Bước lùi nguy hiểm

Theo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), mức độ bao phủ tiêm chủng đã giảm ở 112 quốc gia trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua. Đây là bước thụt lùi lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng toàn cầu 30 năm qua.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: PARESH NATH
Biếm họa: PARESH NATH

Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2023, do UNICEF công bố tuần trước cho biết: Trong giai đoạn 2019-2021, khoảng 67 triệu trẻ em trên toàn thế giới đã bỏ lỡ ít nhất một mũi tiêm chủng thiết yếu định kỳ. Gần một nửa số trẻ trong đó sống ở lục địa châu Phi. Theo UNICEF, nguyên nhân không chỉ là tình trạng gián đoạn do đại dịch và xung đột, mà còn là sự giảm sút niềm tin đối với vaccine, chủ yếu do thông tin sai lệch.

Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell nhận định: Ngay khi đại dịch bùng phát, các nhà khoa học đã nhanh chóng phát triển vaccine. Tuy nhiên, thành tựu này đã bị phủ bóng bằng nỗi sợ hãi và thông tin sai lệch về vaccine, vốn lan truyền nhanh không kém tốc độ lây nhiễm của virus.

Theo báo cáo, nhận thức của người dân về tầm quan trọng của vaccine dành cho trẻ em đã giảm mạnh ở 52 trong tổng số 55 quốc gia được khảo sát. Nhóm người dưới 35 tuổi và phụ nữ có xu hướng ít tin tưởng nhất. Ngoài thông tin sai lệch về vaccine lan truyền nhanh và rộng, còn có các yếu tố khác như niềm tin chuyên môn giảm, hay phân cực chính trị nới rộng. Sự kết hợp các yếu tố tiêu cực này khiến tâm lý do dự tiêm vaccine tăng lên.

Trong khi đó, theo số liệu của UNICEF, số ca mắc bệnh sởi trên toàn cầu năm 2022 tăng gấp đôi con số của năm 2021; số trẻ em bị bại liệt cũng tăng 16%. Nếu tính cả giai đoạn 2019-2021, số trẻ bị bại liệt cao gấp tám lần so khoảng thời gian ba năm trước đó.

UNICEF cảnh báo rằng, những trẻ được sinh ra ngay trước hoặc trong giai đoạn đại dịch đã bước qua “độ tuổi vàng” về tiêm vaccine ngừa bệnh. Sự chậm trễ được tiêm phòng có thể làm bùng phát dịch bệnh chết người, vốn có thể được phòng ngừa bằng vaccine. Theo bà Russell, không thể để niềm tin vào tiêm chủng bị biến thành “nạn nhân” của đại dịch.

Để đảo chiều bước thụt lùi nguy hiểm về tiêm chủng định kỳ, UNICEF kêu gọi các quốc gia nỗ lực khôi phục niềm tin về vaccine, tăng cường năng lực hệ thống y tế và các nguồn lực phục vụ chương trình tiêm phòng.