Ngày càng tinh vi, manh động
Trong những tháng cuối năm, lực lượng chức năng Thành phố Hồ Chí Minh đã triệt phá nhiều đường dây "tín dụng đen", xử lý hàng chục đối tượng. Gần nhất, ngày 15/12, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã triệt phá ba nhóm hoạt động cho vay lãi nặng với lãi suất lên đến 900%/năm. Theo Trung tá Nguyễn Thành Hưng, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2023 đến nay, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện 219 vụ với hơn 350 đối tượng; khởi tố 81 vụ án, 217 bị can là các đối tượng "cưỡng đoạt tài sản", "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".
Tại Hà Nội, chỉ trong hai tháng vừa qua, Công an thành phố Hà Nội đã xử lý hàng chục đối tượng vi phạm pháp luật liên quan hoạt động cho vay với lãi suất cao. Ở các tỉnh, thành phố, những nơi tập trung nhiều công nhân, lao động, tình trạng này cũng diễn ra hết sức phức tạp. Các đối tượng xấu tìm đủ cách tiếp cận người vay, đặc biệt người nghèo, thanh niên cần tiền tiêu dùng thông qua các app trên mạng xã hội. Nhiều nạn nhân "dính bẫy" kẻ xấu, ban đầu chỉ vay số tiền nhỏ, sau đó lãi mẹ đẻ lãi con, cuộc sống vốn đã khó khăn càng thêm khó khăn. Khi người vay không đủ khả năng trả nợ, các đối tượng gọi điện đe dọa, chửi bới khách hàng yêu cầu phải trả tiền. Một số còn dọa nạt, bôi nhọ bằng cách đưa hình ảnh của người vay lên mạng xã hội. Manh động hơn, có đối tượng ném chất thải, mang xăng đến nhà người vay uy hiếp để đòi nợ. Thượng tá Bùi Đức Tài, Phó Cục trưởng Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết, hoạt động "tín dụng đen" ngày càng phức tạp, tinh vi. Qua đấu tranh triệt phá, cơ quan công an đã phát hiện một số đối tượng là người nước ngoài, có nhiều đường dây liên tỉnh, gây khó khăn trong công tác xử lý.
Giải pháp từ các nguồn tín dụng sạch
Hoạt động "tín dụng đen", mạo danh ngân hàng và công ty tài chính khiến thị trường tài chính nhiễu loạn, làm người dân không phân biệt được đâu là hoạt động lừa đảo, đâu là công ty tài chính được cấp phép. Theo Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát Hình sự, để ngăn chặn hiệu quả hoạt động cho vay nặng lãi, ngoài nỗ lực của ngành Công an, cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị theo tinh thần Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ Về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Đồng thời, người dân cần thận trọng với các lời mời chào hấp dẫn, bởi đó có thể là cái bẫy mà kẻ xấu đã "bài binh bố trận". Khi bắt buộc phải vay nợ, người vay cần tìm hiểu rõ về tổ chức và cá nhân cho vay, có giao kết rõ ràng, đồng thời thực hiện nghĩa vụ trả nợ đầy đủ. Khi bị đòi nợ theo kiểu tấn công, đe dọa cần báo ngay cho cơ quan chức năng.
Luật sư Phạm Chính Tâm, Công ty Luật Legal Max cho rằng, để chặn dần "tín dụng đen", một trong những giải pháp hữu hiệu là tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân thông qua các tổ chức tín dụng đã được cấp phép. Theo đó, nên cải tiến quy trình, rút gọn thủ tục cho vay. Các tổ chức tín dụng cần đa dạng hình thức, phương thức cho vay; mở rộng hình thức cho vay tín chấp thông qua các hội đoàn, tổ chức chính trị-xã hội. Đồng thời, khuyến khích người dân khiếu nại, tố cáo đối với các trường hợp cho vay trái pháp luật.
Thời gian qua, không ít tổ chức tín dụng, cơ quan chức năng đã thực hiện các giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người lao động, doanh nghiệp, đặc biệt là các nhu cầu phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, hiệu quả chưa được như mong muốn. Chẳng hạn như việc triển khai gói tín dụng 20.000 tỷ đồng cho công nhân theo thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và một số công ty tài chính, đến nay, hiệu quả vẫn còn hạn chế. Theo nhận định của cơ quan chức năng, công nhân, người lao động chưa nắm rõ thông tin về gói vay ưu đãi này, trong khi các doanh nghiệp, công đoàn cơ sở, công đoàn các khu công nghiệp chưa thật sự chú trọng truyền thông, phổ biến gói vay; tình trạng thất nghiệp, mất việc làm tăng cao ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của người lao động…
Để mở rộng kênh tín dụng chính thức, tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, ngày 28/6/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Thông tư đã bổ sung một mục riêng quy định cụ thể về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và sửa đổi, bổ sung một số điều khoản khác để phù hợp hình thức cho vay này, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho tổ chức tín dụng trong việc triển khai hoạt động bằng phương tiện điện tử.