Chặn "giặc lửa" trong mùa cao điểm

Nắng nóng kéo dài đang khiến cho nguy cơ cháy nổ gia tăng, nhất là ở các khu vực đông dân cư, nhà xưởng… Dù có nhiều biện pháp phòng ngừa, song "giặc lửa" vẫn luôn rình rập, và tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng, từ chính sự bất cẩn hay vi phạm quy định phòng chống cháy nổ của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan chức năng lắp đặt thiết bị chữa cháy tại địa bàn quận Long Biên, TP Hà Nội.
Cơ quan chức năng lắp đặt thiết bị chữa cháy tại địa bàn quận Long Biên, TP Hà Nội.

Những con số biết nói

Khảo sát của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, toàn thành phố có khoảng 70% số nhà ở dạng ống và có hàng trăm nghìn nhà ở kết hợp kinh doanh, nhưng chỉ có lối duy nhất để thoát nạn là cửa ra vào. Có một thực tế, các nhà ống trong khu dân cư, nhà ở kết hợp kinh doanh được người dân sắp xếp thiếu khoa học, chắn hết lối đi và có thể chặn lối thoát nếu chẳng may xảy ra cháy nổ. Ở nhiều gia đình, khu vực sân thượng và các cửa sổ đều được hàn kín thành các "chuồng cọp", sẽ gây rất nhiều khó khăn cho công tác dập lửa, cứu hộ và cứu nạn, người trong nhà cũng rất khó thoát ra ngoài khi có cháy. Thêm nữa, Hà Nội còn nhiều khu chợ tạm chứa nhiều hàng hóa dễ bắt lửa. Với nền nhiệt độ ở mức cao như hiện nay, nguy cơ xảy ra cháy nổ là rất lớn.

Thực tế, trong những năm qua, ở Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và của. Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, thành phố hiện có 436/5.362 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao; 159.780 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy (19.575 cơ sở phân cấp cho cơ quan Công an quản lý, 140.205 cơ sở phân cấp cho UBND cấp xã quản lý), trong đó 8.261 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Cũng theo Công an TP Hà Nội, trong 10 năm qua, trên địa bàn xảy ra 4.747 vụ cháy nổ; làm 154 người thiệt mạng, bị thương 242 người, tài sản thiệt hại ước tính 1.401 tỷ đồng, đây là những con số biết nói, buộc các cơ quan chức năng và người dân cần có biện pháp hiệu quả hơn trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Phòng, chống từ mỗi gia đình, hộ kinh doanh

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND về tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Kế hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, người lao động, vận động mỗi hộ gia đình phải có ít nhất một người tham gia lớp tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ; được trang bị ít nhất một bình chữa cháy và dụng cụ, phương tiện phục vụ phá dỡ, thoát nạn. Theo kế hoạch, thành phố sẽ duy trì, nhân rộng mô hình toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: mô hình "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy", "Điểm chữa cháy công cộng"... Các mô hình "Khu chung cư, tập thể an toàn phòng cháy, chữa cháy", "Cụm liên kết Làng nghề an toàn phòng cháy, chữa cháy"… triển khai và đưa vào hoạt động căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, hoàn thành trước ngày 15/12/2023.

Tân Mai (quận Hai Bà Trưng) là một trong những phường đang tích cực thực hiện mô hình "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy". Tham gia mô hình, người dân được huấn luyện, diễn tập về phòng cháy, chữa cháy để có kỹ năng ứng phó với tình huống khẩn cấp. Phó Chủ tịch UBND phường Tân Mai Đặng Ngọc Thắng cho biết: "Với những buổi diễn tập, người dân, chủ cửa hàng kinh doanh sẽ có thêm kiến thức phát huy hiệu quả phương châm "4 tại chỗ" trong công tác phòng cháy, chữa cháy, kịp thời xử lý ban đầu các tình huống cháy, nổ khi mới phát sinh, làm giảm thiệt hại về người và tài sản. Đồng thời, nhân đây chúng tôi kêu gọi các cá nhân, đơn vị tham gia xã hội hóa các phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại chỗ".

Trước những nỗ lực của chính quyền các cấp, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng, ngoài duy trì đội Phòng cháy, chữa cháy cơ sở, sử dụng xe máy trang bị các thiết bị di chuyển trong các ngõ ngách mà xe chữa cháy không vào được, chạy đua với thời gian xử lý sự cố nhanh nhất, thì việc thành lập các "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy" là cách làm sáng tạo, giúp nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời thực hiện hiệu quả phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ).

Có một vấn đề được các cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân nên từ bỏ tư duy "phòng trộm mà quên phòng cháy", làm sao để bản thân và người trong gia đình có thể thoát khỏi đám cháy nhanh nhất. Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội) chia sẻ: Người dân không bịt kín hoàn toàn ngôi nhà của mình mà nên chủ động mở lối thoát hiểm ở ban công hoặc khu vực tầng thượng. Trong trường hợp lắp "chuồng cọp" thì gia chủ phải thiết kế ô cửa có khóa và để chìa khóa nơi dễ lấy. Khóa này cũng phải được mở thường xuyên, phòng trường hợp khi xảy ra sự cố, do mất bình tĩnh nên không tìm thấy chìa hoặc khóa bị gỉ sét, khó mở. Còn Trung tá Nguyễn Hùng An, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an quận Ba Đình, kiến nghị: Ngoài chịu khó tham gia các buổi huấn luyện, diễn tập về phòng cháy, chữa cháy, người dân cũng cần tự trang bị các thiết bị cảnh báo cháy sớm và làm cửa thoát nạn giữa các nhà liền kề, nâng cao năng lực chữa cháy tại chỗ.

Khi mỗi người dân được trang bị kỹ năng, trang bị phương tiện cứu hỏa, cứu nạn tại gia đình sẽ góp phần hạn chế nguy cơ cháy nổ, bảo đảm an toàn cho người và tài sản của gia đình và cộng đồng.