Như ngọn đèn dầu vẫn tỏa

Tròn 10 năm họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm đi xa (2011 - 2021), gia đình cùng người thân, bạn bè vừa hoàn thành cuốn sách “Cẩm - Hoàng Hồng Cẩm” (NXB Mỹ thuật) để nhớ người họa sĩ tài hoa, con trai út danh họa Hoàng Lập Ngôn.

Một bức tranh sơn dầu của họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm vẽ năm 2010.
Một bức tranh sơn dầu của họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm vẽ năm 2010.

“Nàng Bân đan áo cho chồng”

Cuốn sách xuất hiện lặng lẽ, chỉ dành tặng cho những người bạn, những người thân thiết, gắn bó với họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm lúc sinh thời và cho các thành viên trong gia đình. Chị Triệu Tú Vân, vợ họa sĩ, chính là con gái của nhạc sĩ Chu Minh chia sẻ, từ lâu đã muốn làm một cuốn sách tuyển chọn những tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ. Nhưng rất tiếc, tư liệu hình ảnh về các tác phẩm của họa sĩ không nhiều. May thay cách đây ít lâu, trước khi qua đời, nhà nhiếp ảnh Đỗ Huy đã tặng lại gia đình chị Tú Vân chiếc đĩa trong đó có file ảnh chụp hàng trăm tác phẩm mà họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm sáng tác trong những năm 1990 cho đến trước khi mất (2011). 

Nhiều người đã biết, nhà nhiếp ảnh Đỗ Huy có duyên với nhiều họa sĩ. Bởi chụp tranh đòi hỏi những kỹ thuật riêng, không phải những người cầm máy “tay mơ” có thể thực hiện được. Nhất là vào một thời mà máy ảnh, kỹ thuật số, điện thoại thông minh còn chưa xuất hiện, thì sự cộng tác của nghệ sĩ Đỗ Huy trong việc làm tư liệu là rất quý. Chính nhờ CD tư liệu này, mà giờ đây, công chúng và những người yêu hội họa có thể gặp lại một “di sản mỹ thuật” của Hoàng Hồng Cẩm. Tất nhiên, không phải là tất cả, nhưng phần nào đã dựng lên chân dung hội họa của Hoàng Hồng Cẩm ở một thời đoạn có thể nói là đỉnh cao của sự nghiệp.

Ở cuốn sách này, trong tư cách người biên soạn, chị Triệu Tú Vân còn đặt, mời, hoặc tuyển chọn một số bài viết của các nhà phê bình, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn đã từng viết về họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm. Đó là nhà phê bình Phan Cẩm Thượng, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, họa sĩ Đỗ Dũng, nhà văn Ngô Thảo… Đáng quý nữa là những bài viết của những người thân, trong đó có con trai, con gái và vợ họa sĩ. “Em được truyền cảm hứng từ anh với sức lan tỏa lớn, những mảng mầu mạnh mẽ, những phác thảo mộc mạc mà duyên dáng… Tất cả những gì anh vẽ đều toát lên vẻ đẹp tinh thần đằm thắm, chứa đựng những tình cảm nồng nàn… Em đã thay anh chèo lái con thuyền gia đình trong vòng xoáy cuộc đời, với niềm lạc quan vô bờ bến… Làm cuốn sách này em ước được như nàng Bân đan áo cho chồng… những mong vừa vặn, ấm áp với anh…”, chị Tú Vân viết.

“Cậu hoàng bé” của hội họa Việt

Hoàng Hồng Cẩm sinh ngày 24-9-1959, là con trai út của họa sĩ Hoàng Lập Ngôn. Nhiều người vẫn còn nhớ ngôi nhà số 33 Hàng Dầu (Hà Nội) từng là địa chỉ tìm đến của giới văn nghệ sĩ Hà thành. Vẫn còn hình ảnh cho thấy, có thời điểm trên tầng hai treo bức phướn có chữ ký, bức tự tinh tướng họa và logo bánh xe ngựa cùng chữ ký của danh họa Hoàng Lập Ngôn. Tại ngôi nhà này, Hoàng Hồng Cẩm đã được sinh ra, lớn lên và gắn bó suốt những năm tháng tuổi thơ. Họa sĩ Hoàng Lập Ngôn quyết định đặt tên Hoàng Hồng Cẩm cho con, để đánh dấu kỷ niệm những tháng ngày xuống Hồng Gai, Cẩm Phả (Quảng Ninh) “ba cùng” với thợ mỏ.

Sinh ra trong không gian nghệ thuật ấy, từ sớm, Hoàng Hồng Cẩm đã được thừa hưởng khí chất của cha. Cũng từ rất sớm, họa sĩ Hoàng Lập Ngôn nhắn nhủ con trai út: “Trong cuộc sống, không cứ trong nghệ thuật, hãy luôn mang lại niềm vui cho người khác”.

Ngoài hội họa, Hoàng Hồng Cẩm học được ở cha nhiều bài học về tình bạn. “Khi tôi vào học Đại học Mỹ thuật công nghiệp (chuyên ngành Điêu khắc), có lần họa sĩ Bùi Xuân Phái đến nhà chơi, bác Phái xem những bức tranh sơn dầu đầu tiên của tôi vẽ và khen hai chữ: “Được đấy!”. Đợi bác Phái về, cha tôi mới nói với tôi: “Bác ấy đùa thôi, đừng vội mừng”. Tôi tự hiểu cha tôi muốn dạy tôi một bài học rằng: Không bao giờ được thỏa mãn trong sáng tạo. Cha thường bảo tôi rằng: Con phải vẽ thế nào để người xem thấy bức tranh như đang “nở” ra. Ghi tâm những điều cha dạy bảo, tôi dấn thân vào hội họa và nhận ra rằng, nghệ thuật là con đường riêng của mỗi người. Quan trọng nhất là mình không giống bất kỳ ai. Nghệ thuật không có con đường vòng, nó là con đường thẳng và nếu anh chấp nhận đi trên con đường ấy, anh phải trả giá”, lời tâm sự trong di cảo Hoàng Hồng Cẩm để lại.

Bởi thế, ấm áp, tình cảm là cảm giác khi cầm trên tay cuốn sách. Cuốn sách đã dựng lên một chân dung họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm có phong cách riêng, với tranh sơn dầu ấn tượng, với tranh minh họa báo chí sinh động, với những “tài lẻ” và cả những bức tranh giấy dó vẽ trên giường bệnh cùng nhiều tác phẩm sơn dầu dang dở chưa kịp ký tên còn trong phòng vẽ… “Cẩm - Hoàng Hồng Cẩm” giúp chúng ta gặp lại một họa sĩ tài hoa, một “cậu hoàng bé” (chữ của họa sĩ Lương Xuân Đoàn) của mỹ thuật Việt. Hay nói cách khác, dù Hoàng Hồng Cẩm đã đi xa 10 năm (27-10-2011), nhưng ta vẫn gặp lại những tác phẩm của họa sĩ, với hình ảnh cây đèn dầu tựa như một logo, một biểu tượng của hội họa Hoàng Hồng Cẩm, được gửi gắm, cài đặt trong nhiều tác phẩm. Ngọn đèn dầu ấy vẫn tỏa ánh sáng lấp lánh.

“Khi mỹ thuật Việt đi trước đổi mới từ những năm đầu thập niên 80, Cẩm sớm có bức chân dung tự họa đầu tay. Tôi đã giật mình, nhớ ngay đến bức tự họa duy nhất của danh họa Nguyễn Sáng. Mệnh nghiệp ẩn sâu trong dung nhan…

Tâm hồn Cẩm mãi lành sạch như mặt hồ trong, như chồi vẫn biếc và lá vẫn non xanh giữa những tháng ngày. Đĩa mầu của Cẩm cũng vậy. Nhiều biến tấu, biến khúc. Lạ và đẹp trong giây khắc xuất thần chưa kịp gọi tên, Cẩm lại vụt qua một không gian khác cho bức họa…

Cẩm vẫn là Cẩm, xa mà gần, ẩn mà hiện, cực thực đến gây sốc nhưng cũng siêu thực như gió trời, đưa ta đến cõi an nhiên của đời người trong thoáng chốc”.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam)