Người canh giữ phù dung

Trong văn chương, viết về lịch sử là một đề tài khó, kén cả người viết lẫn người đọc. Nữ tác giả Nguyệt Chu đến với văn chương không chỉ với đề tài lịch sử. Nhưng chị quyết định tạo dấu ấn đầu tiên với tập truyện ngắn “Người canh giữ phù dung” gồm tám truyện ngắn lịch sử. Vốn là người yêu lịch sử và cũng là người hoài cổ, chị luôn muốn tìm về quá khứ để thỏa mãn trí tưởng tượng của mình.

Người canh giữ phù dung

Qua các truyện ngắn, “Người canh giữ phù dung”, “Bông ngọc lan phủ chúa”, “Con nhện”, “Đêm kinh thành”, “Lan tuyết mù sương”… các nhân vật lịch sử hiện lên với cảm quan khá mới. Giọng văn Nguyệt Chu lãng đãng, mơ hồ, các nhân vật như nàng cung phi Điểm Bích, Lý Chiêu Hoàng, Trần Cảnh, thiền sư Huyền Quang… đã được tác giả tạo dựng bởi con mắt đầy nhân văn, đưa người đọc sống lại những quãng thời gian lịch sử ấn tượng. Truyện ngắn “Người canh giữ phù dung” là truyện lịch sử đầu tiên, đặt dấu mốc trong con đường cầm bút của Nguyệt Chu, được chị lấy để đặt tên cho cả tập truyện.

Trước khi viết “Người canh giữ phù dung”, chị đã viết những câu chuyện rất gần gũi với đời sống, như chuyện về làng quê, về cái thị xã nhỏ bé mà chị đang sống, về những người trẻ và khát khao lột xác, tìm lại chính mình trong thời đại đầy biến động của những giá trị văn hóa. Nhưng chị vẫn có cảm giác mình chưa tìm được đúng hướng và đúng cái tạng của mình. Đã có lúc chị cảm thấy hoang mang vì loay hoay tìm con đường phù hợp nhất với mình. Và truyện ngắn lịch sử đầu tay, đã giúp chị tìm được hướng đi mới.

Trong truyện ngắn “Bông ngọc lan phủ chúa”, Tuyên phi Đặng Thị Huệ được khắc họa là người đàn bà gây ra biết bao sóng gió cho triều chính, rút cuộc vẫn chỉ là một cái đẹp mỏng manh và tuyệt vọng. Truyện ngắn “Hoa trà mi trong đêm” kể về những cảm tình mà cung nữ Điểm Bích tha thiết gửi tới Thiền sư Huyền Quang, được giăng mắc trong những đóa trà mi trắng trút hương thơm vào phiêu lãng. Truyện gợi về nỗi xót xa, mơ hồ, đẹp và buồn.Truyện “Đêm kinh thành” nói về mối tình bà chúa Dâu với hoàng thượng Lý Thánh Tông phủ trong những cánh hoa lan và những giấc mơ về phương Nam. Một mối tình diệu vợi với giọng kể khá hấp dẫn. Toàn tập truyện có cách kể mượt mà, mơ hồ nhưng cũng không kém day dứt.

Nguyệt Chu muốn viết tiếp về những giai nhân của các vương triều. Biết bao nhiêu giai nhân là bấy nhiêu loài hoa, như chính sự mong manh của cái đẹp. Chưa viết được về họ, chị còn cảm thấy mắc nợ và day dứt. Vì thế, chị sẽ viết tiếp truyện ngắn, những lát cắt thoảng qua của lịch sử hằn in lên những thân phận đàn bà.

(Tập truyện ngắn “Người canh giữ phù dung”, Nguyệt Chu, NXB Văn học, 2018).