Thông tin lan truyền
Trước đó, trên mạng xã hội Facebook, có nhiều thông tin đăng tải về việc các xe tải chở cà-phê từ tỉnh Kon Tum đi nhập tại các vựa thu mua ngoài địa bàn là cà-phê xanh. Dù đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh, các đại lý trên Đăk Hà mới bắt đầu mở sân và thu mua cà-phê tươi. Điều này đã gây bức xúc cho các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà-phê vì làm ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu “Cà-phê Đăk Hà”.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, chủ cơ sở chuyên thu mua, chế biến cà-phê tại thôn 1, xã Hà Mòn, tình trạng các thương lái đến thu mua cà-phê quả tươi khó kiểm soát từ khoảng hai năm trở lại đây. Đặc biệt từ thời điểm nhiều hộ dân bán các lô rẫy khu vực ven lòng hồ thủy điện Plei Krông cho các cá nhân ngoài địa bàn. Các tiểu thương đã đến các lô rẫy để thu mua cà-phê quả tươi với giá cao, thậm chí cao hơn thị trường từ 2-3 giá. Nếu chủ rẫy đồng ý bán, họ sẽ đánh xe vào tận rẫy để thu mua rồi xuất bán qua các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai.
“Trước vụ thu hái cà-phê, UBND xã mời các doanh nghiệp, đại lý đến làm việc và ký cam kết thực hiện các quy định của địa phương như: không thu hái cà-phê quả xanh, không tiêu thụ cà-phê không rõ nguồn gốc, cũng như bảo đảm tình hình an ninh trật tự trong mùa thu hái để xây dựng thương hiệu cà-phê Đăk Hà. Chúng tôi là doanh nghiệp tại địa bàn đều chấp hành nghiêm túc. Giữ được thương hiệu thì sản phẩm mới có giá trị kinh tế. Nhưng một số cá nhân không chấp hành, làm ảnh hưởng đến uy tín của cả huyện như vậy thì không thể chấp nhận được, phải xử lý nghiêm”, bà Hương bức xúc.
Chính quyền vào cuộc
Ông Nguyễn Đình Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Mòn, cho biết, hiện trên địa bàn xã có hơn 50 ha cà-phê thuộc diện tích vườn của các hộ dân ngoài địa bàn. Hầu hết diện tích này đều được giao cho các cá nhân khác trông coi. Vì không có thời gian chăm sóc và sợ bị mất trộm nên các cá nhân này thu hái sớm để bán cho các thương lái. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết diện tích này đã thu hái xong và bán cà-phê quả tươi ra khỏi địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà Nguyễn Minh Vương cho biết: Ngay từ đầu mùa thu hoạch, UBND đã thành lập đoàn liên ngành, tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cơ sở kinh doanh và người dân trên địa bàn thực hiện tốt kế hoạch mùa vụ.
“Hướng dẫn và quản lý việc thu hoạch cà-phê bảo đảm tỷ lệ quả chín từ 95% trở lên. Bên cạnh đó, huyện cũng yêu cầu các cơ sở thu mua, chế biến cam kết bảo vệ môi trường, không gây tiếng ồn và khói bụi tại khu dân cư; tuân thủ quy định xuất cà-phê ra khỏi địa bàn huyện phải là cà-phê nhân có Chỉ dẫn địa lý và sử dụng bao bì, nhãn mác có logo “Cà-phê Đăk Hà”; tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường trong việc thu mua và tiêu thụ sản phẩm cà-phê, tạo điều kiện thuận lợi cho người kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật; không để xảy ra tình trạng ép giá đối với sản phẩm cà-phê”, ông Vương cho biết thêm.
Hiện nay, với tổng diện tích hơn 12 nghìn ha, cà-phê được huyện Đăk Hà xác định là loại cây chủ lực, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập để người dân phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Cần chấn chỉnh mạnh mẽ hơn tình trạng thu hái cà-phê không bảo đảm tỷ lệ quả chín, cùng với thực hiện các quy định về sản xuất, kinh doanh sản phẩm.
Huyện Đăk Hà có hơn 15 nghìn hộ dân và bốn doanh nghiệp nhà nước có cà-phê thu hoạch với tổng diện tích hơn 12 nghìn ha, là địa phương có diện tích cà-phê lớn nhất tỉnh Kon Tum.