Bấp bênh dịch vụ chăm sóc người già

Nghiên cứu của Công ty Tokyo Shoko Research cho thấy, có 81 viện dưỡng lão tại Nhật Bản phá sản trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng 50% so cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số cao nhất được ghi nhận trong nửa đầu năm kể từ khi hệ thống bảo hiểm chăm sóc điều dưỡng bắt đầu thống kê số liệu vào năm 2000.
0:00 / 0:00
0:00
Nguồn: STAT NEWS
Nguồn: STAT NEWS

Trước đó, số vụ phá sản cao nhất được ghi nhận là 58 vụ năm 2020 trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Ngoài lý do đồng yên liên tục giảm giá trên thị trường hối đoái thời gian gần đây, tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng và giá cả leo thang gây áp lực lớn với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc điều dưỡng tại Nhật Bản, cũng là một nguyên nhân khiến các viện dưỡng lão bị phá sản gia tăng ở "đất nước mặt trời mọc".

Theo Tokyo Shoko Research, so nửa đầu năm 2023, có thêm 27 nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc điều dưỡng có khoản nợ phải trả vượt quá 10 triệu yên (62.000 USD) phá sản trong cùng kỳ năm nay. Hiệu suất hoạt động kém là nguyên nhân chính dẫn đến 64 vụ phá sản, chiếm tỷ lệ 80% tổng số viện dưỡng lão phải ngừng hoạt động. Theo thống kê, có 40 vụ phá sản liên quan dịch vụ chăm sóc tại nhà, 25 vụ liên quan chăm sóc ban ngày và lưu trú ngắn hạn, 9 vụ liên quan viện dưỡng lão. Tokyo Shoko Research cho biết, một thách thức nan giải mà ngành điều dưỡng phải đối mặt là bổ sung lực lượng lao động đang già đi bằng cách tuyển dụng thêm nhân viên mới.

Vấn đề lương thấp được giải quyết phần nào khi Bộ Y tế Nhật Bản quyết định tăng phí chăm sóc điều dưỡng lên 1,59% kể từ năm tài chính 2024, nhưng việc tăng lương ở các ngành khác khiến ngành dịch vụ này, dù rất vất vả, lại trở nên kém hấp dẫn hơn. Cạnh tranh trong ngành chăm sóc điều dưỡng tại Nhật Bản gia tăng những năm gần đây do tình trạng dân số già khiến số lượng doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này ngày càng tăng. Xét theo khu vực, vùng Kanto (gồm Thủ đô Tokyo và các tỉnh lân cận) có số lượng doanh nghiệp phá sản cao nhất là 25; vùng Kinki (thành phố Osaka và khu vực lân cận) đứng thứ 2 với 19; tiếp theo Kyushu là 11.

Theo nhận định của Tokyo Shoko Research, số lượng cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc điều dưỡng phá sản có thể tiếp tục tăng thời gian tới, khi triển vọng giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động và giá cả leo thang vẫn chưa chắc chắn.