Mong đợi sau xin lỗi

NXB Đại học quốc gia Hà Nội vừa quyết định thu hồi, tiêu hủy cuốn sách “Chim Việt Nam” đề tên tác giả Võ Quý - Nguyễn Lân Hùng Sơn, vì những phê phán liên quan việc vi phạm bản quyền ảnh sử dụng trong cuốn sách này.

Cũng cần nói rõ thêm, việc vi phạm bản quyền ảnh này không liên quan đến cố GS sinh học Võ Quý, nhà nghiên cứu chim và bảo vệ môi trường nổi tiếng trong nước và thế giới. Vụ việc chỉ liên quan đến học trò ông, là PGS, TS Nguyễn Lân Hùng Sơn, hiện là Trưởng khoa Sinh học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Cuốn sách dày 1.200 trang, vừa mới xuất bản được ba tháng này, về mặt nội dung, là một công trình công phu nghiên cứu về 906 loài chim hiện được biết đến ở Việt Nam. Có những nghiên cứu quan trọng cả đời của GS Võ Quý (đã từng được xuất bản một số lần trước đây nhưng chưa đầy đủ) và những phần bổ sung của học trò ông.

Tiếc rằng, chỉ vì việc không tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ khi trích dẫn in những hình ảnh chim lấy trên mạng và những ứng xử thiếu cẩn trọng sau đó của PGS, TS Nguyễn Lân Hùng Sơn mà cuốn sách dẫn đến bị thu hồi, tiêu hủy. Nhiều ý kiến tiếc rẻ sự công phu và chi phí thực hiện cuốn sách, đưa ra những thắc mắc rằng tại sao không thể điều đình về chuyện bản quyền. Nhưng việc này đã quá muộn! Trong bối cảnh như vậy, một quyết định cần thiết, xử lý nghiêm của NXB Đại học quốc gia Hà Nội, là đáng hoan nghênh.

Một vụ việc khác, trong giới mỹ thuật, vừa xảy ra, là chuyện một sinh viên mỹ thuật tại TP Hồ Chí Minh đã chép gần như nguyên xi một bức tranh khắc gỗ từng đoạt giải tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 2015 sang sơn mài và đạt giải thưởng cao của Hội Mỹ thuật thành phố.

Tuy sau đó hội đồng chấm giải Trại sáng tác của Hội Mỹ thuật thành phố đã rút giải thưởng và 5 triệu đồng tiền tài trợ, nhưng việc Hội trả lời rằng: khi chấm giải, không biết tác phẩm đó “đạo” tranh giải nhất của Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc cách đây hai năm, là thiếu trách nhiệm. Bởi vì Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng là một bộ phận của Hội Mỹ thuật Việt Nam, vốn đã có truyền thống phối hợp với ngành văn hóa tổ chức các triển lãm mỹ thuật toàn quốc.

Để giải quyết “hậu” của chuyện “đạo”, chúng ta thường thấy dường như những người vi phạm cứ lên tiếng xin lỗi (thường do truyền thông đưa ra) là vụ việc sau đó “chìm xuồng” luôn. Chẳng nhẽ cứ “xin lỗi” không là xong ư? Cần sự mạnh bạo, thẳng thắn hơn của cơ chế để có hình thức xử lý thỏa đáng những hành vi như vậy!