Điểm nghẽn trong phòng, chống bệnh sởi ở Đắk Lắk

Hai tháng đầu năm 2025, tỷ lệ tiêm vaccine phòng sởi tại Đắk Lắk mới đạt 15%. Dù rốt ráo “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” nhưng trở ngại mà Đắk Lắk đang phải đối mặt lại là tình trạng thiếu vaccine phòng sởi.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân tỉnh Đắk Lắk đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh sởi.
Người dân tỉnh Đắk Lắk đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh sởi.

Bệnh nhân tăng đột biến

Tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, từ năm 2024 đến nay, số lượng bệnh nhi mắc sởi đến khám, điều trị tăng đột biến. Khoa đã tiếp nhận điều trị cho gần 1.000 trẻ, phần lớn trẻ mắc sởi nặng mới có chỉ định nhập viện. Hầu hết trong số đó chưa được tiêm phòng vaccine, kể cả trẻ dưới 9 tháng tuổi. Lứa tuổi nhập viện điều trị sởi nhiều nhất là từ 6 tháng đến 2 tuổi.

Nhập viện đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng sốt cao, ho nhiều, nôn và tiêu chảy, bé N.Q.N 9 tháng tuổi, trú tại huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông bị chẩn đoán mắc sởi. Chị Phạm Thu Hiền, mẹ bé N.Q.N. kể: Chị của cháu cũng mắc sởi nhưng do đã được tiêm vaccine nên khi mắc bệnh chỉ bị triệu chứng nhẹ. Còn cháu nhỏ chưa kịp tiêm vaccine nên bệnh sởi biến chứng rất nặng.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2025 đến nay, đã có hơn 200 trường hợp mắc bệnh, tăng 100% so cùng kỳ 2024. Hiện số bệnh nhi mắc sởi tại Đắk Lắk đang tiếp tục gia tăng, chủ yếu ở những trẻ chưa tiêm vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Đặc biệt nhóm trẻ dưới 1 tuổi có rất nhiều trường hợp bị biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, gây nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của trẻ.

TS, bác sĩ Trần Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Đa số các trẻ nhập viện điều trị sởi đều ở tình trạng nặng với nhiều biến chứng như sốt cao, co giật, viêm phổi, viêm màng não… Rất nhiều trẻ phải sử dụng các loại thuốc đặc trị để cấp cứu. Để ngăn chặn nguy cơ từ bệnh sởi, trẻ cần tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi theo lịch tiêm chủng quốc gia. Phụ nữ trước khi mang thai cũng nên tiêm phòng để bảo vệ trẻ trong những tháng đầu đời. Đối với những trẻ mắc sởi khi chưa được tiêm vaccine, khi trẻ hết bệnh, phụ huynh vẫn nên đưa trẻ đi tiêm đầy đủ các mũi vaccine phòng bệnh sởi để bảo đảm hệ miễn dịch bền vững cho trẻ.

Nỗ lực kiểm soát dịch

Để ứng phó tình trạng dịch sởi diễn biến phức tạp và thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiêm chủng vaccine phòng, chống sởi, UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan và chính quyền các địa phương khẩn trương lên kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi, hoàn thành trong tháng 3/2025. Cán bộ phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Đặc biệt, không bỏ sót đối tượng, nhất là tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trước tình hình dịch sởi ở Đắk Lắk diễn biến phức tạp, chiều 24/3, đoàn công tác của Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế do ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Phòng bệnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk để kiểm tra công tác phòng chống bệnh sởi trên địa bàn.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm đã rà soát đối tượng và đề xuất nhu cầu vaccine với Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế để tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn. Qua đó xác định đối tượng cần tiêm chủng là 7.817 trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi; 34.625 trẻ từ 1 đến 10 tuổi. Nhu cầu vaccine sởi là 11.010 liều và vaccine sởi-rubella là 47.089 liều. Tuy nhiên, cái khó mà tỉnh Đắk Lắk đang gặp phải là tình trạng thiếu vaccine phòng sởi.

“Hiện tại chúng tôi mới nhận vaccine sởi là 11 nghìn liều, vaccine MR 25 nghìn liều, so với số đối tượng cần tiêm chủng hơn 30 nghìn người, với số liều vaccine gần 60 nghìn liều, như vậy tỉnh mới nhận được một nửa. Nếu để triển khai bây giờ thì không đủ vaccine tiêm phòng cho người dân”, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk Hoàng Hải Phúc nhấn mạnh.

Đánh giá cao sự vào cuộc của ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk, ông Võ Hải Sơn cho biết: Bộ Y tế sẽ cố gắng tối đa để điều phối vaccine tuy nhiên đề nghị tất cả các bên huy động tối đa nguồn lực. Trong trường hợp thiếu thì phải ưu tiên vùng lõm trước để tránh bệnh lây lan.