Bịt lỗ hổng trong quản lý đất công

Tình trạng lấn chiếm đất công, sử dụng đất sai mục đích diễn ra kéo dài tại nhiều địa phương ở Thủ đô Hà Nội, gây nhiều bức xúc, thậm chí tạo nên điểm nóng trong dư luận xã hội. Buông lỏng quản lý, thờ ơ trước những sai phạm, không loại trừ cả sự tiếp tay, thông đồng với một số cá nhân, là nguyên nhân của tình trạng đáng báo động này.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) phối hợp xử lý vi phạm tại tổ 36, phường Ngọc Thụy.
Lực lượng chức năng phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) phối hợp xử lý vi phạm tại tổ 36, phường Ngọc Thụy.

Tràn lan sai phạm

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, tình trạng lấn chiếm đất công, sử dụng đất sai xảy ra từ cả nội thành đến ngoại thành, như tại các quận Đống Đa, Nam Từ Liêm, Long Biên, các huyện Thanh Trì, Phú Xuyên, Thường Tín...

Ở Nam Từ Liêm phải kể đến tình trạng sân bóng hoạt động trái phép tại khu đô thị Xuân Phương, cạnh đường Trịnh Văn Bô (phường Xuân Phương). Từ mấy năm qua đã xuất hiện sân bóng đá, được phủ thảm cỏ nhân tạo, chia ra làm nhiều khu với các sân lớn, nhỏ rồi cho thuê lại. Nhiều người dân sống gần đây cho rằng, sân bóng hoạt động trái phép trên đất dự án thu về khoản lợi cho các cá nhân, gây thất thu ngân sách nhà nước. Ngoài ra, các hoạt động này tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự, và an toàn phòng cháy, chữa cháy, cần phải được xử lý, tháo dỡ. Anh Lê Khuyến, người dân sống tại Khu đô thị Xuân Phương, nhấn mạnh: "Sân bóng hoạt động trái phép, gây lộn xộn, ồn ào trong khu dân cư. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm, phá dỡ hẳn, không nên phá dỡ một phần rồi cho tồn tại".

Tương tự, Long Biên là địa bàn xảy ra không ít vụ vi phạm lĩnh vực đất đai. Cụ thể, tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), hàng chục năm qua vấn đề lấn chiếm đất, sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích chưa bao giờ "hạ nhiệt". Tại tổ 35, 36 phường Ngọc Thụy, hàng trăm hộ ngang nhiên vi phạm nhiều năm, quây tôn, xây công trình kiên cố, lập trang trại để tổ chức cho thuê ăn nhậu, hát karaoke, gây mất trật tự đô thị. Mặc dù đã có yêu cầu tự tháo dỡ từ phía cơ quan chức năng song nhiều hộ vẫn chưa chấp hành. Nghiêm trọng hơn, tại khu vực bãi bồi sông Hồng nhiều đối tượng san lấp mặt bằng, giao dịch chui, tiến hành mua bán, chuyển nhượng trái phép bằng giấy tờ viết tay, không thông qua chính quyền, các cơ quan chức năng.

Bà Bùi Thị Nga (tổ 35, phường Ngọc Thụy), chia sẻ: "Trước đây khu đất bồi ven sông được trồng cấy. Hai chục năm qua, nhiều người đến mua bán, trao đổi và nay có người thì biến thành khu giải trí, khu du lịch, cho thanh niên thuê, tụ tập hát hò. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng, nhưng có đợt sau khi giải tỏa, người ta lại tụ tập, hát đêm. Vừa rồi, có một đợt giải tỏa, nhưng nhiều công trình vẫn tồn tại".

Tại các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Trì… tình trạng xây dựng trái phép công trình trên đất nông nghiệp, biến đất công thành đất "của ông" gây bức xúc trong nhân dân, diễn ra trong nhiều năm. Trong đó, có thời điểm tại xã Sơn Hà (huyện Phú Xuyên) số hộ vi phạm lĩnh vực đất đai lên đến hơn 1.000 trường hợp. Tại xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), tình trạng lấn chiếm hành lang sông Nhuệ diễn ra nhức nhối và có đến hàng chục hộ đã được cấp sổ đỏ, khiến cho các đơn vị chuyên môn… chưa biết xử lý ra sao. Có thời điểm, dư luận vào cuộc quyết liệt, lực lượng chức năng phá dỡ phần trước nhà thì các hộ lại cơi nới, lấn chiếm phần sau nhà. Và đến nay, đoạn sông Nhuệ chảy qua xã Tả Thanh Oai vẫn… "tắc"!

Quyết liệt và triệt để trong xử lý vi phạm

Theo Quyết định số 4704/QĐ-UBND ngày 5/9/2017 của UBND quận Nam Từ Liêm, giao Trung tâm phát triển quỹ đất quận, triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng, san nền sơ bộ khu đất 49,1 ha để đấu giá. Quận Nam Từ Liêm cũng giao Trung tâm quỹ đất quận thực hiện việc lắp dựng hàng rào tôn chống lấn chiếm, đổ phế thải. Nhưng khu đất này lại "mọc" lên hai sân bóng (một sân tháo dỡ năm 2022). Phóng viên Nhân Dân cuối tuần đã gửi công văn, đặt lịch làm việc với lãnh đạo quận Nam Từ Liêm. Qua điện thoại, ông Phạm Hồng Thắng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Nam Từ Liêm, khẳng định, từ trước Tết Nguyên đán Quý Mão, sân bóng này đã không hoạt động. Trước hình ảnh mà phóng viên đưa ra, chứng minh đến ngày 26/2/2023 sân bóng vẫn còn hoạt động, ông Thắng đã tham mưu lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm trả lời Nhân Dân cuối tuần. Ngày 2/3/2023, Nhân Dân cuối tuần nhận được Văn bản số 470/UBND-TNMT của UBND quận Nam Từ Liêm, về việc xử lý đối với sân bóng trái phép trên đất dự án Nhà văn hóa quận Nam Từ Liêm thuộc khu đô thị Xuân Phương.

Tuy nhiên, Văn bản số 470 của UBND quận Nam Từ Liêm còn chung chung, không có lý giải về thời gian cũng như biện pháp xử lý sai phạm. Văn bản này cũng hiển thị, năm 2022 quận Nam Từ Liêm đã ban hành nhiều văn bản nhằm rà soát, xử lý vi phạm. Gần nhất là Văn bản số 2288/UBND-TNMT ngày 22/8/2022, với phương án vận động người dân tự tháo dỡ. Như vậy, đối tượng xây dựng sân bóng trái phép đã không chấp hành Văn bản số 2288/UBND-TNMT của UBND quận Nam Từ Liêm (từ ngày 22/8/2022 đến ngày 26/2/2023 là hơn nửa năm đã trôi qua). Phải chăng cơ quan chức năng đã không xử lý dứt điểm sai phạm, buông lỏng, để sân bóng ngang nhiên hoạt động trước sự bức xúc của nhiều người dân?

Thêm nữa, ngày 3/3/2023, UBND quận Nam Từ Liêm ban hành Văn bản số 493/UBND-TNMT về việc điều động lực lượng phối hợp và hỗ trợ thực hiện Kế hoạch cưỡng chế công trình vi phạm đất đai tại phường Xuân Phương, trong đó có sân bóng đá trái phép. Qua điện thoại, ông Thắng cho biết, lực lượng chức năng của quận và các đơn vị phối hợp sẽ cưỡng chế vào ngày 8/3. Như vậy, điều này hoàn toàn trái ngược với những gì trước đó ông Thắng đã trả lời phóng viên!?

Tại Long Biên, tiếp nhận phản ánh của phóng viên, sáng 3/3, tại khu bãi bồi ven sông Hồng, (vị trí ngõ 339 phố Bắc Cầu đi vào, thuộc tổ 36 phường Ngọc Thụy), lực lượng chức năng đã tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ các công trình vi phạm. Ông Hoàng Văn Lực, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy trực tiếp chỉ đạo việc tháo dỡ, vận động người dân tự phá dỡ các công trình vi phạm, chia sẻ: Vấn đề lấn chiếm đất, sử dụng đất sai mục đích tại địa bàn diễn ra nhiều năm, có hiện tượng "bảo kê" trong việc dựng lều lán, nhà tạm. Chúng tôi cố gắng làm nghiêm, xử lý các vi phạm. "Cũng phải nói thêm, lực lượng của phường mỏng, chúng tôi phải căng mình để quản lý khu bãi giữa, vốn rất phức tạp. Để đến được đó, chúng tôi phải đi vòng qua ngõ 76 An Dương (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ)", ông Lực nhấn mạnh.

Làm việc với lãnh đạo UBND quận Long Biên, chúng tôi được biết, từ ngày 8/4/2020, UBND quận Long Biên ban hành Kế hoạch 139/KH-UBND về việc tổ chức khắc phục các vi phạm theo Kết luận số 316/KL-STNMT-TTr ngày 25/2/2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Theo kết luận này, toàn quận Long Biên có tới 359 trường hợp vi phạm trước năm 2014. Tuy nhiên, việc kéo dài do tính chất vi phạm trong lĩnh vực đất đai phức tạp, nhiều trường hợp chây ỳ không hợp tác; khu vực vùng bãi tại một số phường có diện tích đất công, đất nông nghiệp lớn. Để tình trạng đất công bị lấn chiếm là do một số cấp ủy cơ sở, lãnh đạo phường, cơ quan đơn vị quận có thời điểm chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, thiếu sâu sát, thiếu quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; chưa phối hợp tốt với phường để hướng dẫn xử lý vi phạm, đặc biệt là các vi phạm trong thời gian dài.

Từ ngày 26/7/2022, Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà đã có Kế hoạch số 320/KH-UBND, chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn tích cực quản lý đất công, xử lý những trường hợp vi phạm và triển khai các biện pháp ngăn chặn trường hợp vi phạm mới.

Trước đó, ngày 30/12/2020, Quận ủy Long Biên ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/QU nhằm huy động sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị quận và các phường; nhất là vai trò của cấp ủy chi bộ, tổ dân phố, cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia giám sát và phát hiện các hành vi vi phạm trong công tác quản lý đất công, đất nông nghiệp; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các kết luận thanh tra, kiểm tra…

Trong thời buổi "tấc đất tấc vàng", nhiều đối tượng không từ thủ đoạn nào để tìm mọi cách móc ngoặc, lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích, thu lợi bất chính. Việc siết chặt quản lý đất công, quy trách nhiệm cụ thể cho đội ngũ cán bộ chuyên trách và có hình thức xử lý thực chất, triệt để các sai phạm sẽ là giải pháp hiệu quả tránh thất thoát tài sản của nhà nước.

Từ ngày 14/1/2014, UBND TP Hà Nội ban hành Chỉ thị 04/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn thành phố. Theo đó, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn; về các trường hợp vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật. UBND thành phố xem xét trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã trong các trường hợp tiếp tục để xảy ra vi phạm, không xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm.