Cấp bách cần VAR

Những quyết định gây tranh cãi của trọng tài trong khuôn khổ V-League không chỉ bào mòn niềm tin của công chúng vào năng lực của những "vị vua sân cỏ", mà còn đặt ra câu hỏi về chuẩn mực trong cách hành xử khi xảy ra sai phạm, bên cạnh yêu cầu cấp thiết phải ứng dụng công nghệ trong những mùa giải tới.
0:00 / 0:00
0:00
Trọng tài Trương Hồng Vũ thổi phạt đền đội Khánh Hòa.
Trọng tài Trương Hồng Vũ thổi phạt đền đội Khánh Hòa.

Những sai lầm nối tiếp

V-League 2023 chưa bước qua một nửa chặng đường của giai đoạn 1, nhưng tranh cãi liên quan đến trọng tài một lần nữa lại dấy lên. Trong trận đấu câu lạc bộ Nam Định đón tiếp đội khách Khánh Hòa, trọng tài Trương Hồng Vũ gây bất ngờ khi cho đội chủ nhà hưởng quả phạt đền ở phút bù giờ hiệp 2. Ở tình huống này, tiền đạo đội chủ nhà Mai Xuân Quyết đã tâng bóng, rồi có pha cao chân với thủ môn Võ Ngọc Cường. Nhưng trọng tài lại dừng trận đấu rồi chỉ tay vào chấm phạt đền.

Huấn luyện viên Khánh Hòa Võ Đình Tân bức xúc: "Rõ ràng, cầu thủ chúng tôi đang đà lao ra, chưa có va chạm đã bị tiền đạo đội Nam Định đạp thẳng vào ngực. Vậy, lấy lý do gì thổi phạt đền và rút thẻ thủ môn? Ban tổ chức nên xem lại. Chúng tôi không cần trọng tài thổi có lợi, mà chỉ cần sự công bằng".

Sau sự cố này, Ban Trọng tài Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khẳng định trọng tài Trương Hồng Vũ đã đúng khi cho đội Nam Định hưởng phạt đền. Tuy nhiên, quyết định này không được giới chuyên môn đồng tình. Theo cựu giảng viên trọng tài FIFA Đoàn Phú Tấn, trọng tài đã sai bởi thủ môn của đội Khánh Hòa không có lỗi.

Ông Tấn cũng đặt dấu hỏi rằng ai đại diện cho Ban Trọng tài VFF để đưa ra phát ngôn. Lấy danh nghĩa "Ban Trọng tài VFF" để giải thích vấn đề tranh cãi cho thấy rõ việc dùng một khái niệm chung chung làm tấm lá chắn.

Nốt trầm liên quan đến đội ngũ "cầm cân nảy mực" còn xuất hiện ở trận câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh so tài với câu lạc bộ Hà Nội. Ở pha bóng mở tỷ số của đội Hà Nội, tiền đạo Lucao đã mắc lỗi việt vị, nhưng trọng tài biên Nguyễn Lâm Minh Đăng không phất cờ, đồng nghĩa bàn thắng được công nhận. Trong cuộc chạm trán giữa câu lạc bộ Hòa Bình và PVF - Công an Nhân dân ở vòng mở màn Giải hạng Nhất, trọng tài cũng từ chối bàn thắng của chủ nhà Hòa Bình do lỗi việt vị, dù pha quay chậm cho thấy đây là quyết định sai.

Công nghệ và hơn thế nữa

"Ứng xử của các thành viên Ban tổ chức giải rất thiếu chuyên nghiệp, làm xấu hình ảnh V-League nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Trọng tài Trương Hồng Vũ thổi sai, Ban Trọng tài lại bênh vực và muốn bảo vệ cái sai. Rút cuộc, Ban Trọng tài đã xem lại tình huống đó chưa? Ở thời điểm ấy, Ban tổ chức cũng một mực giữ thái độ im lặng. Với sai lầm như vậy, chúng ta cần điều chỉnh toàn diện về công tác đào tạo, quản lý và điều hành trọng tài. Và công tác này yêu cầu phải thật minh bạch", chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nhấn mạnh.

Sáng 11/4, Công văn của VFF gửi Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) thừa nhận tại một số trận đấu, công tác trọng tài đã có những sai sót ảnh hưởng đến kết quả trận đấu. Ban Chấp hành VFF cũng nêu quan điểm Ban Trọng tài cần phối hợp với Ban tổ chức giải nghiên cứu, đề xuất mời các trọng tài khu vực điều hành các trận đấu quan trọng trong giai đoạn phân tách nhóm, đồng thời phối hợp với FIFA để tổ chức đợt tập huấn lần thứ hai nhằm sớm đưa hệ thống VAR - công nghệ sử dụng video vào hỗ trợ cho công tác trọng tài.

Từ tháng 12/2022, VFF và VPF đã tổ chức tập huấn giúp các trọng tài được làm quen VAR trên hệ thống mô phỏng. Dự kiến trong tháng này, 18 trọng tài sẽ tiếp tục có đợt tập huấn công nghệ VAR, rồi có thêm hai đợt bồi dưỡng, thực hành nữa trước khi thi sát hạch để có chứng chỉ vận hành. Theo lộ trình, VAR sẽ được áp dụng ở mùa giải V-League tới, khi điều kiện về con người và thiết bị được đáp ứng.

"V-League cần có VAR, nhưng đây chỉ là sự bổ sung về mặt kỹ thuật. Quan trọng hơn cả là cách thức ứng xử và điều hành phải hợp lý. Đơn cử, khi trọng tài ở Ngoại hạng Anh mắc sai lầm dù đã có VAR, Cơ quan Quản lý trọng tài chuyên nghiệp Anh (PGMOL) đã liên hệ với đội bóng để xin lỗi. Làm như vậy, các câu lạc bộ mới không thấy ức chế. Vậy nên, có VAR chỉ là một chuyện, thay đổi cách ứng xử, làm việc, đối thoại và tư duy làm việc mới quan trọng", chuyên gia Đoàn Minh Xương bổ sung thêm.