Viết như người trong cuộc

Trong hai ngày diễn ra Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X tại Đà Nẵng (18 và 19/6), nhiều ý kiến đã chia sẻ quanh chủ đề chung “Vì sao chúng ta viết?”. Nhiều câu trả lời xuất phát từ hoàn cảnh riêng của bản thân cũng như có sự soi chiếu vào lực lượng cầm bút cùng thế hệ, đã cho thấy những suy nghĩ tích cực. Trong đó, nổi lên trách nhiệm của người viết trước xã hội, trước sự phát triển năng khiếu, khát vọng của riêng mình. Thời Nay xin giới thiệu một số ý kiến trong số hơn 100 đại biểu trẻ tham dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị giao lưu với các em nhỏ mồ côi tại Trường Hy vọng - Đà Nẵng.
Các đại biểu dự hội nghị giao lưu với các em nhỏ mồ côi tại Trường Hy vọng - Đà Nẵng.

Nhà thơ trẻ Nguyễn Hải Yến (Phú Thọ):

“Bám sát những vấn đề lớn của thời cuộc”

Trong bối cảnh hội nhập với tác động của cách mạng thông tin và kinh tế thị trường, những người cầm bút trẻ xác định tâm thế “hòa nhập chứ không hòa tan”, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, nhưng cũng phải kế thừa, giữ gìn, phát huy truyền thống dân tộc. 

Vẫn biết giá trị cốt lõi của văn chương làm nên sự khác biệt giữa nhà văn này với nhà văn khác chính là sự sáng tạo. Nhưng, dù cho tư duy nghệ thuật có đổi mới đến đâu thì các tác phẩm văn học cũng phải bám sát những vấn đề lớn lao của đất nước, dân tộc; những vận hội, những biến cố có thể xảy đến của thời cuộc; những ngóc ngách của đời sống xã hội, của thân phận con người. Văn chương phải là tiếng nói đấu tranh với cái xấu, cái ác; chỉ ra cái đúng, cái sai; bênh vực lẽ phải, bênh vực kẻ yếu; khơi gợi được lòng trắc ẩn, tình thương yêu, xóa bỏ hận thù… 

Con đường văn chương dằng dặc, những người viết văn trẻ mới chỉ đi được vài bước chân. Tiếng nói của chúng ta nhiều lắm cũng chỉ như gió thu lướt trên mặt hồ… có khi cũng chỉ gợn lên một vài cơn sóng nhỏ. Nhưng, dù thế, những người viết văn sẽ không dừng bút.

Nhà văn trẻ Lê Thị Kim Sơn (Gia Lai):

“Không chỉ là một cuộc chơi”

Dẫu có xuất phát từ lý do gì đi nữa thì chính những người viết đều hạnh phúc vì những tác phẩm của họ sẽ được độc giả đón đợi và yêu thích, dẫu có hướng đến mục tiêu nào đi nữa thì những người viết đều muốn tác phẩm của mình sẽ chạm đến trái tim của độc giả, truyền những rung động riêng biệt của chính mình đến người đọc và ghi lại dấu ấn của bản thân.

Nhớ lại khoảng thời gian khi bắt tay vào viết, tôi vẫn nghĩ đây chỉ là một cuộc dạo chơi có thời hạn ngắn ngủi của bản thân, sẽ dừng lại bất cứ khi nào tôi muốn, sẽ chẳng có áp lực hay mong đợi gì nhiều, chỉ cần vui thì làm tiếp. Nhưng thực tế, những ngày ngừng viết mới khiến cho tôi biết, với tôi đây không chỉ là cuộc chơi muốn dừng lúc nào thì dừng. Những câu chuyện vẫn tiếp tục được dàn dựng trong đầu, những cảm xúc vẫn theo những quyển sách, vẫn theo những tin tức thời sự tuôn trào, có thể cười, có thể khóc, có thể buồn, có thể băn khoăn vì tất cả những sự việc cỏn con chung quanh mình thì tôi thấy mình vẫn còn muốn viết, tôi biết rằng mình vẫn sẽ cố gắng viết.

Sau mỗi tác phẩm, chính tôi lại càng thấy một câu trả lời mới hơn cho câu hỏi “Vì sao tôi viết” như một cách tự đòi hỏi chính mình hoàn thiện hơn nữa. Vì sao tôi viết, có những tham vọng to lớn của những người khổng lồ như nhắm đến những mục đích lớn lao, chạm vào các giải thưởng lớn, ghi danh của mình vào lòng độc giả, hay thành công vang dội với những tác phẩm bom tấn, nhưng lại cũng rất giản đơn với nhiều người, thích thì viết thôi. Mặc cho tham vọng cao siêu hay đơn giản lạ kỳ thì những tác phẩm vẫn mang đến cho độc giả những cảm nhận riêng biệt, có lẽ đó là điều độc đáo của văn học, nghệ thuật.

Nhà văn trẻ Lê Quang Trạng (An Giang):

“Nhiều đổi thay gợi ra suy ngẫm”

Ngày nay, biến đổi khí hậu đã làm cho vùng hạ lưu sông Mê Công đối mặt với xâm nhập mặn và cạn kiệt dần nguồn nước cũng như thủy sản. Người trẻ rời quê, rời sông lên các thành phố lớn để tìm việc làm. Bao sự đổi thay của quê hương đã đặt ra cho người viết trẻ nhiều điều suy ngẫm.

Ở tại quê hương chứng kiến những đổi thay, hoặc ly hương đi xa thì những người viết trẻ ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn sáng tác và thể hiện sự yêu mến quê hương qua tác phẩm. Những điều mới về sông, về biến đổi khí hậu, về ly hương, nghề nông hẩm hiu và nỗi nhớ quê luôn là đề tài đặt ra trước mắt người viết trẻ.

Tôi nghĩ rằng, sứ mệnh của một nhà văn, đặc biệt là người viết trẻ là phải nói lên tiếng nói của thời đại. Người viết trẻ đồng bằng sông Cửu Long đã có được một nền văn hóa phong phú và giàu có, họ là người chứng kiến, thậm chí là người trong cuộc của những tình huống được thời đại đặt ra, cho chúng ta hy vọng rằng họ sẽ có được nhiều tác phẩm mới và xuất sắc…

Trước sự phát triển không ngừng của xã hội, đời sống người dân nói chung và người viết trẻ nói riêng, đã có những đổi thay về các giá trị đời sống. Một số yếu tố văn hóa miền châu thổ phần nào bị mai một do không còn phù hợp trong quá trình công nghiệp hóa. Bù lại, đời sống được nâng lên một tầm cao mới, tạo nên sức sống mới, bộ mặt mới. Sứ mệnh của người viết, đặc biệt là những người viết trẻ được đặt ra trước những đổi thay đó. Là thế hệ xanh sung sức nhất của nền văn học, lại là người đương thời và cũng là người chủ của tương lai đất nước, họ thật sự làm nên những góc nhìn và những suy nghĩ mới, bằng tác phẩm.