Trong quá khứ, giá vàng từng trải qua nhiều “cơn sốt”. Lần nào, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng phải can thiệp. Giai đoạn 2009-2011, vàng trong nước từng tăng vọt từ 19 lên 49 triệu đồng/lượng, trước khi lao dốc, chạm đáy vào năm 2014 ở mức 35 triệu đồng/lượng. Suốt 5 năm sau đó, vàng dao động quanh 34-36 triệu đồng/lượng, một phần do giá vàng thế giới giảm và chính sách “chống vàng hóa” của NHNN với dấu mốc quan trọng là Nghị định 24.
Hệ lụy từ chính sách cũ
Từ năm 2020, thị trường vàng liên tục chứng kiến những đợt biến động mạnh do tác động từ các yếu tố toàn cầu. Đại dịch Covid-19 khiến vàng trở thành kênh trú ẩn an toàn, đẩy giá lên mức kỷ lục 60,32 triệu đồng/lượng.
Đến năm 2022, ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine tiếp tục làm giá vàng tăng lên 66-67 triệu đồng/lượng, tạo ra chênh lệch lớn với giá thế giới. Năm 2023, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ, nhu cầu vàng suy yếu, nhưng đến đầu 2024, giá vàng lại bật tăng mạnh, từ 70 triệu lên 92 triệu đồng/lượng vào tháng 5.
Trước diễn biến này, Chính phủ chỉ đạo kiểm soát chặt thị trường, yêu cầu NHNN tổ chức đấu thầu vàng miếng và bán trực tiếp qua hệ thống ngân hàng thương mại nhằm hạ nhiệt giá. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ mang tính tạm thời. Đầu năm 2025, giá vàng tiếp tục lập đỉnh mới, từ 84 triệu lên 100,9 triệu đồng/lượng chỉ trong chưa đầy 3 tháng, cho thấy những bất ổn vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Ông Đinh Nho Bảng, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, trong hơn một thập kỷ qua, Nghị định 24 dù đã góp phần ổn định thị trường nhưng cần được điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới.
Ông Bảng nhận định, thị trường vàng hiện nay có sự biến động không ngừng và thay đổi hằng ngày, điều này khiến người tiêu dùng phải điều chỉnh thói quen đầu tư và mua bán của mình. Trước đây, nhu cầu tiêu thụ vàng ở Việt Nam chủ yếu dao động từ 40-50 tấn mỗi năm và có thời điểm cao nhất đạt khoảng 60 tấn. Tuy nhiên, nhận định về thói quen của người tiêu dùng, ông Bảng có cách nhìn hơi khác biệt. Hiện nay, thay vì tích trữ vàng như trước, người dân chủ yếu mua vàng để đầu tư lướt sóng, tận dụng sự biến động của giá vàng để kiếm lời.
Điều này dễ hiểu, vì trong bối cảnh các kênh đầu tư khác gặp khó khăn, như chứng khoán giảm giá, lãi suất ngân hàng ở mức thấp và thị trường bất động sản phục hồi chậm, vàng trở thành một giải pháp thay thế, một lựa chọn đầu tư hấp dẫn.
Kể từ khi Nghị định 24 có hiệu lực đến nay, NHNN gần như không nhập thêm vàng miếng và cũng không cấp phép sản xuất vàng miếng mới. Chênh lệch giá giữa vàng trong nước và vàng quốc tế hiện đang duy trì ở mức 5-6 triệu đồng/lượng, đã thu hẹp đáng kể so với con số 18-20 triệu đồng/lượng cách đây gần một năm.
Tuy nhiên, ông Bảng cho rằng, mức chênh lệch dù đã giảm, vẫn là quá đủ để kích thích các hoạt động buôn lậu vàng. Theo tính toán sơ bộ, chỉ cần chênh lệch từ 500.000 đồng/lượng, buôn lậu vàng sẽ diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trong suốt hơn một thập kỷ qua, không có bất kỳ doanh nghiệp nào được phép nhập vàng miếng. Các doanh nghiệp vàng trang sức phải tự tìm cách khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung.
Hầu hết doanh nghiệp áp dụng các phương thức khéo léo vừa để lách rào cản, vừa để có thêm nguồn cung. Một số dựa vào “hóa đơn” bán ra để cân đối lượng vàng nhập và xuất. Một số khác mua vàng từ các nguồn không chính thức như vàng sa khoáng. Cuối cùng, một số doanh nghiệp lập bảng kê theo quy định của Bộ Tài chính, dù quy trình này rất khó khăn.
Theo quy định, bảng kê không yêu cầu hóa đơn, chỉ cần có chứng minh thư và số điện thoại của người mua và người bán. Sau đó cả hai bên cùng ký vào bảng kê. Điều này tạo ra sự lỏng lẻo trong việc quản lý, khiến việc kiểm soát nguồn gốc vàng trở nên khó khăn. Vàng không xác định được nguồn gốc cũng có thể hiểu là vàng lậu. Đến tận bây giờ rất khó đo đếm chính xác lượng vàng lậu đang lưu thông trên thị trường. Nhưng hiển nhiên lượng vàng đó sẽ tỷ lệ thuận với mức độ kiểm soát lỏng lẻo về nguồn gốc vàng.
![]() |
Người tiêu dùng phải điều chỉnh thói quen đầu tư và mua bán của mình do giá vàng thay đổi hằng ngày. Ảnh: BẢO TÍN |
Giá vàng vẫn trong xu thế tăng đầy rủi ro
Theo TS Đào Lê Trang Anh, giảng viên Trường đại học RMIT, giá vàng tại Việt Nam hiện nay chịu sự tác động mạnh mẽ từ cả yếu tố toàn cầu và nội tại. Các yếu tố như cuộc xung đột Nga - Ukraine, chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), sự mất giá của VND và tình trạng mất cân đối cung cầu trong nước đã đẩy giá vàng lên cao.
Cũng theo bà Trang Anh, kinh tế toàn cầu và chính sách tiền tệ tiếp tục là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá vàng. Hiện nay, giá vàng quốc tế dao động quanh mức 3.040 USD/ounce (tương đương khoảng 94-95 triệu đồng/lượng). Sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ, khả năng FED tiếp tục cắt giảm lãi suất và những bất ổn địa chính trị như xung đột Nga - Ukraine sẽ tiếp tục đẩy giá vàng quốc tế lên cao.
Biến động của giá vàng trong nước thường chịu ảnh hưởng từ xu hướng toàn cầu, nên không loại trừ khả năng đà tăng giá vàng tại Việt Nam có thể kéo dài. Trong ngắn hạn (3-6 tháng), các chuyên gia dự báo giá vàng Việt Nam có thể dao động trong khoảng từ 95-110 triệu đồng/lượng, tùy thuộc vào biến động của giá vàng quốc tế và các chính sách của NHNN. Nếu căng thẳng địa chính trị kéo dài và FED tiếp tục duy trì lãi suất thấp, giá vàng trong nước có thể đạt 110 triệu đồng/lượng vào cuối năm 2025.
Trong dài hạn (1-2 năm), theo dự báo của Hội đồng Vàng thế giới và các ngân hàng lớn, giá vàng quốc tế có thể đạt từ 3.000 - 3.200 USD/ounce vào năm 2026, kéo theo giá vàng Việt Nam có thể lên mức 110-120 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đợt tăng giá vàng lần này đang có sự tương đồng với đợt tăng vào năm 2011, khi giá vàng đạt mức cao kỷ lục gần 1.900 USD/ounce, nhưng sau đó giảm mạnh do áp lực chốt lời. Sau đợt tăng đó, giá vàng liên tục giảm và rơi xuống đáy 1.049 USD/ounce vào năm 2015.
Sau giai đoạn đó, từ cuối năm 2019, giá vàng mới bắt đầu tăng trở lại và đến cuối năm 2020, giá vàng thế giới đóng cửa ở mức 1.895,10 USD/ounce. Điều này có nghĩa, nếu ai mua vàng vào cuối năm 2011, thì phải đến cuối năm 2020 họ mới có thể thu lại lợi nhuận.
Khi những yếu tố hỗ trợ giá vàng hiện nay qua đi, có thể sẽ dẫn đến một đợt giảm giá mạnh mẽ. Điều này sẽ kéo theo sự giảm giá của vàng trong nước. Không có hàng hóa nào có thể duy trì đà tăng liên tục mà không trải qua các đợt điều chỉnh. Do đó, vào thời điểm này, các nhà đầu tư cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, tránh mua vàng theo cảm xúc.
Bà Trang Anh cũng đưa ra cảnh báo, mặc dù thị trường vàng Việt Nam và quốc tế đều chịu ảnh hưởng từ các yếu tố kinh tế vĩ mô như lãi suất, lạm phát và bất ổn chính trị, nhưng điểm khác biệt rõ rệt giữa hai thị trường là cơ chế quản lý. Thị trường vàng quốc tế hoạt động tự do, phản ánh sát cung cầu toàn cầu, trong khi thị trường vàng Việt Nam lại chịu sự kiểm soát chặt chẽ bởi NHNN, dẫn đến sự chênh lệch giá đáng kể giữa giá vàng trong nước và quốc tế.
Chính sự kiểm soát này đã tạo ra xu hướng tăng giá vàng trong nước, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ điều chỉnh nếu NHNN can thiệp mạnh mẽ, chẳng hạn bằng cách bán vàng dự trữ. Một số chuyên gia cũng cảnh báo rằng mức giá cao hiện tại có thể là “bong bóng” do tâm lý đầu cơ.
![]() |
Thời hạn về một sự thay đổi vẫn còn bỏ ngỏ
Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu NHNN thực hiện các biện pháp điều chỉnh, thậm chí với thời hạn cụ thể, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kế hoạch chi tiết. Nghị định 24 hiện nay đang quá chú trọng vào quản lý vàng miếng, đặc biệt là vàng miếng SJC, điều này cần phải thay đổi.
Việc tập trung quá mức vào vàng miếng đang cho thấy sự bất hợp lý. Để giữ giá vàng trong nước ổn định với giá vàng quốc tế, có thể thực hiện bằng nhiều phương pháp. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo không nên thúc đẩy việc tung thêm vàng ra thị trường, bởi vàng được đẩy ra càng nhiều thì càng tạo ra rủi ro và sức ép đối với tiền đồng. Đặc biệt, cần khuyến khích người dân từ bỏ thói quen tích trữ vàng.
Theo các chuyên gia, những biện pháp điều hành thị trường vàng cần hướng đến lợi ích của nền kinh tế tổng thể, không chỉ để ổn định giá vàng. Vàng dự trữ, dù có thể được sử dụng để bình ổn thị trường, nhưng khi bán vàng dự trữ, chúng ta chỉ thu về tiền đồng mà không tạo ra được lợi nhuận từ vàng. Trên thế giới, rất ít quốc gia cho phép ngân hàng trung ương nhập, bán hay sản xuất vàng miếng. Thay vào đó, các quốc gia khuyến khích sản xuất vàng trang sức, vì vàng trang sức vừa có giá trị thẩm mỹ lại dễ dàng tiếp cận và quản lý.
Một cách hữu hiệu để giảm “đam mê” của người dân đối với vàng như một thứ vật chất là biến nó thành phi vật chất. Một số nước đã áp dụng khá thành công mô hình các sàn vàng phi vật chất. Ở Việt Nam cũng từng nhen nhóm xu thế này nhưng không tồn tại được lâu vì một số lý do. Ông Bảng kiến nghị nhà nước có thể lập các sàn này với quy định chặt chẽ hơn. Tỷ lệ ký quỹ thấp là một trong những lý do khiến sàn vàng phi vật chất thất bại trước đây. Yếu tố này cần được điều chỉnh. Các quy chế và hành lanh pháp lý cần được quy định rõ ràng. Từ đó dẫn đến nâng cao trách nhiệm của cả người tham gia sàn lẫn bên quản lý.
Nêu quan điểm về thị trường vàng thời gian qua, một chuyên gia kinh tế cho biết, nhiều năm qua, thị trường đã chứng kiến những sự kiện đặc biệt, chẳng hạn như cảnh người dân xếp hàng dài tại các cửa hàng vàng trong dịp “ngày vía Thần tài” (mồng 10 tháng Giêng âm lịch) và gần đây nhất là khi vàng được bán qua các ngân hàng thương mại.
![]() |
Người dân xếp hàng mua vàng tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu. Ảnh: BẮC SƠN |
Một điểm đáng chú ý là một số ngân hàng thương mại chỉ bán vàng cho khách hàng có tài khoản tại ngân hàng của họ, đồng thời Tổ công tác bảo đảm an ninh thị trường vàng tại TP Hồ Chí Minh được thành lập để thu thập thông tin về người mua bán vàng miếng và chuyển cho công an nhằm phát hiện các hành vi đầu cơ, buôn lậu gây bất ổn thị trường.
Điều này đặt ra câu hỏi về cách phân biệt giữa người mua vàng với mục đích đầu cơ và người có nhu cầu thật sự. Liệu việc báo cáo thông tin về người mua vàng mà không vi phạm pháp luật có thể áp dụng cho các thị trường khác như chứng khoán, xăng dầu hay bất động sản hay không?
Để phát triển thị trường vàng, cần có một cách tiếp cận mới: Xem thị trường như một “đối tác” thay vì một “đối tượng” cần kiểm soát. Sau gần 40 năm Đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự vận hành dựa trên quy luật cung cầu của thị trường. Một thí dụ điển hình là chính sách tự do buôn bán lương thực, thực phẩm vào cuối năm 1988, đã giúp thị trường lương thực trở nên phong phú, loại bỏ cảnh xếp hàng mua hàng.
Với thị trường vàng, dù có tính nhạy cảm cao, đặc biệt liên quan đến tỷ giá và ngoại tệ, nhưng can thiệp bằng biện pháp hành chính quá mức không phải là giải pháp tối ưu. Việc bán vàng qua các ngân hàng thương mại theo hình thức “quota” với giá ổn định khó có thể mang lại hiệu quả bền vững, lâu dài.