Cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán

Còn vỏn vẹn ba tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối đang tăng tốc chuẩn bị cho "mùa vàng" mua sắm lớn nhất trong năm.
0:00 / 0:00
0:00
Saigon Co.op là một trong những doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường.
Saigon Co.op là một trong những doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường.

Linh hoạt phương án sản xuất, kinh doanh

Nhận định về giá cả hàng hóa dịp cuối năm, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho rằng, sẽ tăng theo quy luật thị trường, song dự báo không có tăng đột biến, bất thường.

Liên quan đến giá thịt lợn, một trong những hàng hóa tiêu thụ lớn vào dịp Tết, theo Cục Chăn nuôi, với tổng đàn lợn khoảng 29 triệu con, nên không cần lo lắng đến nguồn cung. Thêm nữa, giá thịt lợn đang bị ảnh hưởng bởi hậu Covid-19, nhiều bếp ăn tập thể cơ cấu lại do quy mô sản xuất thu hẹp, nhiều người bị thất nghiệp, thắt chặt chi tiêu. Ngoài ra, giá lợn hơi trong nước còn đang chịu sức ép từ thịt lợn nhập khẩu. Hiện nay, mối quan tâm lớn nhất vẫn là khi nào giá sẽ nhích lên, cải thiện thu nhập cho nông dân và lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Củng cố thêm nhận định từ Bộ Công thương, số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy, tính đến nay, tổng đàn lợn cả nước tăng khoảng 3,4% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng chín tháng năm 2023 ước đạt 3,6 triệu tấn. Ngoài ra, tổng số gia cầm trên cả nước tiếp tục tăng 2,9%; sản lượng trứng hơn 14 tỷ quả. Sản lượng thịt bò, sữa cũng tăng nhẹ. Với việc duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm và tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, cơ bản nguồn cung dịp cuối năm sẽ ổn định, cân đối cung cầu bảo đảm, không bị thiếu hụt thực phẩm.

Về phía doanh nghiệp, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) dự kiến cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so cùng kỳ và 3.800 tấn thực phẩm chế biến, tương đương so cùng kỳ với tổng giá trị hàng hóa đạt hơn 540 tỷ đồng trong dịp Tết Giáp Thìn. Vissan còn thực hiện dự trữ từ 10-20% sản lượng hàng hóa dự phòng trường hợp thiếu hụt hàng hóa cung ứng cho thị trường. Tổng Giám đốc Vissan Nguyễn Ngọc An cho biết, từ nay cho đến các ngày cận Tết, Vissan sẽ thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá từ 10%-20% một số sản phẩm thiết yếu vào các ngày cuối tuần.

Đối với nhà phân phối, ông Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc khối vận hành hoạt động Co.opmart kiêm Giám đốc Marketing cho hay, trong bốn tháng cuối năm, tình hình thị trường bán lẻ dự báo vẫn tiếp tục khó khăn do nguy cơ doanh nghiệp phải tăng giá hàng hóa, tác động đến sức mua của thị trường. Saigon Co.op nhận được nhiều yêu cầu tăng giá bán của các nhà cung cấp. Lý do được các nhà cung cấp đưa ra như: chi phí xăng dầu, lương công nhân, nguyên vật liệu đầu vào sản xuất,… đồng loạt tăng mạnh.

"Hiện Saigon Co.op đã cùng các nhà cung cấp giảm tối đa chi phí sản xuất để giữ ổn định giá hàng hóa trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài sẽ khó duy trì. Tuy nhiên, Saigon Co.op vẫn hy vọng thị trường bán lẻ có những điểm sáng khởi sắc với mức tăng trưởng đáng kể với hai chương trình khuyến mãi trọng điểm là "Trân trọng cảm ơn khách hàng" và "Tết Nguyên đán 2024" mà Saigon Co.op đẩy mạnh triển khai trong các tháng tới", ông Thắng cho biết thêm.

Không để xảy ra tình trạng thiếu, gián đoạn nguồn hàng

Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; đồng thời làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2024 của Chính phủ, Bộ Công thương vừa ban hành Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường.

Theo đó, Bộ Công thương đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Đối với các tập đoàn, tổng công ty, công ty sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa phục vụ Tết, cần chủ động có kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết; dự trữ vật tư, nguyên, nhiên vật liệu một cách hợp lý, tiết giảm chi phí, ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, nhằm duy trì sản xuất ổn định để bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu; thực hiện nghiêm túc quy định về dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia để cung ứng đủ, kịp thời nguồn hàng cho thị trường khi cần thiết,...

Để chuẩn bị cho mùa mua sắm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, chủ động các phương án đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao của người dân. Sở Công thương Hà Nội ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố khoảng 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so thực hiện Tết năm 2023. Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Hà Nội đang đẩy mạnh kết nối với các tỉnh, thành phố để bảo đảm nguồn cung ổn định hàng hóa thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô vào dịp cuối năm. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có kế hoạch triển khai nhiều điểm giới thiệu và bán sản phẩm của Thủ đô, đặc biệt là các sản phẩm OCOP.

Trong khi đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công thương đã phối hợp với các doanh nghiệp phân phối xây dựng kế hoạch bình ổn các mặt hàng thiết yếu để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2024. Thành phố cũng đang triển khai Chương trình Bình ổn thị trường năm 2023 - Tết Giáp Thìn năm 2024 gắn liền với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Chương trình áp dụng cho 11 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, với khoảng 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia lượng hàng bình ổn chiếm từ 23-31% nhu cầu thị trường.