Câu hỏi lớn với những người trẻ

Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước, gia đình, nhà trường và toàn xã hội quan tâm. Những năm qua, nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác thanh niên và giáo dục thế hệ trẻ đã được triển khai, đạt nhiều kết quả. Tuy thế, bối cảnh mới của đất nước đang đòi hỏi nhiều hơn thế, từ cả tổ chức, cộng đồng và mỗi cá nhân.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam tham dự chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản. Ảnh: Lê Thanh
Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam tham dự chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản. Ảnh: Lê Thanh

NHỮNG ngày đầu năm mới này, đọc lại bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay sau phần nói về Đảng, Người căn dặn: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết". Người nhấn mạnh: Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên".

Tiếp tục nhận thức tầm quan trọng và giá trị, ý nghĩa từ những lời dạy của Bác Hồ, ngày 24/3/2015, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030.

Chỉ thị khẳng định, hệ thống pháp luật, công tác quản lý nhà nước về thanh thiếu nhi ngày càng được hoàn thiện. Giáo dục về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ không ngừng được tăng cường và đổi mới. Các hoạt động giáo dục, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước đã tạo môi trường lành mạnh để thế hệ trẻ rèn luyện, trưởng thành, góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức cao đẹp, lối sống nghĩa tình, tuân thủ pháp luật, từng bước hoàn thiện nhân cách. Nhìn chung, thế hệ trẻ Việt Nam được giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng ngày một tốt hơn, sống có trách nhiệm với Tổ quốc, gia đình và bản thân, có ước mơ, hoài bão, kiến thức, kỹ năng, sức khỏe tốt, tư duy năng động, sáng tạo, lạc quan, tự tin, dám nghĩ, dám làm; có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế là, việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục thế hệ trẻ chưa kịp thời và hiệu quả; nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu. Vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ chưa được như mong muốn, chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay.

Thực tiễn cũng cho thấy, bên cạnh mặt tích cực, còn một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong giới trẻ diễn biến phức tạp.

Từ đòi hỏi của thực tiễn, xác định vai trò đặc biệt của giáo dục và đào tạo, từ năm 2013, một trong các vấn đề quan trọng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương là đổi mới, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ "nặng" về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục "trọng" về hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của người học; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân.

Đến ngày 28/8/2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1501/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020". Quyết định này được xem là một bước quan trọng nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 42-CT/TW.

Nội dung giáo dục toàn diện một lần nữa được khẳng định tại Kết luận số 51-KL/TW, ngày 30/5/2019, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Trong đó yêu cầu: Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Ngày 11/11/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Quyết định số 1895/QĐ-TTg ban hành Chương trình "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030".

Việc triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng và Chính phủ đã tạo nên nhiều chuyển biến tích cực trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ.

NHỮNG năm tới, tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ; mức độ toàn cầu hóa ngày càng cao. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ trẻ tiếp tục là đối tượng, mục tiêu mà các thế lực thù địch tập trung lôi kéo, kích động, chia rẽ.

Hơn lúc nào hết, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ phải được tiếp tục tăng cường và nâng cao về chất lượng, nhằm góp phần xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức trong sáng, ý thức tuân thủ pháp luật; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, tri thức, kỹ năng lao động, trở thành những công dân tốt, tích cực tham gia vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Muốn thế, tầm quan trọng của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ cần được mọi cấp, ngành, tổ chức... nhận thức đúng, đầy đủ tính cấp bách và từ đó xác định trách nhiệm, hành động để từ đó, xây dựng môi trường lành mạnh, tạo điều kiện để thế hệ trẻ học tập, rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành.

Song song với đó, hẳn mảnh ghép không thể thiếu để làm nên những kỳ tích cả trong quá khứ, hiện tại và ở phía tương lai là những suy nghĩ, hành động tự thân, là câu hỏi tự vấn của những người trẻ tuổi. Rằng, "đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay?". Người có nhân cách, có liêm sỉ, trọng danh dự, theo đuổi lý tưởng cống hiến, đặt trách nhiệm bản thân và lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết thì cho dù có thể lúc này hay lúc khác họ phải cô đơn hoặc bị thiệt thòi, thậm chí là nguy hiểm, nhưng sẽ luôn bền lòng vững chí, nỗ lực vì sự nghiệp chung. Đó cũng là tinh thần dấn thân, mà lợi thế, bao giờ cũng vậy, trước tiên thuộc về tuổi trẻ.

Qua lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, thời nào cũng có lớp lớp thế hệ với lý tưởng và trách nhiệm công dân được hun đúc, tôn bồi, làm nên nhiều chiến công, nhiều thành tựu vẻ vang, rạng rỡ non sông. Bởi biết quan tâm và khơi nguồn khát vọng trẻ.