Văn nghệ tích cực hoạt động trực tuyến

Hình thức “sân khấu online” qua các điểm cầu trực tuyến đã được thí điểm trong nhiều sự kiện gần đây, đáng kể là chương trình “Tổ quốc trong tim” trong những ngày cuối tháng 7. 

Đây là buổi biểu diễn trực tuyến do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam thực hiện, diễn ra tại năm điểm cầu: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Bình Thuận và Paris (Pháp). Theo Phó Cục trưởng Trần Hướng Dương, sắp tới vở diễn “Trung thần” (Nhà hát Tuồng Việt Nam) sẽ cùng lúc lên sóng truyền hình và phát trực tuyến để phục vụ khán giả cả nước. Đây là giai đoạn một của “sân khấu online”, từ giữa năm ngoái 2020, Cục đã xây dựng kênh nghệ thuật biểu diễn Việt Nam trên YouTube và Facebook và thực nghiệm bằng hoạt động của các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Giai đoạn hai, hoạt động này sẽ được nhân rộng ra các đoàn nghệ thuật tự do. 

Việc dùng “đời sống mạng” đang được nhân lên ở nhiều sự kiện. Như hội thảo trực tuyến “Cuộc cách mạng chuyển đổi số và những thách thức cho doanh nghiệp du lịch” (vừa diễn ra ngày 29/7) do Viện Du lịch, Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh tổ chức, thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành. Hay như  đề án “Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam giai đoạn 2021 -  2025” cũng vừa được Bộ phê duyệt nhằm chuyển đổi phương thức quản lý dữ liệu truyền thống sang quản lý, lưu trữ điện tử, đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội truyền thống. Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) cũng vừa ra mắt kênh phát thanh (trên mạng internet), để đưa lịch sử truyền thống đến gần với công chúng. Kênh phát thanh độc quyền này mang tên: HoaLoPrisonRelic trên nền tảng Spotify và đường link https://open.spotify.com/show/5N66ouc6AjF6AFLQyCseyx. Chương trình hoàn toàn miễn phí, bao gồm nội dung trưng bày được cập nhật theo tuần và các câu chuyện lịch sử chọn lọc.

Một triển lãm mỹ thuật khá lạ, dùng thư pháp chữ Nôm để… ủng hộ phong trào chống dịch có tên “Múa Rồng”. Đây là các tác phẩm thư pháp chữ Nôm của họa sĩ Nguyễn Quang Thắng, một trong năm họa sĩ - học giả Hán Nôm của nhóm Thư pháp Thiền tại Hà Nội. Tác giả tạo ra loạt thư pháp mới này theo những thôi thúc và cảm nhận về sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Những con người đoàn kết bắt tay nhau nhiều thế kỷ để đối mặt với những thử thách của cuộc sống. Với đại dịch Covid-19 đang tàn phá khắp nơi trên thế giới và đang rất nặng nề tại Việt Nam, đặc biệt là ở miền nam, họa sĩ muốn dùng thư pháp Nôm để nhắc nhở về sức mạnh bất khuất từ vùng đất Chín Rồng (tức là đồng bằng sông Cửu Long). Triển lãm diễn ra tại Art Vietnam Salon Gallery (số 2, ngõ 66 Yên Lạc, Hà Nội, Việt Nam), và kéo dài cho đến hết năm.