Câu chuyện của sâm Hàn Quốc

Cũng như bò Kobe Nhật Bản, kiwi New Zealand… bằng chiến lược phát triển thương hiệu hợp lý, sản phẩm sâm Hàn Quốc đã và đang được phân phối rộng khắp đến nhiều quốc gia trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum chuẩn bị cây sâm giống đưa vào rừng trồng. Ảnh: PHÚC THẮNG
Công nhân Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum chuẩn bị cây sâm giống đưa vào rừng trồng. Ảnh: PHÚC THẮNG

Với cách tiếp cận từ nhu cầu thị trường, các nhà khoa học và doanh nghiệp Hàn Quốc đã bắt tay nhau để tạo ra nhiều dòng sản phẩm khác nhau, phục vụ đa dạng đối tượng, phân khúc khách hàng. Không chỉ người giàu mới có khả năng sử dụng. Bên cạnh sâm tươi, sâm sấy khô, các doanh nghiệp của Hàn Quốc đã chế biến sâm thành các sản phẩm đa dạng như: dạng túi, dạng cao cô đặc, sâm thái lát thường, dạng bột, dạng viên nang… và kể cả những viên kẹo, mang lại giá trị gia tăng cao.

Không chỉ quảng bá theo cách thông thường, các doanh nghiệp sản xuất nhân sâm Hàn Quốc đã liên kết với các doanh nghiệp du lịch để tổ chức các tour tham quan cơ sở trồng trọt và chế biến nhân sâm. Theo đó, gần như 100% số tour đi Hàn Quốc đều ghé các cửa hàng bán sâm, cũng có tour đi đến cả vườn trồng sâm. Khách ghé những điểm này không hẳn ai cũng mua, nhưng nếu đã mua thì giá trị hóa đơn bao giờ cũng rất lớn. Tại các cửa hàng sâm, hướng dẫn viên sẽ tập trung giới thiệu về vai trò sâm trong đời sống Hàn Quốc, người Hàn gần như sử dụng sâm hằng ngày như một nguồn dinh dưỡng cho cuộc sống bận rộn hay để phục hồi sức khỏe sau những cơn bệnh. Đặc biệt, cách tiếp thị của họ không tạo cảm giác "ép" khách phải mua sâm nên ít gây khó chịu cho du khách.

Đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, sâm được xem là một trong những biểu tượng của Hàn Quốc. Quy mô của thị trường khoảng 1.140 triệu USD đưa quốc gia này trở thành nhà phân phối sâm lớn nhất thế giới. Để thúc đẩy ngành sâm phát triển bền vững, Hàn Quốc còn có đạo luật ngành nhân sâm. Mục đích của đạo luật này là bảo vệ và nuôi dưỡng nhân sâm như một sản phẩm nông nghiệp đặc biệt; đồng thời đóng góp vào sự phát triển lành mạnh của ngành công nghiệp nhân sâm, bằng cách quy định các vấn đề cần thiết cho việc trồng trọt, sản xuất, kiểm tra,... của nhân sâm và các giống của nó.

Đối với du khách Việt Nam, đây dường như là một mặt hàng mặc định sẽ mua về dùng, hay làm quà biếu mỗi khi có dịp đến Hàn Quốc. Ông Park Mincheol - Giám đốc Tổng công ty Nhà nước phân phối Nông - Thủy sản và Thực phẩm Hàn Quốc khu vực ASEAN cho biết: Năm 2022, Việt Nam là quốc gia đứng thứ tư về lượng nhập khẩu nông sản và thực phẩm Hàn Quốc. Các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng 17%, riêng các sản phẩm sâm tăng tới 50%.

Từ câu chuyện phát triển thương hiệu sâm Hàn Quốc, chúng ta nhìn về thực trạng xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh - cây "quốc bảo" của Việt Nam đang như thế nào?

Là loài sâm được xếp vào một trong năm họ sâm đặc hữu quý hiếm, có giá trị bậc nhất của thế giới, sâm Ngọc Linh đã có vị trí nhất định ở trong nước và đã bắt đầu vươn ra khu vực và thế giới, nhưng chưa xứng tầm với vị thế và tiềm năng. Phó Cục trưởng Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Hoàng Minh Chiến cho biết: Có lợi thế lớn, nhưng sâm Ngọc Linh vẫn ở quy mô các địa phương nhỏ lẻ, chưa thể thành một chuỗi giá trị, thương hiệu. Vùng địa lý trồng sâm Ngọc Linh khi được bảo hộ kèm theo các quy định về quy trình, kỹ thuật canh tác, thu hoạch và chế biến, cùng quy chế về quản lý, sử dụng biểu trưng chỉ dẫn địa lý trên sản phẩm. Việc kiểm soát chưa hiệu quả, chế tài chưa nghiêm khắc nên chưa thể khẳng định được chất lượng đồng đều, trong khi đây vốn là yếu tố tiên quyết tạo nên thương hiệu của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Đây là rào cản lớn để phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh cả trong nước và quốc tế.

Ông Chiến cũng cho biết: Nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực, sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường nội địa và vươn ra thế giới, Bộ Công thương đang triển khai nhiều chương trình lớn về xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, dịch vụ hàng hóa của Việt Nam. Tuy vậy, đối với chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam thì sản phẩm sâm Ngọc Linh nói chung lại chưa thuộc đối tượng tham gia. Bởi tiêu chí về chủ thể đăng ký xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam phải là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam. Trong khi, sản phẩm sâm Ngọc Linh là nhãn hiệu tập thể được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong nước và quốc tế, với đặc tính ưu việt, sâm Ngọc Linh của Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để trở thành thương hiệu nổi tiếng của thế giới. Song, để làm được điều đó, có rất nhiều việc cần phải làm, với sự vào cuộc căn cơ từ chính sách, cơ chế của Nhà nước, chính quyền, sự chung tay của người dân, doanh nghiệp. Đầu tiên, phải xây dựng được quy hoạch thật bài bản, giữ được gene gốc, không du nhập giống, không lai tạo để biến đổi gene; phải bảo tồn cho được giống quý sâm Ngọc Linh. Cần xử lý nghiêm, triệt để nạn sâm giả và đội lốt sâm Ngọc Linh đang diễn ra tràn lan. Một trong những giải pháp để gia tăng giá trị cho sâm Ngọc Linh được các chuyên gia nhấn mạnh, đó là nhất thiết phải đầu tư chế biến sâu, từ sâm tươi thành các sản phẩm đa dạng phù hợp thị hiếu và mục đích khác nhau của người tiêu dùng như cách mà các doanh nghiệp Hàn Quốc đang thực hiện. Bên cạnh đó, cần tăng cường quảng bá, truyền thông để nhiều người biết các công dụng của sản phẩm đặc biệt này.