Chiến lược tận dụng "kỷ nguyên vàng" của dân số

Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng (cứ hai người tuổi lao động có ≤ một phụ thuộc dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi). Các nhà nhân khẩu học tính toán, thời kỳ dân số vàng của nước ta sẽ kéo dài khoảng gần 20 năm nữa, vì vậy đòi hỏi cần có chiến lược nhằm tận dụng tối đa và kịp thời "kỷ nguyên vàng" này để bứt phá, phát triển.

Cần tận dụng thời kỳ dân số vàng để phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: THANH TRÚC
Cần tận dụng thời kỳ dân số vàng để phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: THANH TRÚC

Tăng tốc đầu tư vào vốn con người

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê và Quỹ phát triển Dân số của Liên hợp quốc, thời kỳ cơ cấu dân số vàng của Việt Nam kéo dài khoảng 33 năm, sẽ kết thúc vào năm 2039. Cùng với đó, thời gian quá độ từ già hóa dân số sang dân số già khoảng 26 năm, từ năm 2011-2036, đây là khoảng thời gian chuyển đổi rất ngắn so với các quốc gia có trình độ phát triển cao, đưa nước ta vào nhóm quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh.

Theo các chuyên gia, xu hướng già hóa dân số nhanh trong bối cảnh mức thu nhập bình quân đầu người còn thấp, đã và đang tạo ra nguy cơ đưa nước ta rơi vào tình trạng "chưa giàu đã già", nếu chúng ta không tận dụng tốt cơ hội dân số vàng, tăng tốc đầu tư vào vốn con người, vào lao động có kỹ năng.

TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, nhìn vào thực tế, mặc dù chúng ta đang trong giai đoạn dân số vàng song chất lượng lao động vẫn còn nhiều vấn đề. Trong 55 triệu lao động, chỉ 24,5% có bằng cấp chứng chỉ. Mặc dù chất lượng đào tạo nghề đã tăng 13 bậc nhưng còn khoảng cách rất xa so với các nước Đông Bắc Á và khu vực ASEAN. Trong khi đó, tỷ lệ người lao động được đào tạo trình độ đại học trở lên, nhưng làm những công việc đòi hỏi vị trí việc làm ở trình độ cao đẳng trở xuống lại tăng nhanh; trong 10 năm qua, tỷ lệ này tăng từ 2% lên đến 25%. "Đây là một trong những nguyên nhân khiến năng suất lao động của chúng ta vẫn còn rất thấp, dù tăng trưởng kinh tế khá cao trong hơn hai thập niên vừa qua. Chúng ta sẽ "hết giờ" để tranh thủ thời cơ dân số vàng và bắt kịp với các nền kinh tế mới nổi trong khu vực, nếu không tăng tốc đầu tư vào nguồn vốn con người và phát triển nhân lực có kỹ năng", ông Dũng đánh giá.

Chính vì vậy, trước mắt, cần đẩy nhanh đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động. Cần kéo dài một, hai năm nữa việc đào tạo nghề cho người thất nghiệp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, cần đặt hàng đào tạo dưới một năm để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động. Về trung và dài hạn, cần phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiệu quả và hội nhập; chú trọng nâng cao dự báo nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo, từ đó xây dựng chiến lược dài hạn. Tiếp đến, cần tăng nhanh quy mô đào tạo song song với việc tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ trong đào tạo để tối ưu hóa nguồn lực đầu tư và thích ứng bối cảnh dịch bệnh trong thời gian tới. Đặc biệt, cần đa dạng hóa nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy hợp tác công-tư (PPP), khuyến khích doanh nghiệp và khu vực tư nhân tham gia giáo dục nghề nghiệp.

Đồng quan điểm, PGS, TS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội nhìn nhận, già hóa dân số vừa là cơ hội vừa là thách thức. Để thích ứng tốt và tận dụng được lợi thế của già hóa dân số, ngay từ bây giờ với dân số trẻ buộc phải cải thiện các vấn đề liên quan như trình độ học vấn để có công ăn việc làm tốt hơn, chuẩn bị tốt để khi bước vào già hóa, họ có nguồn kinh tế, sức khỏe để quay trở lại đóng góp cho chính bản thân họ, cho gia đình, xã hội. Hiện nay, trong lĩnh vực an sinh xã hội, nước ta đang thúc đẩy mọi người tham gia bảo hiểm xã hội. Về già, người cao tuổi không có nguồn thu nhập sẽ được bù đắp bởi phần lương hưu, trợ cấp xã hội của chính phủ. Cùng đó, hệ thống y tế đã thích ứng khi có chương trình quản lý các bệnh không lây nhiễm, giúp giảm gánh nặng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Già hóa dân số nhanh

Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng từ năm 2007, được coi là cơ hội để có được lực lượng lao động trẻ dồi dào trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế 2010-2020. Tuy nhiên, mức sinh ở một số khu vực giảm xuống khiến tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, đang đặt ra nhiều thách thức.

Đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh, là đầu tàu kinh tế của cả nước, song thành phố là địa phương có mức sinh thấp nhất nước, ở mức 1,53 con/phụ nữ (năm 2020). Ths Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Dân số-Kế hoạch hóa gia đình TP Hồ Chí Minh cho biết, chỉ số già hóa (tỷ số dân số từ 60 tuổi trở lên so với dân số dưới 15 tuổi) của thành phố là 49,4%, cao hơn so số liệu của cả nước (48,8%). Do mức sinh thấp gây ra, theo ông Trung, bất lợi đầu tiên là sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu dân số, tốc độ già hóa dân số sẽ diễn ra rất nhanh. Điều này tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi, như lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chế độ chăm sóc sức khỏe… Mặt khác, là sự suy giảm về nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Điều đáng nói, Việt Nam đang đứng trước thực trạng mức sinh khác biệt đáng kể giữa các vùng, miền. Càng khu vực khó khăn, mức sinh càng cao, có nơi rất cao. Tại các đô thị, kinh tế-xã hội phát triển, mức sinh đã xuống thấp, có nơi rất thấp. Số liệu của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cho thấy, mức sinh giữa các vùng, đối tượng đang chênh lệch khá lớn. Hiện có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (tổng tỷ suất sinh-TFR ở mức dưới 2 con/phụ nữ), tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền trung. Đáng lưu ý, 20 năm qua, Đông Nam Bộ là vùng có TFR thấp nhất, luôn dưới mức sinh thay thế, như năm 2020 là 1,62 con/phụ nữ.

Thiết nghĩ, các nhà chức trách cần xây dựng chính sách để các cặp vợ chồng yên tâm sinh con và nuôi con. Bởi hiện nhiều gia đình, nhất là ở các đô thị lớn có xu hướng sinh ít con do chi phí nuôi con tốn kém, gồm giáo dục, y tế, nhà ở, vui chơi... Việc thiết kế chính sách giảm chi phí nuôi con là biện pháp hữu hiệu để khuyến khích sinh con.

Thời kỳ dân số vàng được hiểu là giai đoạn phát triển vàng của mỗi quốc gia khi tỷ lệ người lao động gấp đôi số người phụ thuộc. Chính lực lượng lao động sung sức tạo ra của cải vật chất dồi dào, là bệ phóng quan trọng giúp nhiều quốc gia vươn lên thịnh vượng.