Nước đến chân mới nhảy

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tác động của mạng xã hội đối với nhóm đối tượng đặc biệt là trẻ em và thanh, thiếu niên là điều không cần phải bàn cãi. Thế nhưng, cơ quan lập pháp của Mỹ gần đây mới đưa ra những quy định liên quan vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: OGUZ GUREL
Biếm họa: OGUZ GUREL

CNN ngày 26/7 cho hay, với sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng Quốc hội Mỹ, Thượng viện nước này đã thúc đẩy hai dự luật an toàn trực tuyến nhằm buộc các công ty mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về ảnh hưởng của các nền tảng này đối với trẻ em và thanh, thiếu niên.

Dự luật An toàn trực tuyến cho trẻ em (KOSA) quy định rõ nghĩa vụ của các công ty mạng xã hội khi trẻ em sử dụng sản phẩm của họ, tập trung vào việc thiết kế các nền tảng và quản lý những công ty này. Nội dung dự luật yêu cầu các nền tảng mạng xã hội cho phép trẻ em thực hiện các lựa chọn để bảo vệ thông tin cá nhân, mặc định vô hiệu hóa các tính năng gây nghiện của sản phẩm, ngăn chặn và giảm thiểu các mối nguy hiểm đối với trẻ nhỏ như tự tử, tình trạng rối loạn ăn uống.

Trong khi đó, Dự luật Bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em và thanh, thiếu niên (COPPA 2.0) sẽ cấm việc quảng cáo có mục tiêu, thu thập dữ liệu về trẻ em và thanh, thiếu niên mà chưa có sự đồng ý, đồng thời cho phép trẻ em và phụ huynh xóa thông tin trên các mạng xã hội. Dự luật này sẽ sớm được Tổng thống Joe Biden ký ban hành. Một số công ty công nghệ cũng đã công khai ủng hộ các dự luật như Microsoft Corp và Snap Inc.

Hai dự luật trên là động thái lớn đầu tiên nhằm bảo đảm an toàn trực tuyến cho trẻ em, kể từ khi Mỹ lần đầu ban hành đạo luật COPPA hồi năm 1998. Những dự luật này cũng sẽ cho phép các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về thuật toán của các công ty và ảnh hưởng của những thuật toán này đối với trẻ em trên môi trường trực tuyến.

Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ nhận định rằng, giới lập pháp “xứ cờ hoa” cần có những chế tài song hành sự phát triển của mạng xã hội, nhằm ngăn chặn trẻ em và thanh, thiếu niên bị ảnh hưởng tiêu cực trên internet. Trong bối cảnh ngày càng nhiều vụ lộ, lọt thông tin cá nhân xảy ra, các đạo luật như trên cần được hoạch định từ sớm nhằm tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”.