối mặt, khi ông Park hơi "nặng lời": "Nếu tôi không gọi cầu thủ họ yêu mến, họ trách móc tôi. Nhưng cầu thủ là do tôi chọn, kết quả thắng thua là do tôi chịu trách nhiệm, sao các anh nói nhiều thế?".
Truyền thông có lý do để không hài lòng trước "cú tấn công trực diện" này của ông Park. Nhưng không khó để hiểu phản ứng ấy. Thất bại tan nát tại Vòng loại thứ ba World Cup khiến nhà cầm quân người Hàn Quốc chịu áp lực lớn. Không ít quan điểm xuất hiện cho rằng chu kỳ thành công của ông Park với đội tuyển Việt Nam đã hết. Và có lẽ, đã đến lúc dành cho sự thay đổi. HLV Gong Oh-kyun của đội U23 được xem là phương án không tồi, với tư duy tấn công cùng sự điềm đạm lẫn niềm nở.
Chiến thắng lớn tại giải giao hữu này có thể xem là câu trả lời của ông Park trước những sự công kích: Chỉ cần thời gian, ông hoàn toàn có khả năng thay đổi diện mạo đội tuyển Việt Nam. Việc gọi lại và tìm ra cách sử dụng Văn Quyết cũng đập tan những hoài nghi về mối quan hệ không tốt giữa ông Park với cá nhân tiền vệ hay bậc nhất V-League ấy.
"Bảo thủ" là tính từ từng được áp đặt không ít lần cho HLV Park trong khoảng hai năm qua, khi lối chơi cùng nhân sự của tuyển Việt Nam dần bị đối thủ bắt bài và hóa giải. Nhưng thành công lần này đang xóa nhòa thành kiến đó. Đây cũng có thể xem là một "chiến thắng" mà HLV Park Hang-seo giành được, riêng cho mình.