Bình dị nắng tuổi thơ

Hồ Huy Sơn được độc giả biết đến với nhiều tác phẩm như: “Con trai con gái” (2007), “Ngày lạ” (2009), “Cơm nhà cơm người” (2012), “Rồi lẻ loi như gió” (2016), “Những đóa hoa lạ nhà”, “Hát cho lời quả sai” (2017), “Một cảnh không có trên phim” (2018), “Mây vẫn bay trên bầu trời thành phố” (2021), “Những ngọn đèn thơm” (2022)…
0:00 / 0:00
0:00
Bình dị nắng tuổi thơ

Tháng 6/2023, Sơn tiếp tục mang đến một tác phẩm mới - “Xin chào ngày nắng đẹp”, tập tản văn vừa được NXB Trẻ phát hành, chia làm ba phần: “Ngày nắng đẹp”, “Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương”, và “Một trời thương nhớ”, với lối viết nhẹ nhàng, dung dị, cứ từ từ chạm vào cảm xúc của người đọc.

Tác giả khéo léo bố cục nội dung cuốn sách, dẫn dắt người đọc theo dụng ý riêng của mình. Ở phần một, Sơn viết về những điều thường nhật trong cuộc sống mà có lẽ ai trong mỗi chúng ta cũng từng trải qua, ghi lại những cảm xúc đó qua cách cảm nhận riêng của mình, từ những câu chuyện bình dị về những quyển sách cũ, những nụ cười trên chuyến tàu về quê, tình người nơi đất khách, những đồng điệu dễ thương từ người qua đường khi “có mấy người nhìn nắng mà thấy đẹp, cầm lòng không đặng đành phải thốt ra lời?” (trích Ngày nắng đẹp)… Từng câu chuyện cứ mênh mang đánh thức cảm xúc nơi người đọc.

Ở phần hai, Sơn viết về những chuyến đi của mình, đến những nơi như Hà Giang, Sa Pa, Myanmar, Thailand, Campuchia… Mỗi vùng đất đều mang lại cho anh những cảm xúc mới lạ. Và mỗi chuyến đi là một sự trải nghiệm, những câu chuyện, những con người gặp trên đường đều ấm đậm tình người, góp phần làm cho chuyến đi đó thêm phần ấn tượng, để lại trong lòng tác giả “mỗi nơi ta đi qua đều có một mảnh linh hồn của ta ở lại” (trích Một lần ngang qua phố Cáo).

Phần ba - “Một thời thương nhớ” - đúng như tên tựa, viết nhiều về gia đình, về tuổi thơ, tác giả dành nhiều trang viết về mẹ, người đã dành cả đời tần tảo chăm lo cho gia đình. Những bữa cơm mẹ nấu, dù không khéo léo chuyện bếp núc nhưng những món ăn đó lại khiến cho con nhớ mãi, “cũng nhờ mẹ mà những yêu thương, ấm cúng giữa các thành viên trong nhà mới có thể kết nối được với nhau” (trích Về nhà với mẹ), để rồi đi đâu cũng nhớ thương khôn nguôi, hay những mẹo vặt trong nhà của mẹ khiến cho việc lớn nhỏ trong nhà đều tươm tất, trọn vẹn hơn. Ngoài ra còn có nỗi nhớ tuổi thơ là tiếng trống dậm chân ngày hè, những háo hức về những ngày Tết, những tờ tiền lì xì mới cứng, nhớ hương vị bát phở lần đầu ăn trong đời.

Gấp cuốn sách lại, là những cảm xúc đan xen nhau, khiến những người đọc, nhất là thế hệ 8x không khỏi ngậm ngùi xao xuyến. Những điều nhỏ bé, bình dị lại là những kỷ niệm làm ta cảm thấy ấm áp nhất về một thời tuổi thơ, tuổi trẻ của mình.