Cách tiếp cận mới trong quản lý đô thị

Quá tải về dân số, dẫn đến quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội là tình trạng đang xảy ra ở nhiều đô thị, trong đó, Thủ đô Hà Nội được xem là thí dụ điển hình. Song, hiện nay, rất ít người quan tâm đến việc kiểm soát quy mô dân số, các quy định về kiểm soát dân số còn lỏng lẻo. Ở những đô thị có lực hút lao động ngoại tỉnh lớn, đây là vấn đề cấp thiết. 
0:00 / 0:00
0:00
Cần những cách làm sáng tạo trong quản lý đô thị. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Cần những cách làm sáng tạo trong quản lý đô thị. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Câu chuyện bốc thăm xin vào học trường mầm non công lập tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã tạm lắng, khi năm học mới đã bắt đầu. Dù không muốn, các hộ gia đình cũng phải thu xếp cho con cái nhập học tại một trường tư thục, hay nhóm trẻ nào đó. Chính quyền quận Hoàng Mai đang vội vã tìm biện pháp xây thêm trường mầm non. Nhưng đó là chuyện của… tương lai. Năm sau, nhiều khả năng, các phụ huynh sẽ vẫn tiếp tục phải tham gia cuộc chơi may rủi để tìm kiếm một suất học cho con qua lá thăm. Ai cũng biết, phường Hoàng Liệt là một "siêu phường", với khoảng 80 nghìn dân. Nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của những "rừng cao ốc", Hà Nội đang có nhiều phường "tiến nhanh, tiến chắc" để theo kịp phường Hoàng Liệt. Và câu chuyện bốc thăm xin học, nếu tái diễn ở một địa bàn khác, cũng không phải là điều bất ngờ.

Bốc thăm xin học chỉ là một trong nhiều câu chuyện xảy ra ở những khu vực "quá phát" về dân cư. Ngoài ra, còn vô vàn vấn đề khác như: Ùn tắc giao thông, quá tải về rác thải, ô nhiễm môi trường... Tuy nhiên, khi nói về nguyên nhân của những bất cập, phần lớn mọi người thường chỉ xoay quanh vấn đề xây dựng, quy hoạch, sự "yếu kém" trong quản lý quy hoạch và xây dựng, rất hiếm người đề cập đến việc kiểm soát dân số. Trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, yếu tố dân số được đề cập một cách mờ nhạt. Quy hoạch đưa ra dự báo đến năm 2030, quy mô dân số của Hà Nội đạt 10 triệu người. Thực tế, con số này đã lỗi thời từ lâu. Tại thời điểm Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số Hà Nội đạt 8,053 triệu người. Nhưng thành phố còn vài triệu người ngoại tỉnh sống và làm việc chưa có hộ khẩu. Nhiều chuyên gia ước tính, số người cư trú thường xuyên tại Hà Nội đạt khoảng 11 triệu người.

Như vậy, ở quy mô điểm dân cư, nhiều địa bàn Hà Nội đang "vỡ trận" về dân số. Còn tổng thể toàn thành phố, Hà Nội cũng không kiểm soát được dân số theo quy hoạch đề ra.

Nếu tính tổng thể, mật độ dân cư của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay những đô thị khác chưa phải vấn đề nghiêm trọng. Vấn đề nằm ở sự phân bố không đều. Việc "quá phát" tại nhiều địa bàn gần như là tất yếu. Ngoài sự yếu kém trong quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, còn phải tính đến một nguyên nhân khác, đó là những lỗ hổng trong hệ thống các quy định, bởi ngay cả ở những nơi đang trong tình trạng quá tải mà mật độ dân số vẫn tăng, trong khi việc quản lý, về cơ bản vẫn được xem là "đúng quy trình". Những địa bàn có quy mô, mật độ dân số quá cao luôn là những địa bàn có các khu đô thị, nhà chung cư cao tầng. Hiện nay, các quy chuẩn về xây dựng chung cư đã được ban hành khá nhiều, các quy định khá cụ thể, nhất là về mật độ xây dựng, mật độ công trình, chiều cao công trình, diện tích bãi đỗ xe... Song, trong các văn bản pháp lý về chung cư, các quy định về quản lý quy mô dân số cũng được cho là khá lỏng lẻo. Thông tư số 03/2021/TT-BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư đưa ra một cách rất chung chung: "Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố, quy định phương pháp xác định dân số trong các tòa nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế về quy mô dân số và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để áp dụng và quản lý trong địa bàn tỉnh/thành phố". Quy định này tạo ra quá nhiều "dư địa" để các địa phương có thể áp dụng. Kết quả thế nào thì ai cũng thấy rõ. Những khu đô thị, chung cư là nguyên nhân chính gây nên sự quá tải hạ tầng của nhiều khu vực.

Việc điều chỉnh quy hoạch cũng là tình trạng khá phổ biến hiện nay. Hầu như không có trường hợp điều chỉnh quy hoạch nào tăng diện tích cây xanh, diện tích công cộng mà phổ biến là tăng số căn hộ, nâng tầng. Theo quy định mới, các khu chung cư được phép xây các căn hộ có diện tích nhỏ hơn 45m2 (tỷ lệ tối đa là 25%). Điều này tất yếu một lần nữa sẽ dẫn đến việc tăng quy mô dân số. Chưa kể, các chủ đầu tư còn có những biện pháp lách luật, để tăng số lượng căn hộ được bán, hoặc cho thuê (khi số căn hộ được bán đạt giới hạn cho phép) dưới nhiều hình thức khác nhau. Kết quả cuối cùng vẫn là sự gia tăng chóng mặt, mất kiểm soát của quy mô dân số.

Việc kiểm soát quy mô dân số vừa thiếu văn bản quản lý, vừa có những kẽ hở (chính thức và không chính thức) để dân số có thể "phình ra" mà cơ bản vẫn "đúng quy trình". Từ thực tế này, nhiều chuyên gia đề xuất phải có một cách tiếp cận mới trong quản lý đô thị. Trước hết, phải xây dựng phương pháp tính dân số cụ thể hơn đối với các khu chung cư, thay vì giao cho các địa phương tự quyết định. Đồng thời, phải có ràng buộc kiểm soát chặt chẽ về quy mô dân số gắn với quy hoạch phát triển hạ tầng tại các khu đô thị mới, khu chung cư mới, theo hình thức lượng hóa, thay vì những thuyết trình đầy định tính. Tiêu chí này không chỉ bao gồm trường học, cây xanh, giao thông tĩnh…, mà còn phải tính đến cả những tuyến đường giao thông trong khu vực-yếu tố hiện nay gần như bị bỏ ngỏ. Với những đô thị có sức hút lao động từ các tỉnh về, nếu không có giải pháp, khu trung tâm, rồi khu cận trung tâm sẽ còn tiếp tục bị nhồi nhét thêm nữa. Việc xây dựng Quy hoạch dân cư tại đây là cấp thiết. Thậm chí, cần tính tới phương án có thể xây dựng quy hoạch về quy mô dân số trước, rồi cụ thể hóa bằng các công trình và các giải pháp kiểm soát tình trạng quá phát dân số.