Bước lùi đáng tiếc

Ngày 14/11, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), phụ nữ đi làm có mức thu nhập thấp hơn đồng nghiệp nam tới 13%. Đây là bước thụt lùi đáng kể trong quá trình cải thiện cuộc sống và thu nhập cho phụ nữ EU.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: RODRIGO
Biếm họa: RODRIGO

Trong tuyên bố, EC đã chỉ ra tình trạng bất bình đẳng thu nhập, khi cứ mỗi euro nam giới kiếm được thì đồng nghiệp nữ chỉ nhận về 0,87 euro. Nói cách khác, nữ giới phải làm việc nhiều ngày hơn trong năm so nam giới để đạt được mức thu nhập ngang bằng. Đó là lý do tại sao ngày 15/11 được chọn là Ngày bình đẳng lương của năm nay - đại diện cho thời điểm phụ nữ bắt đầu phải làm việc cho đến hết năm mới đạt được thu nhập mà nam giới đã nhận được trong cùng năm.

Các ủy viên EU, bà Vera Jourova phụ trách về các giá trị và bà Helena Dalli phụ trách về bình đẳng đều cho rằng, Ngày bình đẳng lương là lời nhắc nhở EU cần tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách về lương giữa hai giới. Hai quan chức này khẳng định, việc trả lương như nhau cho cùng một công việc hoặc công việc có giá trị ngang nhau là một trong những nguyên tắc nền tảng của EU. Hai quan chức này lưu ý rằng khoảng cách về lương giữa hai giới trong năm 2023 cơ bản vẫn giống như hai năm trước đó. Năm nay, 27 quốc gia thành viên EU đã thông qua luật nhằm thu hẹp khoảng cách về thu nhập theo giới tính, nhưng một số nước vẫn chưa đưa nội dung này vào quy chế quốc gia.

Theo kết quả thăm dò do công ty thu thập thông tin xã hội toàn cầu YouGov vừa công bố, gần 75% nữ giới tại Đức cho rằng, họ không có cơ hội bình đẳng với nam giới, nhất là tại nơi làm việc. Mặc dù bất bình đẳng giới về thu nhập tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã được thu hẹp trong những thập kỷ gần đây, nhưng theo Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis), mức lương trung bình của phụ nữ Đức vào năm 2022 là 4,31 euro/giờ, tức thấp hơn 18% so nam giới. Bộ trưởng Lao động và Xã hội Đức Hubertus Heil cho rằng: “Tốc độ xóa bỏ khoảng cách về lương giữa nữ giới và nam giới đang quá chậm. Công việc giống nhau xứng đáng được trả lương bằng nhau”.