Bất đồng khó hóa giải

Những mâu thuẫn chưa thể giải quyết một sớm một chiều đã đẩy nhiều mối quan hệ song phương rơi vào trạng thái căng thẳng.
0:00 / 0:00
0:00
Nga và Mỹ hoãn đàm phán về việc nối lại hoạt động thanh sát vũ khí hạt nhân của nhau.
Nga và Mỹ hoãn đàm phán về việc nối lại hoạt động thanh sát vũ khí hạt nhân của nhau.

1 Bộ Ngoại giao Nga thông báo: Cuộc họp của Ủy ban điều phối song phương trong khuôn khổ Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) giữa nước này và Mỹ dự kiến diễn ra từ ngày 29/11 đến 6/12 tại Cairo (Ai Cập) đã bị lùi sang thời điểm khác. Theo kế hoạch trước đó, cuộc đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân giữa giới chức của hai nước sẽ thảo luận về việc nối lại các hoạt động thanh sát trong khuôn khổ New START, vốn bị đình chỉ hồi tháng 3/2020 do đại dịch Covid-19.

Đầu tháng 8 vừa qua, Moscow đã thông báo tạm dừng hoạt động thanh sát của Mỹ đối với các địa điểm quân sự của Nga theo khuôn khổ New START, khẳng định đây là động thái phản ứng với việc Washington cản trở hoạt động thanh sát của Nga. Được ký kết năm 2010, thỏa thuận New START sẽ hạn chế kho vũ khí của Nga và Mỹ ở mức tối đa là 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai, giảm gần 30% so với mức được đặt ra hồi năm 2002. Đến tháng 1/2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí kéo dài hiệp ước này thêm 5 năm, tới năm 2026. Cho đến nay, Moscow và Washington cho phép lẫn nhau mỗi năm được thực hiện dưới 20 lần thanh sát trong khuôn khổ New START.

2 Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã không đạt được đồng thuận về áp trần giá dầu thô của Nga được vận chuyển bằng đường biển. Nguyên nhân vì Ba Lan cho rằng mức trần phải được đặt thấp hơn đề xuất của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), nhằm giảm khả năng tài chính của Moscow. Nếu không có thỏa thuận nào đạt được trước ngày 5/12, EU sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn vốn đã được thống nhất từ hồi tháng 5, theo đó cấm nhập khẩu dầu thô của Nga từ ngày 5/12 và các sản phẩm dầu mỏ của Nga từ ngày 5/2/2023. Hungary và hai quốc gia Trung Âu không giáp biển khác được miễn trừ và được tiếp tục nhập khẩu dầu của Nga qua hệ thống đường ống.

G7 đã đề xuất một chính sách mềm dẻo hơn lệnh cấm vận của EU, nhằm bảo đảm nguồn cung dầu mỏ ổn định cho nền kinh tế toàn cầu. Theo đề xuất của G7, EU và các khách hàng khác tiếp tục mua dầu của Nga nhưng chỉ khi ở mức giá bằng hoặc thấp hơn mức G7 đã thỏa thuận là 65-70 USD/thùng. Ba Lan cùng Litva và Estonia đã thúc đẩy áp giá trần 30 USD/thùng. Trong khi đó, Malta, Cộng hòa Cyprus và Hy Lạp lo ngại đề xuất giới hạn giá của G7 quá thấp, ảnh hưởng đến các ngành vận tải biển của mình.

3 Giới chức Palestine thông báo Israel từ bỏ các thỏa thuận hòa bình song phương được ký kết dưới sự bảo trợ của quốc tế. Người phát ngôn của Tổng thống Palestine, ông Nabil Abu Rudeineh cho rằng mọi nỗ lực của Israel nhằm hợp pháp hóa các khu định cư được xây dựng trên đất Palestine là bất hợp pháp, viện dẫn theo Nghị quyết 2334 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về các hình thức định cư trên các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.

Quan hệ giữa Palestine và Israel leo thang căng thẳng gần đây, khi Cơ quan An ninh quốc gia Israel (Shin Bet) thu hồi hàng trăm giấy phép lao động của người Palestine từ Dải Gaza. Shin Bet thông báo đã ngăn chặn một âm mưu đánh bom xe buýt ở miền nam Israel do một lao động người Palestine nhập cảnh từ dải Gaza thực hiện. Sau vụ việc trên, Shin Bet cho biết nhà chức trách Israel đã quyết định thu hồi 200 giấy phép lao động của những người Palestine có người thân trong gia đình là thành viên các nhóm vũ trang.

Bất đồng khó hóa giải ảnh 1
Đình công ở ngành đường sắt có thể khiến nền kinh tế Mỹ bị tàn

phá.

4 Ngày 28/11, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đã buộc phải lên tiếng hối thúc Quốc hội can thiệp khẩn cấp, nhằm tránh nguy cơ một số nghiệp đoàn trong ngành đường sắt đe dọa đình công, điều mà ông cho rằng "sẽ tàn phá nền kinh tế Mỹ". Tổng thống Biden cho rằng việc thực hiện thỏa thuận sơ bộ về tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc (mà các bên đạt được hồi tháng 9) là lựa chọn duy nhất để giải quyết vấn đề.

Theo báo cáo của các cố vấn kinh tế, khoảng 765.000 người Mỹ có thể mất việc làm chỉ trong hai tuần đầu tiên nếu ngành đường sắt ngưng hoạt động. Và theo Hiệp hội Đường sắt Mỹ, nếu các bên không đạt được thỏa thuận trước ngày 9/12, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chịu ảnh hưởng với gần 7.000 chuyến tàu chở hàng bị đình trệ, gây thiệt hại hơn hai tỷ USD/ngày. Sự gián đoạn các tuyến đường sắt trên diện rộng sẽ làm đình trệ chuỗi cung ứng nhiên liệu và thực phẩm, gây rối loạn hoạt động vận tải và làm gia tăng lạm phát.