Bền bỉ đồng hành 40 năm

Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân lần thứ 40 năm 2022 tranh Cúp PetroVietnam - PVCFC được tổ chức tại thành phố Pleiku, thủ phủ của tỉnh Gia Lai. Tiết trời se lạnh ủng hộ các vận động viên (VĐV) thi đấu. Sau hai năm đại dịch Covid-19, năm nay có gần 170 vận động viên tham dự và là một trong những giải có VĐV tham gia đông nhất từ trước đến nay. Nhìn đội ngũ nhà tài trợ hùng hậu nhiệt tình tham gia, chợt nhớ lại những ngày “chạy ăn từng bữa” đồng hành cùng giải thuở nào.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh trao tặng kỷ niệm chương cho các đội tham dự giải. Ảnh: DUY LINH
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh trao tặng kỷ niệm chương cho các đội tham dự giải. Ảnh: DUY LINH

Năm 1983, Giải bóng bàn Báo Nhân Dân được tổ chức theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Hồi đó, mỗi cơ quan báo chí lớn được giao tổ chức một giải vô địch thể thao, và Báo Nhân Dân đã chọn bóng bàn.

Được nghe kể lại rằng, những mùa giải đầu tiên, các phóng viên Báo Nhân Dân mà nòng cốt là Ban Kinh tế - Công nghiệp phải chia nhau đi vận động tài trợ. Đây là giải đấu quan trọng, thành tích thi đấu dùng để xếp hạng VĐV quốc gia, lại được Ban Bí thư giao nên không thể “lùi xùi” được. Giải thưởng lúc đó cho VĐV là những sản phẩm hàng hóa như săm, lốp cao-su Sao vàng, vải may quần áo… Có nghĩa là có gì thưởng nấy! Mỗi lần tổ chức giải bóng bàn, các phóng viên Ban Kinh tế - Công nghiệp và phóng viên thường trú Báo Nhân Dân ở TP Hồ Chí Minh lại tất tưởi, hớt hải tìm đơn vị tài trợ. Nhiều hôm, đã sát lễ khai mạc, vẫn thấy chị Băng Châu (nguyên Trưởng đại diện Cơ quan Thường trực Báo Nhân Dân tại TP Hồ Chí Minh) khi đó là phóng viên thường trú ôm điện thoại bàn ở Ban Thư ký - Biên tập liên hệ với cơ sở xin tài trợ vì thời đó chưa có điện thoại di động.

Bền bỉ đồng hành 40 năm ảnh 1

Trận đấu tại nội dung đồng đội nam giữa đương kim vô địch Long Hải-Hải Dương 1 và Tín Phát-Gia Lai. Ảnh: ĐĂNG ANH

Rất ngẫu nhiên, nhiều cây bút tường thuật, bình luận giải bóng bàn hồi đó cũng là những tay vợt nghiệp dư như Tân Thanh (nguyên Phó Trưởng ban Văn hóa - Văn nghệ), Nguyễn Phan Toàn (nguyên phóng viên thường trú tại TP Hồ Chí Minh), Bảo Khánh (nguyên Phó Trưởng ban Nhân Dân điện tử)… Có lẽ nhờ vậy mà những bài tường thuật, bình luận của Báo Nhân Dân về “giải nhà” luôn có “lửa” và có chuyên môn cao. Mỗi khi tổ chức giải đấu ở địa phương, phóng viên thể thao Ban Văn hóa - Văn nghệ thường phối hợp với phóng viên thường trú đưa tin chi tiết. Phóng viên Đại Hoàng nhớ lại: Giải năm đó tổ chức tại Hải Dương, một trong những cái nôi của môn thể thao này. Đang là phóng viên thường trú nên Đại Hoàng là “trợ tá” cho Võ Hoàng - là phóng viên thể thao. Trận đấu đêm muộn hôm ấy VĐV trẻ Quan Đức Thắng (Hải Phòng) đã “lật đổ” Đoàn Kiến Quốc tên tuổi lẫy lừng. Chớp lấy mạch cảm xúc, Đại Hoàng viết bài bình luận với cái tít kiểu chương hồi: “Tiêu anh hùng Quan Đức Thắng trấn ải Hoa Dung/Đoàn Kiến Quốc chưa đi đến cùng ngã ngựa”. Cả tòa soạn bất ngờ vì tưởng phóng viên viết chuyện chưởng?! Tuy nhiên bài báo đó đã được nhà báo thể thao kỳ cựu Nguyễn Lưu khen ngợi.

Những năm ấy, một truyền thống đẹp của giải bóng bàn là khi kết thúc, các VĐV tập trung về tòa soạn Báo Nhân Dân (71 Hàng Trống, Hà Nội) “đánh báo cáo” một số trận giữa các cây vợt đỉnh cao. Lúc đó, cán bộ Báo Nhân Dân đứng vòng trong, vòng ngoài tận mắt chứng kiến những cú đôi công nảy lửa của các thần tượng.

Thấm thoát giải đã qua 40 lần tổ chức và những người làm báo chúng tôi vẫn âm thầm đồng hành cùng môn thể thao giản dị và đại chúng: Giải vô địch bóng bàn Báo Nhân Dân!