Cần lộ trình đưa "yếu tố mới" vào viện phí mới

Dự thảo Thông tư quy định phương pháp định giá dịch vụ khám, chữa bệnh đang được Bộ Y tế xây dựng, dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2024 có nhiều điểm mới. Được đánh giá sẽ góp phần gỡ khó cho bệnh viện công, song liệu viện phí mới có lợi cho người bệnh?
0:00 / 0:00
0:00
Việc tính đúng giá dịch vụ y tế là yếu tố quan trọng để bảo đảm quyền lợi của bệnh nhân. Ảnh: Hoàng Hà
Việc tính đúng giá dịch vụ y tế là yếu tố quan trọng để bảo đảm quyền lợi của bệnh nhân. Ảnh: Hoàng Hà

Nhiều giá dịch vụ nay đã lạc hậu…

Đại diện Bộ Y tế cho biết, việc điều chỉnh giá khám, chữa bệnh dựa trên nguyên tắc phù hợp với quan hệ cung-cầu trong dịch vụ khám, chữa bệnh, khả năng chi trả của người bệnh, bảo toàn vốn và có tích lũy theo quy định của pháp luật. Đồng thời, việc điều chỉnh này còn góp phần khuyến khích các đơn vị cung ứng nâng cao chất lượng dịch vụ.

Cụ thể, giá khám, chữa bệnh được xác định bao gồm: Giá thành toàn bộ dịch vụ, lợi nhuận dự kiến (nếu có) và nghĩa vụ tài chính (nếu có). Giá thành toàn bộ dịch vụ bao gồm chi phí nhân công (chi phí thu nhập bình quân tăng thêm và chi quỹ dự phòng để ổn định thu nhập của viên chức, người lao động được kết cấu vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo quy định…); chi phí trực tiếp (chi phí thuốc, hóa chất, máu, chế phẩm, công cụ, dụng cụ; nhiên liệu điện nước, xử lý chất thải); chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định theo quy định; chi phí quản lý-tức là các chi phí gián tiếp để thực hiện dịch vụ khám, chữa bệnh (duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế, tài sản cố định; kiểm định, hiệu chuẩn tài sản; chi phí bảo vệ môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn, chi phí quản lý chất lượng; chi phí đồng phục, trang phục, bảo hộ lao động…).

Dự thảo Thông tư quy định: Tích lũy hoặc lợi nhuận (nếu có) không quá 10% tổng chi phí cấu thành giá. Các nghĩa vụ tài chính (nếu có) bao gồm: Các khoản phí, lệ phí, thuế; thuế sử dụng đất/chi phí thuê đất dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các nghĩa vụ tài chính khác.

Những điểm mới này chính là những vấn đề đã được các bệnh viện đề nghị bổ sung vào cơ cấu giá dịch vụ y tế. Theo Tiến sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, hiện nay, giá viện phí chỉ mới được cấu thành từ lương, chi phí trực tiếp để thực hiện kỹ thuật và chi phí bảo dưỡng đối với thiết bị nhà cửa; có nghĩa là chưa bao gồm chi phí để bệnh viện đầu tư cơ sở hạ tầng, chi phí quản lý điều hành các dịch vụ hỗ trợ như công nghệ thông tin, kiểm soát nhiễm khuẩn và chi phí điều hành của lãnh đạo bệnh viện,...

Trên thực tế, những bất cập về giá của các dịch vụ y tế cũng ngày càng lộ rõ ở nhiều bệnh viện công, trong đó Bệnh viện Bạch Mai (thành phố Hà Nội) là một đơn vị điển hình. Phó giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Theo khung giá hiện hành, mức phí cho một ca khám có bảo hiểm y tế là dưới 40 nghìn đồng, thấp so với mặt bằng giá chung và không đủ giữ chân nhân lực y tế.

Ông Cơ và nhiều nhà quản lý ở các bệnh viện công đều cho rằng, từ năm 2015 (thời điểm ban hành Thông tư 37 quy định mức tiền lương kết cấu vào giá dịch vụ) đến nay, mức lương cơ sở đã bốn lần được điều chỉnh theo hướng tăng lên, nhưng giá dịch vụ y tế vẫn giữ nguyên. Điều đó cho thấy, viện phí đối với người có bảo hiểm y tế đã lạc hậu.

Sau ba năm trải qua dịch Covid-19 và kể từ khi không còn cơ chế liên doanh, liên kết, không còn máy móc xã hội hóa, nguồn thu của các bệnh viện chủ yếu từ bảo hiểm y tế. Từ đây nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng thu không đủ chi, dẫn đến nhân viên y tế rời bệnh viện công sang bệnh viện tư, nơi mọi cơ chế đều thông thoáng hơn.

Bảo đảm quyền lợi của người bệnh

Trước đó, hồi tháng 7, Bộ Y tế cũng đã có đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc đưa các yếu tố mới vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh là phù hợp nhưng cần có lộ trình, bởi mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế hiện nay vẫn đang ở mức thấp. Quy định viện phí có chi phí bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của y bác sĩ cũng là điểm đáng chú ý, bởi thông thường khi chưa có quy định, việc xử lý tai biến y khoa thường theo hướng thỏa thuận có thể gây thiệt hại cho phía người bệnh.

Phía Bộ Y tế khẳng định, về tác động với người tham gia bảo hiểm y tế, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội được bảo hiểm y tế thanh toán 100% nên không bị ảnh hưởng. Nếu đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế phải đồng chi trả 20% thì với tỷ lệ tăng bình quân giá khám, chữa bệnh khi điều chỉnh tiền lương theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng là 5%. Khi tính chi phí quản lý là 4% thì phần đồng chi trả tăng thêm không nhiều và có khả năng chi trả vì thu nhập của các đối tượng cũng được tăng theo tiền lương cơ sở.

Tóm lại, việc viện phí được tính đúng, tính đủ sẽ từng bước giảm chi từ tiền túi của người dân. Tuy nhiên, một số chuyên gia nêu quan điểm, chuyện tính đúng, tính đủ là hết sức cần thiết, nhưng không có nghĩa là phải thu đúng, thu đủ đối với mọi người dân đến khám, chữa bệnh. Vì thế cần phải "phân luồng", "chia luồng" bệnh nhân. Những bệnh nhân có điều kiện kinh tế, hoàn toàn có thể chi đúng, chi đủ viện phí. Đối với các nhóm bệnh nhân còn lại, như người hưởng bảo hiểm y tế, người có công, thuộc diện chính sách, người thuộc hộ nghèo, hệ thống bệnh viện công như Bệnh viện Bạch Mai cần thực hiện an sinh xã hội, và Nhà nước cần đầu tư nguồn lực để các bệnh viện thực hiện.